Thứ Năm, 22/01/2009 08:18

Tết đến, VN-Index có lì xì?

(Vietstock) - Văn hóa Việt Nam có phong tục lì xì cho nhau mỗi khi  tết đến xuân về như một lời chúc năm mới an khang và thịnh vượng. Vậy các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) có may mắn nhận được lì xì từ “ngài” VN-Index hay không? Bằng công cụ phân tích kĩ thuật, người viết xin đưa ra những dự báo cho VN-Index trong những tháng đầu năm 2009.

Mẫu hình đối xứng

Để có những dự báo tương đối dài hạn, chúng ta hãy cùng nhìn lại mẫu hình tăng trưởng của VN-Index  trong vòng 3 năm qua. VN-Index  bước vào chu kì tăng trưởng mới sau 3 năm trầm lắng vào giữa tháng 8/2005. Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam (mà theo cách nói ví von của ngân hàng phát triển châu Á là “một ngôi sao mới nổi”), VN-Index đã leo đến đỉnh 1,170 điểm vào giữa tháng 3/2007. Sau đó, chỉ số này trải qua giai đoạn thăng trầm trong suốt cả năm 2007. Dù các nhà đầu tư vẫn tiếp tục kỳ vọng vào một tương lai tươi đẹp nhưng khi nền kinh tế bắt đầu có những dấu hiệu “hắt hơi sổ mũi” như lạm phát tăng cao và những “cơn sốt” từ các đợt IPO lớn, bước đi của VN-Index trở nên “loạng choạng”. Sang năm 2008, kẻ leo dốc mang tên VN-Index thực sự “gục ngã” khi cơn bệnh của nền kinh tế bộc phát. 

Khi thực hiện đánh dấu những điểm quan trọng như trong hình 1, người viết nhận ra rằng, VN-Index  đang tạo nên một mẫu hình đối xứng không chỉ về mặt thời gian mà cả về kích thước. Nếu chỉ xét trong vòng 3 năm từ tháng 1/2006 tới 12/2008, chỉ số có trục đối xứng vào giữa tháng 6/2007 với mốc 1,100 điểm. Từ trục đối xứng này, mẫu hình tăng trưởng của VN-Index  được chia làm hai nửa đối xứng về kích thước.

Sau thời gian đi ngang tại mức 300 từ điểm số 1 đến số 2, VN-Index  bắt đầu chinh phục đỉnh đầu tiên ở ngưỡng 600 điểm (điểm số 3) vào tháng 4/2006. Tương ứng với điểm này là ngưỡng 540 (điểm số 3’) vào tháng 8/2008. Khi VN-Index tụt xuống ngưỡng 430 (điểm số 4) vào tháng 8/2006, một hình ảnh khá tương đồng cũng được xác lập tại mức điểm 366 (điểm số 4’) của tháng 6/2008. Đáng chú ý khoảng cách giữa điểm số 3 và điểm số 4 là khoảng ba tháng, khá cân đối so với khoảng cách từ điểm số 3’ đến 4’ chừng hai tháng rưỡi. Tiếp tục, VN-Index  tăng vọt lên mức 1,100 (điểm số 5) và có một hình ảnh tương phản tại điểm số 5’ ở nửa đối diện. Những điểm đối xứng còn lại được đánh dấu trên hình 1.

Hình 1: Mô hình đối xứng của VN-Index

Cuộc chơi chưa kết thúc!

Mặc dù VN-Index đã có một năm suy giảm mạnh nhưng có lẽ cuộc chơi vẫn chưa kết thúc. Dựa vào mô hình đối xứng, chúng ta nhận thấy diễn biến hiện nay có thể lặp lại những gì đã xảy ra vào đầu tháng 11/2005 đến cuối tháng 1/2006. Tại thời điểm đó, VN-Index  đã đi ngang ở mức 300 điểm trong khoảng thời gian gần 3 tháng. Người viết tin rằng, khả năng đi ngang của VN-Index hoàn toàn có thể xảy ra trong giai đoạn hiện nay vì độ trễ của chính sách kích cầu. Dù chính phủ đang đẩy nhanh thực hiện các giải pháp chống suy giảm kinh tế nhưng thị trường chứng khoán sẽ không có được sự hỗ trợ một khi những chính sách trên chưa đem lại hiệu quả. Trên thực tế, chính phủ các nước đều kỳ vọng gói kích cầu kinh tế sẽ giúp nền kinh tế phục hồi vào năm 2010 chứ không phải năm 2009. Nền kinh tế Việt Nam thậm chí có thể sẽ phục hồi muộn hơn vì mô hình tăng trưởng của chúng ta dựa nhiều vào xuất khẩu (chiếm 70% GDP). Khi thị trường chưa có thông tin hỗ trợ, VN-Index  khó có thể phá bỏ ngưỡng kháng cự 322 điểm (đáy tại tháng 10/2008). Một lí do khác, các nhà đầu tư hiện đang có tâm lý chờ đợi báo cáo tài chính cuối năm được công bố vào tháng 2/2009.

Tuy nhiên, kịch bản cho VN-Index vẫn chưa dừng lại. Nếu chúng ta tin rằng mô hình này tiếp tục đối xứng, VN-Index có thể chạm ngưỡng 250 điểm như thời điểm tháng 8/2005. Có khá nhiều chứng cứ cho khả năng này. Thứ nhất, chúng ta hãy quan sát đường xu hướng xuống nối từ điểm số 3’ và 5’ (đường màu đỏ). Đường đi của VN-Index  sẽ gặp phải đường xu hướng kháng cự này và có thể dội ngược trở xuống. Thứ hai, việc VN-Index liên tục đi ngang tại điểm kháng cự 322 điểm và khối lượng giao dịch thấp trong thời gian qua chứng minh rằng tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường đang rất mệt mỏi. Nếu VN-Index tiếp tục đi ngang như nhận định ở trên, nhiều khả năng thị trường sẽ đi xuống vì các nhà đầu tư cảm thấy quá chán nản. Lý do thứ ba là khả năng hình thành sóng 5 của mô hình sóng elliot hướng xuống (xem hình 2).

Hình 2:  Mô hình sóng Eliot hướng xuống

Vậy khi nào VN-Index sẽ bắt đầu tụt dốc? Sử dụng Fibonanci Time (đường màu vàng và được vẽ từ trục đối xứng của mô hình), người viết nhận thấy thị trường sẽ có một sự thay đổi lớn vào thời điểm đầu tháng 2/2009. Điều này cho phép chúng ta nghĩ đến khả năng VN-Index sẽ phá vỡ tại thời điểm trên. Và như vậy, các nhà đầu tư có thể không nhận được “tiền lì xì” của VN-Index khi thị trường mở cửa sau tết.

Sau khi chạm ngưỡng 250, thị trường sẽ kết thúc kênh xu hướng giảm giá dài hạn (đường màu đỏ) và bắt đầu hình thành một xu hướng mới. Lúc này, VN-Index có lực đẩy mạnh hơn để “chiến đấu” với ngưỡng 322 điểm. Ngoài ra, những mốc kháng cự tiếp theo có thể kể đến là mốc 500 điểm và gần 600 điểm. Mặc dù thị trường có nhiều cơ hội tăng điểm theo như mô hình sóng elliot (các sóng hiệu chỉnh a-b-c), nhưng khả năng VN-Index đi qua các ngưỡng trên còn tùy thuộc vào những thông tin hỗ trợ từ sự hồi phục của nền kinh tế.

Trương Minh Huy

Các tin tức khác

>   Phân tích kỹ thuật và tuần 3 tháng 12 (22/12/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật