Thứ Hai, 04/05/2009 08:20

VN-Index: Xu hướng đang thay đổi

(Vietstock) - Cơ hội đã trở lại khi sóng 4 đã kết thúc để nhường chỗ cho sóng theo xu hướng tăng – sóng 5. Niềm tin và sự lạc quan đang trở lại nhưng vẫn còn đó những khó khăn khi “đám mây đen” vẫn chưa tan biến trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

Dow Jones cần sự hỗ trợ từ những tin tốt

Chỉ với một vài thông tin tốt được công bố trong thời gian qua vẫn không đủ để tạo nên một luồng gió mới xua tan đám mây đen bao phủ thị trường chứng khoán toàn cầu. Chỉ số Dow Jones vẫn tiếp diễn với trạng thái Sideway.

Đã hơn 3 lần chỉ số Dow Jones tiếp xúc mốc 8.000 điểm nhưng vẫn chưa thể bứt phá lên trên ngưỡng này mặc dù đây mới chỉ là ngưỡng kháng cự 23,6%. Tình hình sẽ trở nên sáng sủa hơn một khi Dow Jones bứt phá lên trên được ngưỡng 8.000 điểm. Tuy nhiên, dựa trên những tín hiệu kỹ thuật cho đến thời điểm này vẫn chưa cho thấy một tín hiệu khả quan nào khi MACD đã cắt đi xuống phía dưới đường tín hiệu, RSI tuần qua mặc dù có tăng nhưng đây chỉ là một sự điều chỉnh tăng sau khi Dow Jones chạm mốc 8.000 điểm.

Dow Jones sẽ chính thức phá mốc 8.000 điểm một khi MA 25 cắt lên trên MA 50. Hiện MA 25 có dấu hiệu đi lên để cắt MA 50 nhưng khoảng cách giữa 2 đường này vẫn còn khá xa. Do vậy, thời gian này Dow Jones sẽ diễn biến theo mô hình sideway trước khi có sự bứt phá.

Khi tất cả đã trở nên quá tồi tệ, một tin tốt dù nhỏ cũng đủ để khuấy động thị trường. Và đây là lúc thị trường chứng khoán toàn cầu cần một “cú hích” để tạo nên sự bứt phá. Vì với sự tăng trưởng trở lại từ đáy 6.500 điểm cho đến mức 8.000 điểm hiện nay phần nào cho thấy, niềm tin đã dần trở lại cùng với “lòng tham” tiếp tục lớn dần và đây chính là yếu tố quan trọng để tạo nên một sự tăng trưởng trở lại.

VN-Index kết thúc xu hướng giảm

Với 2 tuần điều chỉnh giảm, VN-Index chính thức xác lập mô hình “vai đầu vai đảo ngược”. Nếu dựa trên kết quả những phân tích trước, chúng ta có vai phải vào khoảng 290 điểm. Tuy nhiên, với diễn biến của VN-Index liên tục thay đổi trong những tuần gần đây, chúng ta có thể phải điều chỉnh mốc 290 này bằng mốc 305 điểm bởi đường Neckline giờ đây có chiều hướng đi lên chứ không bằng phẳng. Khi đó chúng ta có đáy 305 điểm cao hơn “đầu” và điểm tiếp xúc với đường neckline – tương ứng mốc 345 điểm cao hơn đỉnh vừa rồi (khoảng 320 điểm). Cả 2 yếu tố này tạo nên một tín hiệu cho thấy thị trường sẽ tiếp tục đi lên.

Tuy nhiên, hiện VN-Index vẫn đang tiếp xúc với đường trung bình của dải Bollinger sau khi cắt đi xuống phía dưới đường Parabolic SAR và Bollinger band đang bắt đầu thu hẹp biên độ dao động, do vậy diễn biến chung từ nay cho đến hết tháng 04, VN-Index chưa thể có được sự bứt phá mạnh như trong tháng 03 và đầu tháng 04.

Sự bứt phá sẽ diễn ra trong đầu tháng 05, sau khi VN-Index cắt lên được phía trên đường Parabolic SAR – tương ứng với mốc khoảng 322 điểm, khi đó dải bollinger sẽ tiếp tục beak mạnh theo chiều hướng tăng để củng cố xu hướng tăng của VN-Index và hoàn tất mô hình “vai đầu vai đảo ngược” để kết thúc xu hướng giảm kéo dài từ 2007 đến nay. Nhưng nếu giả định trên là đúng thì liệu rằng VN-Index có thể “leo” đến đâu trong tương lai?

Đi tìm một “điểm sáng” trong tương lai

Sử dụng lý thuyết sóng Elliott

Trước khi xác định và phân tích những điểm mốc quan trọng này, nhà phân tích cần xác định xu hướng của thị trường dựa trên lý thuyết sóng Elliott để giải thích tính hợp lý. Bắt đầu từ sự khởi nguồn tăng trưởng của VN-Index vào cuối tháng 10/2003 đến đỉnh điểm vào ngày 12/03/2007 đã xác lập sóng 3 của lý thuyết sóng (một chu kỳ sóng gồm có 8 sóng, trong đó có 5 sóng tiến và 3 sóng lùi).

Theo sau đỉnh sóng 3 chính là mô hình “tam đỉnh” – mô hình báo hiệu sự thay đổi xu hướng từ tăng sang giảm để hình thành sóng 4. Điều này đã được VN-Index chứng minh khi chỉ số này liên tục tuột dốc cho đến tận thời điểm này nhiều người vẫn chưa biết đâu là đáy. Nhưng nếu dựa trên lý thuyết sóng Elliott thì một tín hiệu vui cho thấy sóng 4 cũng đã hoàn tất với 3 sóng chính a, b và c (hình trên).

Và tất yếu, kết thúc sóng 4 đồng nghĩa với việc hình thành sóng 5 cuối cùng trong 5 sóng tiến của một chu kỳ sóng và câu hỏi lại được đặt ra lúc này là đỉnh của sóng thứ 5 ở đâu? Để trả lời cho câu hỏi này, có nhiều phương pháp và công cụ khác nhau có thể đưa ra những dự báo với mức độ chính xác khác nhau (hình 1).

Tìm một ngưỡng hợp lý dài hạn

Một trong những cách để xác định ngưỡng cho VN-Index, đó là sử dụng phương pháp dự báo các đáy và đỉnh theo công thức của Dinapoli Levels, kết hợp với công cụ Fibonacci Projection và mô hình sóng Elliott…Theo phương pháp Dinapoli Levels, ta có công thức D = Y x (B - A) + C. Trong đó, D là đỉnh sóng 5, Y là con số được lấy trong dãy số Fibonacci lần lượt là 0,618; 1; 1,618 và A = 130,9; B = 1.109,93; C = 234,66. Lúc này, D lần lượt là: D1 = 839,7; D2 = 1.213,69 và D3 = 1.818,73 điểm. Tiếp tục sử dụng công cụ Fibonacci Projection và một số công cụ khác cũng cho thấy, mức kháng cự mạnh đối với sóng 5 này nằm ở mức 839,7 điểm – tương ứng với 61.8% của Fibonacci Projection. Hai ngưỡng còn lại D2 và D3 khả năng xảy ra rất thấp bởi D1 đã là một ngưỡng kháng cự rất mạnh, đồng thời để VN-Index “leo” lên được mức D1 trong tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay đã là một điều rất đỗi khó khăn. Thời gian để VN-Index có thể lên đến mốc D1 được dự báo rơi vào đầu quý II/2010 nếu chúng ta kết hợp với Fibonacci Time Zones và hệ số góc.

Như vậy, khả năng sóng 5 có thể đạt mức thấp nhất tại 839,7 điểm. Tuy nhiên theo lý thuyết sóng Elliott thì trong sóng có sóng và do vậy để VN-Index tăng được đến đích này sẽ cần có những sự điều chỉnh giảm. Tiếp tục sử dụng Dinapoli Levels với điểm A được chọn là 364,32, B = 575,71 và C = 234,66. Khi đó ta có D1 = 365,29; D2 = 446,05 và D3 = 576,69. Đây cũng chính là 3 ngưỡng kháng cự mạnh của Fibonacci Projection. Và như vậy, năm 2009 sẽ là một năm khó khăn khi còn đó rất nhiều những mốc cản trở sự tăng trưởng của VN-Index nhưng ít nhất vẫn còn đó cơ hội cho chúng ta nếu nhìn lại dưới góc độ dài hạn hơn.

Một điều đáng lưu ý là theo nguyên tắc của sóng Elliott, với sự tăng trưởng mạnh của sóng 3 sẽ dẫn đến khả năng tăng trưởng trong tương lai của sóng 5 sẽ ở mức thấp. Do đó, khả năng tăng trưởng VN-Index trong tương lai không như sự hình thành sóng 3 trong năm 2006.

Như vậy, xét trên phương diện phân tích kỹ thuật, tương lai về một sự tăng trưởng trở lại của VN-Index là hoàn toàn có nhiều khả năng xảy ra. Đó là cái nhìn lạc quan trong dài hạn về VN-Index, còn trong ngắn hạn liệu rằng VN-Index đã kết thúc xu hướng giảm? Câu trả lời phụ thuộc vào việc VN-Index có phá lên được đường Neckline của mô hình “vai đầu vai đảo ngược” trên hay không.

Kết luận:

Đây là thời điểm để chúng ta quay lại với kênh đầu tư này. Khuyến cáo được đưa ra tại thời điểm này dựa trên các thông tin hiện có là thực hiện đầu tư 2/3 danh mục vào các mã có tính thanh khoản cao. Đích đến trong ngắn hạn là 365 - 375 điểm, tương ứng với ngưỡng D1 trong ngắn hạn.

Nếu VN-Index đi đúng với mô hình trên, tại mốc 365 - 375 sẽ thực hiện chốt lời, sau đó chờ sự điều chỉnh giảm tiếp theo để giải ngân toàn bộ danh mục vào các mã có tình hình tài chính tốt.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng vào sức mạnh của đợt tăng sắp tới vì đây mới chỉ là bước sóng tăng đầu tiên của một xu hướng tăng nên lực còn rất yếu, đồng thời tình hình vĩ mô cả trong và ngoài nước vẫn còn đó một bức tranh khá ảm đạm, nền kinh tế thế giới vẫn chưa thể thoát ra khỏi sự suy thoái trong giai đoạn này. Do vậy, trong trường hợp còn lại, khi VN-Index về dưới 300 – 290, chúng ta nên tạm thời thoát khỏi thị trường và chờ đợi hoặc chuyển sang kênh đầu tư khác.

Trần Đức Duy

Các tin tức khác

>   Tết đến, VN-Index có lì xì? (22/01/2009)

>   Phân tích kỹ thuật và tuần 3 tháng 12 (22/12/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật