Thứ Hai, 13/07/2009 07:00

Góc nhìn phân tích kỹ thuật tuần này

(Vietstock) – Nếu tính từ mức đáy thiết lập vào ngày 24/02/2009 (235,5 điểm) đến mức đỉnh vào ngày 09/06/2009, chỉ số Vn-Index đã tăng 117,62%. Điều này đưa thị trường Việt Nam trở thành một trong nhưng thị trường tăng điểm mạnh nhất châu Á. HSBC dựa vào những yếu tố cơ bản cho rằng giá trị thị trường của Việt Nam đã bị đẩy lên quá mức và đưa ra lời khuyên nhà đầu tư nước ngoài không nên tham gia thị trường ở thời điểm hiện nay. Nếu đứng ở vị thế là một nhà phân tích kỹ thuật thì lời khuyên đó có chính xác hay không?

Sóng Elliott thứ 5 sẽ không kéo dài

Mặc dù hiện tại có một bộ phận nhà đầu tư kỳ vọng một sự gia tăng mạnh mẽ của VN-Index trong sóng 5 nhưng các lí thuyết kinh điển về sóng dường như không ủng hộ nhận định này. Theo lí thuyết sóng Elliott, sóng thứ ba không bao giờ là sóng ngắn nhất. Trong khi đó, sóng thứ nhất của VN-Index có độ dài bằng 57,5% sóng thứ ba. Như vậy, sóng Elliott thứ 5 có nhiều khả năng sẽ là bước sóng ngắn nhất trong ba sóng tiến vì khi sóng một và sóng ba có độ dài thời gian và độ dốc lớn (sóng 1: 50,1282o, sóng 3: 67,4873o) thì sóng 5 sẽ ngắn và thoải hơn.

Nguồn: Vietstock

Có ba kịch bản cho sóng Elliott thứ 5. Kịch bản thứ nhất và cũng là kịch bản được nhiều người kỳ vọng nhất, VN-Index sau khi chạm vào đường trenline trung hạn và ngưỡng hỗ trợ Fibonacci 38,2% sẽ đảo chiều, vượt qua mức kháng cự Fibonacci 23,6% (tương đương 464,447 điểm) và đạt tới độ cao bằng với sóng 3 trước đây. Đây là kịch bản lạc quan nhất nhưng cũng là kịch bản khó xảy ra nhất.

Chúng ta giả định rằng ngày 01/07/2009 là ngày bắt đầu của sóng 5 và kết thúc sóng c của chu kì sóng 4. Với giả định đó chúng ta sẽ phân tích sự hình thành của sóng. Có một quy luật trong phân tích kỹ thuật: “Giá có thể rớt theo quán tính nhưng nó cần một lực đẩy đủ mạnh để tăng trở lại”. Lực đẩy đó chính là khối lượng giao dịch và nó sẽ hình thành trong giai đoạn tích lũy của sóng. Nếu khối lượng chưa đủ lớn thì giá khó có thể tăng. Trong trường hợp của sóng 5, khối lượng giao dịch cũng như VN-Index có xu hướng giảm kể từ khi bắt đầu bước sóng.

Nguồn: Vietstock

Thông thường trong giai đoạn tích luỹ của sóng, khối lượng giao dịch luôn luôn tăng dần nhưng Vn-Index có vẻ như đang đi ngược lại quy luật này. Nếu như khối lượng giao dịch tăng đột ngột trong tuần sau thì tình hình có thể sẽ khác nhưng nếu cứ tiếp tục tình trạng giao dịch với khối lượng thấp, giằng co quyết liệt và side-way ngắn hạn thì có nhiều khả năng những kịch bản xấu hơn sẽ xảy ra.

Kịch bản thứ hai là Vn-Index sẽ side-way giữa hai ngưỡng hỗ trợ Fibonacci 38,2% và ngưỡng kháng cự 23,6% cho đến cuối tháng 7. Đây là kịch bản khó dự báo nhất vì phân tích kĩ thuật không đạt được hiệu quả cao trong một thị trường side-way.

Kịch bản thứ ba xấu nhất và cũng ít được mong chờ nhất lại có nhiều khả năng xảy ra nếu xét theo quan điểm của phân tích kỹ thuật. Kịch bản này sẽ hỗ trợ cho một mẫu hình vai đầu vai (Head & Shoulder) đảo ngược.

Liệu có hình thành mẫu hình Head & Shoulder đảo ngược ?

Trong tuần sau, VN-Index sẽ test mức kháng cự Fibonacci Retracement 38,2% (tương ứng với 434,495 điểm). Ngày 13/07/2009 sẽ là một mốc thời gian quan trọng vì nếu VN-Index xuyên thủng mức chống đỡ 38,2% thì khả năng hình thành vai phải của mô hình Head & Shoulder là rất lớn. Nếu như thực sự sẽ hình thành thì đây là mô hình Head & Shoulder với vai phải bị xéo và đường neckline hướng xuống với độ nghiêng -12,05o. Như vậy, đáy của vai phải có nhiều khả năng sẽ về mức ngang bằng với vai trái (tương đương mức 366,02 điểm) hoặc hơn thế.

Nguồn: Vietstock

Điểm đáng lưu ý ở đây là không chỉ có trường phái phân tích kỹ thuật cổ điển mới đưa dự báo thị trường sụt giảm mà ngay cả phân tích kỹ thuật hiện đại cũng ủng hộ giả thuyết này của thị trường.

Phải chăng dòng tiền đang rời bỏ thị trường?

Nếu quan sát kỹ chỉ báo Money Flow Index (MFI) và Chaikin Money Flow (CMI) theo weekly sẽ thấy dòng tiền đang giảm dần để chảy sang các kênh đầu tư khác. Nguy cơ đảo ngược dòng tiền được đề cập trong những tuần trước của các bài phân tích của Vietstock đã dần dần lộ rõ. Indicator MFI 14-days sau 49 ngày vượt qua ngưỡng kháng cự 80 đã về lại mức 71,3606. CMF 21-days cũng đang trên đà đảo chiều khi đạt mức 0,1442 vào ngày 10/07/2009.

Nguồn: Vietstock

Đường ADX 14-days đã đảo chiều trong tháng 6 báo hiệu thị trường không còn tiếp tục xu hướng tăng giá trong ngắn nữa (ít nhất vài tuần) và có khả năng sẽ đi xuống vào cuối tháng 7 nếu như hai đường Direct Movement –DI và +DI cắt nhau.

Xác lập xu hướng giảm giá trung hạn của Ichimoku Kinko Hyo Indicator

Với độ dốc lên đến 51,3402o của Up Kumo và -63,36o của đường Closing Price thì có nhiều khả năng sẽ xuất hiện giao điểm vào tuần thứ tư của tháng 7. Trong quá khứ, sự giao nhau của Closing Price và Kumo Cloud luôn kéo theo sự giao nhau của Tenkan-Sen và Kijun-Sen với Kumo vào tuần kế tiếp. Khi đó, một downtrend chính thức được khẳng định. Vì vậy, nhà đầu tư cần phải thận trọng khi xuất hiện sell signal của Ichimoku vào cuối tháng 7.

Nguồn: Vietstock

Mặt khác theo lí thuyết của Ichimoku Sanjin đưa ra, khi đường Chikou Span cắt Closing Price và nằm dưới đường này thì đó là dấu hiệu của downtrend và là một sell-signal. Dấu hiệu này đã xuất hiện vào ngày 09/07/2009. Mặc dù chưa thể khẳng định chắc chắn đây là một downtrend trung hạn hay chỉ là một bear-trap ngắn hạn nhưng những signal đưa ra của chỉ báo này cũng góp phần cảnh báo những nhà đầu tư đang hi vọng về một đợt tăng giá mới của thị trường.

Nói tóm lại, tuần này là một tuần đóng vai trò quyết định trong việc Vn-Index sẽ đi theo kịch bản nào. Sự thất bại của BVH và VCB đã khiến nhà đầu tư không còn kì vọng quá nhiều vào phiên chào sàn sắp tới của Vietinbank (16/07/2009) với giá tham chiếu 50.000 đồng/CP. Vietinbank có thể giảm giá ngay trong phiên đầu tiên chào sàn vì hoạt động bán ra chốt lời của các nhà đầu tư đã mua được ở phiên đấu giá trước (giá bình quân 20.265 đồng/CP). Tóm lại, nếu tình hình vẫn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng cũ và TTCK thế giới không có những bứt phá ngoạn mục thì lời khuyên đưa ra là nhà đầu tư nên đứng ở vị thế nắm giữ tiền mặt để tự bảo vệ mình trước một đợt giảm giá trung hạn có thể xảy ra trong thời gian tới.

Nguyễn Quang Minh

Các tin tức khác

>   Sóng thứ 5 của sóng Elliott liệu có kết thúc sớm ? (29/06/2009)

>   VN-Index kết thúc sóng 4? (28/06/2009)

>   Điều gì đang xảy ra với VN-Index? (12/05/2009)

>   VN-Index hoàn tất mô hình “vai đầu vai đảo ngược” (08/05/2009)

>   VN-Index: Xu hướng đang thay đổi (04/05/2009)

>   Tết đến, VN-Index có lì xì? (22/01/2009)

>   Phân tích kỹ thuật và tuần 3 tháng 12 (22/12/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật