Để nông sản Việt Nam không bị rớt giá
Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, thị trường xuất khẩu rau quả trong những tháng đầu năm 2009 đang bị thu hẹp, đã có khoảng 10 thị trường không có đơn hàng xuất khẩu do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.
Ông Huỳnh Quang Đấu, Phó chủ tịch Hiệp hội cho rằng, nguyên nhân chính khiến cho thị trường rau quả bị sụt giảm là do sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Theo ông xuất khẩu rau quả những tháng đầu năm gặp khó khăn ngoài nguyên nhân khủng hoảng kinh tế còn có nguyên nhân nào khác?
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã giảm đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2008, do nền kinh tế nước ta rơi vào tình trạng khó khăn chung và tình hình lạm phát tăng cao, nhiều loại nông sản thường xuyên gặp khó trong khâu tiêu thụ, dù giá bán thấp hơn giá thành sản xuất như: hồ tiêu, cà phê, cao su,...
Tình trạng nhiều loại cây trồng và hàng nông sản của ta thường gặp khó trong đầu ra đã có từ rất lâu, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trên, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường thế giới, bằng cách bán phá giá đã làm cho mặt hàng nông sản của Việt Nam gặp khó khăn.
Điển hình là mặt hàng dứa đông lạnh lâu nay xuất khẩu với giá 1.000 USD/tấn, nay có nhiều doanh nghiệp đã chào bán với giá 850 USD/tấn. Mặt hàng rau quả đóng hộp cũng bị nhiều doanh nghiệp chào giá thấp đến mức không thể ngờ tới.
Tình hình xuất khẩu trong các tháng còn lại của năm 2009 và các năm tới, đầu ra của hàng nông sản Việt Nam nói chung và sản phẩm rau quả nói riêng, chủ yếu là nguồn nguyên liệu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thuận lợi, nhưng thách thức và khó khăn cũng nhiều hơn trước, nếu như tất cả các doanh nghiệp chuyên kinh doanh ngành hàng nông sản không biết nắm bắt cơ hội xuất khẩu.
Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để giúp hàng nông sản tránh cảnh rớt giá khi thu hoạch rộ, thưa ông?
Một trong những nguyên nhân chính khiến cho hàng nông sản và nhiều loại cây trồng khác thường xuyên rơi vào cảnh trúng mùa rớt giá, là do chúng ta chưa quy hoạch được vùng chuyên canh theo lợi thế, qui mô sản xuất manh mún nhỏ lẻ làm đội giá thành; chưa tổ chức được liên kết vùng dẫn đến nhiều vùng, nhiều địa phương cùng trồng một loại cây và hệ thống tiêu thụ chưa chuyên nghiệp...
Ngoài ra, do trình độ nhận định thị trường của người nông dân còn hạn chế, thấy loại cây trồng nào đang có giá ngay lập tức chuyển sang trồng cây đó ngay, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, hàng hóa dư thừa không tiêu thụ được và chất lượng không ổn định. Câu chuyện được mùa, rớt giá không còn là câu chuyện của riêng một ngành hàng nông sản nào của Việt Nam. Và mỗi năm khi mùa vụ đến nghịch lý được mùa - rớt giá lại đặt ra với câu hỏi tại sao năm nào cũng vậy?
Mặt khác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp kinh doanh cùng một lĩnh vực thường tranh mua, tranh bán làm giá nguyên liệu đầu vào luôn biến động, khiến cho doanh nghiệp và nông dân đều gặp khó khăn.
Giải pháp ở đây là cần phải quy hoạch cụ thể vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu, các doanh nghiêp phải cùng nhau liên kết lại, ngoài ra, sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp cũng hết sức quan trọng, nếu tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp thì hàng nông sản ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước sẽ phát triển bền vững, cảnh trúng mùa rớt giá và việc thừa, thiếu nguyên liệu sẽ nhanh chóng được khắc phục.
Để giúp nông dân tránh cảnh rớt giá khi thu hoạch rộ hàng nông sản, theo ông doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có vai trò thế nào?
Để mặt hàng rau quả Việt Nam trở thành hàng hóa xuất khẩu theo những tiêu chuẩn mà khách hàng nước ngoài yêu cầu thì đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà chế biến xuất khẩu rau quả với nhà vườn, Nhà nước và các nhà khoa học để đảm bảo số lượng, chất lượng tốt, giao hàng đúng thời gian.
Đặc biệt là nhà máy sản xuất phải đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hệ thống quản lý phải đạt ISO 9001:2000; HACCP; BRC Food và phải khẳng định “chất lượng là uy tín, là sự tồn tại và phát triển của đơn vị”.
Khôi Nguyên
TBKTVN
|