Sức nóng lãi suất vẫn tỏa mạnh
Thị trường liên ngân hàng tuy đã hạ nhiệt, nhưng cung vốn không còn dồi dào như trước và mang tính ngắn hạn, thay vì dài hạn như trước đây.
Sau gần hai tuần thực hiện lãi suất huy động tiền đồng không vượt quá 12%/năm theo yêu cầu tại Công điện số 02/CĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh lãi suất mới ở tất cả các kỳ hạn từ 1 - 13 tháng, thay vì chỉ có kỳ hạn ngắn như trước. Hiện lãi suất huy động của khối ngân hàng cổ phần đều đụng trần 12%/năm.
Khối ngân hàng quốc doanh cũng vào cuộc đua nâng lãi suất huy động. Chẳng hạn như Ngân hàng BIDV đã điều chỉnh tăng lãi suất lên mức trần 12%/năm, kể từ ngày 3/3, nhằm giữ chân khách hàng và hạn chế tình trạng chuyển dịch vốn sang khối ngân hàng cổ phần. Cùng ngày, Agribank cũng nâng lãi suất tiền gửi lên 12%/năm đối với kỳ hạn 1 - 6 tháng, kèm theo chương trình quay số trúng thưởng, trúng vàng “3 chữ A”.
Trước sự gia tăng lãi suất tiết kiệm của khối ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng cổ phần tỏ ra lo ngại. Vì nếu lãi suất của khối ngân hàng quốc doanh tăng sẽ thu hút khách hàng gửi vốn trở lại, trong đó có cả người đã từng rút tiết kiệm chuyển sang ngân hàng cổ phần trong đợt điều chỉnh lãi suất vừa qua. Nguyên nhân là do uy tín của ngân hàng quốc doanh cao hơn, khách hàng gửi tiền cảm thấy an tâm hơn.
Thực tế, ngay sau ngày 27/2 (khi Công điện 02 được phát đi), một số ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ đã nhanh chóng vào cuộc đua khuyến khích người gửi tiền. Ví dụ, SeABank có chương trình “Gửi tiền tặng vàng”; HDBank có “Gửi tiết kiệm trúng vàng”… Tại SeABank, khi khách hàng đến gửi 1,1 tỷ đồng (kỳ hạn 1 tháng), ngoài việc được hưởng lãi suất 12%/năm, khách hàng còn được nhận ngay 1 chỉ vàng SJC, AAA, Bảo Tín Minh Châu… Tính ra thì lãi suất huy động của ngân hàng này đã lên trên 14%/năm.
Trước sức nóng của các đợt khuyến mãi như vậy, NHNN - Chi nhánh TP. HCM đã yêu cầu các ngân hàng rằng, tính cả giá trị các giải thưởng thì lãi suất huy động không được vượt trần 12%/năm. Trường hợp muốn vượt quá 12%/năm thì phải được sự cho phép của các cơ quan chức năng. Trong khi trước đó, khi thực hiện các chương trình khuyến mãi, ngân hàng cổ phần chỉ cần xin phép Sở Thương mại. Quy định này đang làm nhiều ngân hàng cổ phần bối rối trước bài toán cân đối cung - cầu vốn, nhất là khi thời hạn mua tín phiếu bắt buộc bằng VND của NHNN đang gần kề (tổng cộng 20.300 tỷ đồng, kể từ ngày 17/3).
Để góp phần giải quyết tình hình căng thẳng này, nhiều ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động vàng, như Eximbank, Southern Bank… Theo một chuyên gia trong ngành ngân hàng thì sau khi huy động vàng, họ sẽ bán ra để giải quyết nguồn cung tiền đồng đang khan hiếm.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nhận định, với tình hình hiện nay, kể cả khi huy động được vốn, các ngân hàng cũng không dám đẩy mạnh cho vay, dù lãi suất đầu ra đã được điều chỉnh tăng, bởi họ cần dành tiền để mua tín phiếu bắt buộc. Hơn nữa, nếu cho vay thì các ngân hàng sẽ khó ứng phó và đảm bảo được tính thanh khoản khi thị trường vẫn trong tình trạng khan hiếm tiền đồng.
Theo đại diện Ngân hàng An Bình, so với trước thì lãi suất huy động vốn hiện đã ở mức cao. Tuy nhiên, tiền huy động về của một số ngân hàng vẫn khiêm tốn. Thị trường liên ngân hàng tuy đã hạ nhiệt, nhưng cung vốn không còn dồi dào như trước và mang tính ngắn hạn, thay vì dài hạn như trước đây. Trong khi đó, lãi suất qua đêm hiện trên 15%/năm, vẫn cao hơn lãi suất huy động của các ngân hàng. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng vẫn muốn tăng lãi suất, kèm khuyến mãi.
Sở dĩ các ngân hàng rơi vào tình trạng khó khăn về cung tiền đồng là do một số nhà băng không tính toán kỹ việc cân đối vốn huy động và cho vay. Theo NHNN - Chi nhánh TP. HCM, trên địa bàn có 10/17 ngân hàng cổ phần có tỷ lệ dư nợ tín dụng so với tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế cao hơn 100%. Đặc biệt, có 6 ngân hàng có tỷ lệ dư nợ tín dụng so với vốn huy động từ 130 - 267%. Nghĩa là, nguồn vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và người dân đều được ngân hàng sử dụng hết. Số còn lại được ngân hàng sử dụng vốn trên thị trường liên ngân hàng để cho vay. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của hệ thống ngân hàng.
đtck
|