Giấy thông hành cho “nhân viên quốc tế”
CPA là một trong những giấy thông hành cho nhân viên Việt Nam hoạt động trên thị trường quốc tế mà không bị phân biệt bởi “biên giới cứng”. Đó là khẳng định của ông Geoff Rankin, Tổng giám đốc Hiệp hội Kế toán Công chứng Australia (CPA Australia), trong cuộc trả lời phỏng vấn của TBKTSG nhân dịp tổ chức này kỷ niệm một năm gia nhập thị trường Việt Nam.
Ông nhận xét như thế nào về nhu cầu nhân lực trong ngành kế toán, kiểm toán tại Việt Nam?
- Ông Geoff Rankin: Trên thế giới hiện đang có nhu cầu rất lớn đối với những kế toán viên có khả năng làm tăng thêm giá trị cho doanh nghiệp. Lý do là những kế toán viên vừa có khả năng theo dõi các con số vừa có thể đưa ra một tầm nhìn chiến lược giúp doanh nghiệp thu hút các nguồn vốn và đạt được các chỉ tiêu tài chính cần thiết. Do đó, tôi tin rằng nhu cầu kiểm toán và kế toán ở Việt Nam cũng sẽ ngày càng tăng mạnh. Đặc biệt, khi kinh tế phục hồi, những kế toán, kiểm toán viên có trình độ chuyên nghiệp sẽ được cần đến nhiều hơn bao giờ hết.
Việt Nam là nơi được nhiều tập đoàn lớn bỏ vốn đầu tư và họ rất cần các kế toán, kiểm toán viên giỏi để giúp đo lường khả năng thu lợi từ các khoản đầu tư đó. Theo thông tin mà tôi nắm được, sắp tới Việt Nam sẽ cần khoảng 7.000 kế toán và kiểm toán viên. Trong bối cảnh đó, sự công nhận toàn cầu của chương trình CPA sẽ mang lại cho các thành viên của CPA Australia một chứng chỉ hành nghề có giá trị cao để làm việc trong ngành tài chính và kinh doanh quốc tế dù ở Việt Nam hay nước ngoài. Đó cũng chính là lý do tại sao CPA Australia xem Việt Nam là một thị trường chiến lược.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn những giá trị mà chương trình của CPA Australia mang lại cho các học viên Việt Nam?
CPA Australia chuyên cung cấp chương trình đào tạo sau đại học chuyên ngành kế toán, kiểm toán và tài chính được công nhận toàn cầu. Để trở thành kế toán viên công chứng CPA, các hội viên phải hoàn tất chương trình đào tạo của CPA Australia đồng thời có ba năm tích lũy kinh nghiệm có hướng dẫn trong lĩnh vực kế toán hoặc tài chính.
Đặc điểm nổi bật của chương trình CPA Australia là không chỉ trang bị cho các hội viên những kỹ năng chuyên môn mà cả khả năng về chiến lược, lãnh đạo và kinh doanh quốc tế. Điều này giúp cho hội viên CPA Australia có khả năng bao quát và tầm nhìn toàn diện trong môi trường kinh doanh năng động như hiện nay. Hiện CPA Australia đã có hơn 21.000 hội viên giữ các chức vụ tổng giám đốc, giám đốc tài chính...
Tại nhiều nước phát triển, chứng chỉ hành nghề CPA hoặc tương đương là điều bắt buộc để có thể hành nghề kế toán, kiểm toán. Chứng chỉ hành nghề CPA Australia cũng đã được các công ty kế toán kiểm toán lớn như KPMG, Deloitte, Enrst & Young, PWC và các tập đoàn đa quốc gia xem là một tiêu chuẩn tin cậy trong việc tuyển dụng và đề bạt vào các vị trí then chốt.
Trình độ chung của nhân lực ngành kế toán, kiểm toán Việt Nam còn khoảng cách khá xa so với chuẩn mực ở các thị trường tiên tiến. Liệu điều này có khiến các ứng viên Việt Nam gặp khó khăn khi tiếp cận các chương trình mang tính quốc tế như CPA?
- Chất lượng giáo dục của Việt Nam sẽ tăng lên và khoảng cách so với các thị trường khác sẽ nhanh chóng được thu hẹp lại. Học viên Việt Nam ngày càng nhận thức rõ về những giá trị mà danh hiệu CPA Australia mang lại cho họ, trong đó giá trị cơ bản nhất chính là khả năng kiếm việc làm “không biên giới”. Hiện CPA Australia đang có hơn 140 hội viên chính thức tại Việt Nam.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có gần 3.000 hội viên là sinh viên trong chương trình “Sinh viên thông hành” đang học ở các trường đại học. Họ có thể trở thành những hội viên dự bị rồi hội viên chính thức trong tương lai. Không giống như nhiều chương trình đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề khác, chương trình CPA ngày nay mang tính toàn cầu, học viên Việt Nam sẽ trở nên quen thuộc với các vấn đề mà doanh nghiệp trên toàn thế giới đang gặp phải. Để duy trì tư cách hội viên, các hội viên CPA phải cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp cũng như các hoạt động đào tạo thường xuyên bắt buộc.
Hiện CPA Australia đang có mức phí riêng đối với cấp độ cơ bản của chương trình CPA Australia dành cho các ứng viên tại Việt Nam, thấp hơn nhiều so với các thị trường phát triển. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang triển khai tại Việt Nam chương trình Hội viên thông hành dành cho hơn 3.000 sinh viên (CPA passport program). Đây là chương trình miễn phí đem đến cho sinh viên từ những thông tin chuyên ngành tài chính - kế toán, các bí quyết học tập và tìm việc làm cho đến những thông tin tư vấn phát triển nghề nghiệp và tuyển dụng dành cho những người đã tốt nghiệp. Các sinh viên CPA Passport cũng được sử dụng trang mạng dành cho hội viên CPA, thư viện trực tuyến của CPA Australia - một trong những thư viện trực tuyến chuyên ngành kế toán, tài chính và kinh doanh lớn nhất thế giới.
Sau một năm tham gia thị trường Việt Nam, ông đánh giá khả năng thích ứng của CPA Australia như thế nào?
- Tháng 7-2009 đánh dấu một năm CPA Australia có mặt tại Việt Nam. CPA đã phát triển quan hệ hợp tác với các cơ quan chức năng và chuyên ngành kế toán, kiểm toán như Bộ Tài chính, Cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Hiệp hội Kế toán Việt Nam (VAA), VACPA (Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam), các công ty kế toán - kiểm toán như KPMG, Deloitte, Enrst & Young, PWC; các tập đoàn đa quốc gia như Coca Cola, Neslé, ANZ... Chúng tôi đã tuyển được một đội ngũ nhân viên có năng lực và nhìn thấy rõ cơ hội phát triển qua các thành tố trên thị trường, nguồn vốn, nguồn nhân lực và số lượng sinh viên. Tóm lại, Việt Nam là một thị trường tiềm năng và chúng tôi đã học hỏi thêm được nhiều điều ở đây.
Chất lượng thông tin của các báo cáo tài chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện còn nhiều vấn đề và điều này liên quan đến đội ngũ kế toán, kiểm toán. Theo ông, Việt Nam nên làm gì để sớm cải thiện tình hình nói trên?
- Việt Nam đã làm thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và số lượng doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở đây rất lớn. Với các công ty đa quốc gia thì việc sử dụng báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế là bắt buộc. Chúng tôi rất ủng hộ Chính phủ Việt Nam trong việc đưa ra tiêu chuẩn về báo cáo quốc tế với các doanh nghiệp Việt Nam. Đó sẽ là nguồn thông tin đáng tin cậy thúc đẩy các luồng tài chính đổ vào Việt Nam. Số liệu đưa ra càng chuẩn mực bao nhiêu thì sức hút đối với các luồng tài chính vào Việt Nam càng tăng bấy nhiêu.
Thật ra, ngay cả Mỹ và một số nước phát triển khác cũng đang gặp phải những vấn đề tương tự khi doanh nghiệp không ủng hộ các hình thức báo cáo quốc tế. Song, họ cũng đặt ra lộ trình cho các doanh nghiệp và chính phủ sẽ phải cương quyết làm. Và nếu các thị trường khác làm được mà Việt Nam không làm được thì sẽ phải đứng nhìn dòng tiền chảy sang các nước khác.
Hồng Phúc
TBKTSG
|