Sự trở lại của khối ngoại
Đặc thù của lớp NĐT ngoại mới như linh hoạt trong giao dịch, mua nhanh, bán nhanh có thể sẽ tạo ra những tác động lớn đến diễn biến TTCK.
Cùng với đà khởi sắc của các TTCK toàn cầu, TTCK Việt Nam trong 3 tháng trở lại đây đón nhận những tín hiệu tích cực từ dòng vốn ngoại. Trên sàn niêm yết, khối ngoại lập kỷ lục với chuỗi 21 phiên liên tiếp mua ròng, giá trị xấp xỉ 1.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo lời của một quan chức Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), các NĐT nước ngoài mới đến Việt Nam chưa có những tên tuổi lớn. Vậy thời điểm này, khối ngoại quan tâm đến vấn đề gì và những yếu tố nào sẽ giúp Việt Nam kéo dòng vốn ngoại trở lại?
Capital Partners Securities có trụ sở tại Tokyo, đang tư vấn môi giới đầu tư cho khách hàng Nhật vào Việt Nam với số vốn ước khoảng 300 triệu USD. Khách hàng của ngân hàng đầu tư này là những NĐT lớn, số vốn rót vào Việt Nam ít nhất 1 triệu USD. Năm mã cổ phiếu được nhà môi giới này chăm chút cho cơ sở dữ liệu và cập nhật thông tin thường xuyên đến khách hàng bao gồm VNM, FPT, HPG, PVD và ITA. Một chuyên gia người Việt làm việc tại Capital Partners Securities cho hay, khi tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam, trên hết là mối quan tâm của NĐT đến các chính sách vĩ mô, khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát và đặc biệt chính sách tỷ giá.. NĐT Nhật đầu tư vào Việt Nam bằng đồng yên, khi mua chứng khoán họ phải chuyển sang VND, đến lúc hạch toán tài khoản lại phải chuyển giá trị tài sản sang yên. Trong thời gian qua, VND mất giá nhiều so với yên, có NĐT khi tính chênh lệch giá mua giá bán lãi tới 15 - 20%, nhưng khi cộng cả biến động tỷ giá vào lại không có lãi. Đây chính là lý do một bộ phận NĐT nước ngoài chọn mua cổ phiếu của những công ty có tỷ trọng doanh thu từ xuất khẩu lớn để tránh rủi ro tỷ giá. Thời điểm này, những thị trường có ưu thế cạnh tranh hút vốn với Việt Nam là Trung Quốc, Brazil - những nước có đồng bản tệ tăng giá so với USD.
Một NĐT nước ngoài được ghi nhận mua nhiều trên TTCK Việt Nam thời gian qua là Red River, quỹ đầu tư của Pháp với tổng lượng vốn dự kiến đổ vào Việt Nam tới 300 triệu USD. Trong hơn một tháng qua, từ sở hữu tỷ lệ 1% vốn điều lệ VCS, NĐT này đã gia tăng nắm giữ tới 8%; họ cũng đã có những cuộc tiếp xúc để tìm hiểu về CTCP Thuỷ sản Minh Phú và mua vào cổ phiếu MPC. Red River đầu tư vào TTCK Việt Nam thông qua đại diện là Tri Tin International. Ngoài Red River, Tri Tin International còn là nhà tư vấn của Jade River Management Ltd. và Temasia Capital Limited. Liệu TTCK Việt Nam có đủ hấp dẫn để cả 3 quỹ trên đều gia tăng giải ngân?
Ở tầm nhỏ hơn, CTCP Quản lý quỹ Bông Sen (Lotus IMC) cũng có 80% khách hàng là người Nhật. Năm 2008, nhiều quỹ đầu tư lớn thua lỗ nặng nề, nhưng phần lớn khách hàng của Lotus IMC vẫn có lãi. Theo ông Nguyễn Đức Tài, Giám đốc Công ty, NĐT Nhật kiên cường hơn rất nhiều so với các NĐT phương Tây, bằng chứng là khi NĐT nước ngoài đua nhau rút tiền khỏi thị trường Việt Nam, NĐT Nhật vẫn bám trụ, thậm chí trong vài tháng trở lại đây còn rót thêm tiền vào TTCK Việt Nam. Với những NĐT này, tăng trưởng EPS bình quân hàng năm luôn là mối quan tâm hàng đầu, ngoài ra tỷ lệ cổ tức tốt cũng là động lực.
Tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến kế hoạch huy động vốn từ các NĐT châu Âu của một công ty quản lý quỹ thành lập năm 2008 dang dở. Tuy nhiên, theo tổng giám đốc công ty này, gần đây đã có một số tín hiệu tích cực, một số thỏa thuận ban đầu về việc rót vốn đã được đưa ra. Để thích ứng với hoàn cảnh mới, giai đoạn đầu công ty này có thể đóng quỹ với quy mô 45 triệu USD.
Trao đổi với báo chí, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc điều hành Dragon Capital cho rằng, 3 - 4 năm về trước việc huy động vốn của các quỹ đầu tư khá dễ dàng, khi cần vốn các quỹ chỉ cần huy động từ NĐT, tái huy động vốn luôn song hành với tái đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay huy động vốn không hề đơn giản. NĐT khi đổ vốn vào các quỹ đều phải xem xét đến hiệu quả của nguồn vốn đó, với mục đích phải tối đa hóa việc sử dụng nguồn vốn đó sao cho có hiệu quả cao nhất. Vì thế, tính hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn là vấn đề cốt lõi của các quỹ đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hiện nay, nhiều quỹ vừa đầu tư dài hạn, vừa tham gia… lướt sóng.
Trong câu chuyện với ĐTCK, một vị quan chức UBCK cũng chia sẻ quan điểm trên. Sự trở lại của khối ngoại lần này sẽ khác nhiều so với trước đây. Trong khi những quỹ lớn với chiến lược mua và nắm giữ còn chưa quyết định đổ vốn, thì đặc thù của lớp NĐT mới như linh hoạt trong giao dịch, mua nhanh, bán nhanh có thể sẽ tạo ra những tác động lớn đến diễn biến TTCK mà NĐT trong nước cần lưu ý.
Anh Việt
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|