Thứ Hai, 17/08/2009 07:24

Mô hình tập đoàn kinh tế: Tiếp tục chờ

Sẽ chưa có thay đổi nào trong mô hình quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước. Đây là quyết định của Chính phủ sau khi thông qua Dự thảo Nghị định thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước.

Quy định mới về giám sát của chủ sở hữu Nhà nước đối với tập đoàn kinh tế nhà nước cũng sẽ không triển khai theo hướng thành lập bộ máy mới như đã từng được thảo luận nhiều. Câu chuyện tranh luận về mô hình “siêu tổng công ty” hay “siêu bộ” lập ra để quản lý, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ tạm dừng lại, chờ kết luận từ chặng đường thí điểm tiếp theo.

Như vậy, theo quy định sẽ được thực hiện tới đây, sau khi Dự thảo Nghị định thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước chính thức được ký ban hành, dự kiến vào cuối tháng 8/2009, nội dung quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ được thực hiện thông qua giám sát công ty mẹ và do các cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện.

Cụ thể, Bộ Tài chính giám sát, đánh giá hoạt động tài chính, kết quả và hiệu quả kinh doanh của công ty mẹ và toàn bộ tập đoàn kinh tế; việc phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ của công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên; vay vốn đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán. Bộ Tài Chính cũng được đề nghị giao quyền giám sát việc chuyển dịch vốn, đầu tư và các nguồn lực bên trong tập đoàn và giữa trong và ngoài tập đoàn kinh tế cũng như theo dõi báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn kinh tế.

Trách nhiệm giám sát danh mục đầu tư, các ngành nghề kinh doanh chính và ngành nghề có liên quan sẽ do bộ quản lý đối với ngành nghề kinh doanh chính thực hiện. Bộ này cũng sẽ có trách nhiệm đánh giá về cơ cấu ngành nghề chính và ngành nghề có liên quan. Đặc biệt, bộ này cũng được giao nhiệm vụ theo dõi cán bộ lãnh đạo quản lý tại công ty mẹ, đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu về nhân lực lãnh đạo quản lý đối với ngành nghề kinh doanh chính và ngành nghề có liên quan.

Trách nhiệm quản lý, giám sát tập đoàn kinh tế của các bộ tới đây sẽ khá vất vả

Với các đề án thành lập mới tập đoàn kinh tế nhà nước cũng như việc thành lập doanh nghiệp mới của công ty mẹ, tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp khác thuộc lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, các dự án có nguy cơ rủi ro, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện giám sát và chịu trách nhiệm cả quá trình tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế nhà nước; đánh giá về kết quả thực hiện đề án; phân tích các thuận lợi và rủi ro của phát triển tập đoàn kinh tế; giám sát và đánh giá việc thực hiện chiến lược phát triển của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Các cơ quan này sẽ thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát đối với tập đoàn kinh tế nhà nước thông qua chế độ báo cáo của hội đồng quản trị công ty mẹ; qua thực hiện kiểm toán tại công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên cũng như các báo cáo định kỳ và đột xuất của công ty mẹ theo các nguyên tắc, tiêu chí sẽ được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đặc biệt, theo quy định này thì kết quả đánh giá này là cơ sở để quyết định mức lương, thưởng, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại đối với thành viên hội đồng quản trị, người quản lý điều hành tại công ty mẹ.

Như vậy, tới đây, “cửa ải” chính của các tập đoàn kinh tế hiện tại cũng như các đề án thí điểm thành lập tập đoàn bất động sản của Bộ Xây dựng cũng như thành lập 4 tổng công ty phân phối điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam... sẽ vẫn là các bộ quản lý chuyên ngành.

Cũng phải nói rằng, trách nhiệm quản lý, giám sát tập đoàn kinh tế của các bộ tới đây sẽ khá vất vả khi dự thảo Nghị định này đã bổ sung một số quyền đặc thù đối với công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế nhà nước thí điểm hiện nay. Cụ thể, công ty mẹ, doanh nghiệp thành viên tập đoàn kinh tế nhà nước được thực hiện phương thức chào giá cạnh tranh mua sắm kể cả đối với doanh nghiệp tham gia tập đoàn mà sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác. Dự thảo này cũng cho phép các doanh nghiệp thành viên có quyền tham gia đấu thầu thực hiện các dự án của công ty mẹ và của các doanh nghiệp thành viên khác trong tập đoàn kinh tế nhà nước.

Đặc biệt, công ty mẹ được quyền tự chủ về đơn giá tiền lương, quyền quyết định thang, bảng lương, đơn giá tiền lương, chế độ trả lương đối với người lao động và cán bộ quản lý khác trên cơ sở quy định về lương tối thiểu của Nhà nước và nguyên tắc tốc độ tăng tiền lương bình quân thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động - tiền lương.

Đối với tập đoàn kinh tế nhà nước được Nhà nước giao quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, hoặc được giao hay thuê đất đai, thì công ty mẹ đại diện tập đoàn thống nhất quản lý tài nguyên khoáng sản, đất đai trong toàn tập đoàn cũng như được tổ chức hoạt động kinh doanh, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, đất đai theo quy định pháp luật về tài nguyên khoáng sản, đất đai.

Ánh Minh

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Thái Lan sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam (17/08/2009)

>   Nhà máy lọc dầu Dung Quất chuẩn bị vận hành 100% công suất (17/08/2009)

>   Khốn đốn vì giá vật liệu “trở chứng” (17/08/2009)

>   Xuất khẩu nhựa sang Trung Đông, châu Phi (17/08/2009)

>   Vận động “Người Việt ưu tiên dùng sữa Việt” (17/08/2009)

>   Sẽ bỏ phân biệt hàng xuất khẩu với hàng nội địa (17/08/2009)

>   Tương lai kinh tế Việt Nam gắn liền với cảng biển? (16/08/2009)

>   Thúc đẩy hợp tác thương mại ASEAN và đối tác (16/08/2009)

>   Sức mạnh ngoại lực (16/08/2009)

>   Thanh toán khống cho nhà thầu hơn 3,7 tỷ đồng (16/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật