VN-Index kết thúc sóng 4?
(Vietstock) – Kết thúc sóng 4 hay mới chỉ là sóng a của một đợt đều chỉnh giảm sâu hơn trong sóng 4 của lý thuyết 5 sóng tăng trong sóng Elliott? Phải chăng VN-Index đã đuối sức hay chỉ là giai đoạn tích lũy kể từ mốc ngày 23/06 đến nay? Nên mua hay bán tại thời điểm này? Những tín hiệu về mặt kỹ thuật sẽ cho chúng ta một góc nhìn rõ nét hơn cho những băn khoăn của thị trường.
Mặc dù hiện tại vẫn còn nhiều nhà đầu tư hồ nghi về khả năng tăng mạnh trở lại của VN-Index khi đường giá vẫn chưa cắt đi lên phía trên đường Parabolic SAR. MACD vẫn còn nằm phía dưới đường tín hiệu sau khi cắt đường này từ trên xuống từ ngày 16/06 đến nay, trong khi đó đường giá vẫn còn nằm ở dải phía dưới của dải bollinger band. Nhưng với những gì được thể hiện trong các phiên giao dịch từ ngày 23/06 đến nay, các chỉ báo nhanh của Vietstock đã đưa ra tín hiệu cho thấy sóng hiệu chỉnh “sóng 4” đã kết thúc để bước sang sóng tăng cuối cùng (sóng 5) của sóng tăng lớn – sóng 1. Cụ thể, chỉ dẫn về sự thay đổi trong các bước sóng (2 đường trên cùng) đã cắt đường tín hiệu từ dưới lên, đồng thời chỉ số dao động (cặp thứ 3 từ trên xuống) báo hiệu VN-Index sẽ còn tiếp tục tăng mạnh khi cắt đường tín hiệu từ dưới lên và đã cắt đi lên phía trên ngưỡng 0.
|
Nguồn: Vietstock |
Nếu dựa trên lý thuyết sóng Elliott, chúng ta có thể thấy kể từ khi VN-Index chính thức bước sang sóng điều chỉnh giảm (sóng 4) cho đến nay, VN-Index đã hoàn tất 3 sóng cơ bản a, b và c trong một sóng giảm. Sự đều chỉnh tăng nhẹ của sóng b chính là thời điểm VN-Index chạm ngưỡng chống đỡ 23,6%, nhưng ngay sau đó VN-Index tiếp tục giảm mạnh cho đến khi chạm ngưỡng chống đỡ mạnh hơn – ngưỡng 38,2% của dãy Fibonacci trong phiên giao dịch ngày 23/06 để hoàn tất sóng c. Tại đây, VN-Index đã bật mạnh trở lại và kết thúc một sóng điều chỉnh giảm. Phiên giao dịch ngày 23/06 cũng chính là mốc thời gian quan trọng của dãy Fibonacci Time Zones. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn đó một mốc thời gian quan trọng hơn đó là ngày 30/06. Đo đó một kịch bản cho sóng 4 chính là mức Fibonacci 50% tương ứng VN-Index về vùng 415 điểm vào ngày 30/6. Điều này cũng trùng hợp để đánh vào tâm lý những ai đang nắm giữ cổ phiếu Vietcombank bán ra dưới mức giá tham chiếu 50.000 đồng/cp. Sau đó việc tăng giá cổ phiếu này sẽ tạo đà cho VN-Index để tiếp tục hoàn tất sóng 5.
Hiện tại dải Bollinger vẫn trong giai đoạn thắt chặt nhưng vì đường giá đang dao động ở dải trung bình nên việc Bollinger band break mạnh chưa xảy ra vào lúc này. Bollinger band sẽ break mạnh khi VN-Index tiếp tục tăng và bám vào dải trên của dải bollinger, khi đó đường giá sẽ chính thức cắt đi lên phía trên đường Parabolic SAR và VN-Index sẽ bức phá mạnh mẽ hơn.
|
Nguồn: Vietstock |
Như vậy, quãng thời gian từ 23/06 đến 30/06 được xem là giai đoạn VN-Index “tích lũy” để chuẩn bị cho một sự bức phá mới, chuẩn bị “nội lực” cho việc hình thành sóng 5 để hoàn tất sóng tăng lớn – sóng 1 trước khi chuyển sang sóng điều chỉnh giảm lớn hơn - sóng 2. Do vậy, đây được xem là cơ hội và là thời điểm tốt để chúng ta xem xét, lựa chọn ra các mã có khả năng tăng trưởng mạnh trong đợt tăng cuối của sóng 1 để đầu tư một cách hiệu quả nhất.
Căn cứ vào đáy sóng 4 đã được xác lập và tốc độ tăng cũng như hệ số góc… chúng ta có đỉnh sóng 5 dự kiến sẽ xoay quanh một trong 2 mốc 575 điểm hoặc 650 điểm. Một đều cần chú ý là sóng 3 đã tăng khá mạnh – tăng 81,55% so với sóng 1 nên khả năng sóng 5 tăng mạnh đạt 650 – 660 điểm sẽ khó xảy ra hơn so với mức 575 ngoại trừ có những thông tin khá tốt hỗ trợ. Ngoài ra, nếu sử dụng phương pháp xác định đỉnh Dinapoli levels, chúng ta sẽ có đỉnh sóng 5 dự kiến xoay quanh mốc 563,7 điểm. Như vậy, khả năng VN-Index kết thúc sóng 5 đồng thời cũng chính là đỉnh sóng 1 lớn tại mức 575 điểm vẫn có nhiều khả năng hơn vì đây cũng chính là ngưỡng kháng cự khá mạnh 38,2% nếu xét trong dài hạn.
Tuy nhiên, sóng 4 là sóng có rất nhiều “biến” và thường rất phức tạp nên thị trường sẽ có nhiều khó khăn hơn khi chuyển sang sóng 5. Điều này đã được chứng minh phần nào trong quá khứ và đặc biệt là từ phiên giao dịch ngày 23/06 đến nay. Đặc biệt, đây không chỉ là mốc thời gian quan trọng nếu dựa theo phân tích kỹ thuật, mà còn quan trọng hơn khi thời điểm quyết định VN-Index có bức phá mạnh hay không cũng chính là phiên chào sàn của “đại gia” Vietcombank (VCB) vào ngày 30/06. Điều gì sẽ xảy ra tại thời điểm này? Nếu nhìn nhận dưới góc độ lạc quan chúng ta có thể tin phiên chào sàn của VCB sẽ thành công, tức sẽ tăng và kéo dài trong những phiên tiếp theo. Khi đó, cùng với những tín hiệu về mặt kỹ thuật thì những tác động từ yếu tố tâm lý sẽ giúp VN-Index hoàn tất sóng 5 một cách nhanh chóng hơn.
Nhưng chúng ta cũng không thể loại trừ trường hợp, đáy sóng 4 vừa qua chỉ mới là đáy sóng a của 3 sóng giảm a, b và c của một sóng điều chỉnh giảm lớn hơn. Khi đó, những gì mà sóng 4 thường đem lại cho chúng ta lại tiếp diễn với nhiều bất ngờ. Và đây chính là những rủi ro mà chúng ta cần phải tính đến để đưa ra những quyết định đầu tư một cách sáng suốt nhất.
Tóm lại, nếu VN-Index thực sự đủ sức mạnh để vượt qua đường trung bình của dải Bollinger và không có thêm thông tin xấu nào từ TTCK thế giới cũng như thông tin từ TTCK trong nước thì khuyến cáo được đưa ra lúc này là mua vào có chọn lọc khi hầu hết các yếu tố về mặt kỹ thuật đều ủng hộ cho một đợt tăng mới và niềm hy vọng một phiên chào sàn ấn tượng của “đại gia” VCB vẫn còn chờ đợi phía trước.
Duy Trần
|