Thứ Hai, 10/03/2008 00:44

Người gửi tiền bối rối với lãi suất

Người gửi tiền đang bối rối trước các mức lãi suất (LS) VND rất "ngược đời" của các ngân hàng (NH) thương mại: gửi ngắn hạn LS lại cao hơn gửi dài hạn. Vậy diễn biến LS trong thời gian tới như thế nào khi mới đây Chính phủ chỉ đạo sẽ kéo LS xuống?

Với người gửi tiền, việc chọn hình thức gửi là rất quan trọng vì hiện nay hầu hết các NH đều có ràng buộc người gửi tiền là không được rút trước hạn. Qui định này được các NH áp dụng triệt để hơn sau khi có tình trạng "tiền chạy" giữa các NH hoặc khách hàng chuyển sổ để được hưởng LS cao hơn.

"Tiền ngắn" có giá: giải pháp tình thế

Hiện LS đang được các NH áp dụng theo ba nhóm khác nhau, tùy vào tình hình của từng NH. Nhóm thứ nhất là những NH áp dụng một mức LS 1%/tháng cho tất cả kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng. Nhóm thứ hai thì áp dụng mức LS 1%/tháng cho các kỳ hạn gửi từ 1 đến 6 tháng, còn các kỳ hạn trên 6 tháng thì áp dụng LS thấp hơn, cao nhất cũng chỉ 0,95-1%/tháng. Nhóm thứ ba là những NH đưa ra các sản phẩm huy động vốn theo LS bậc thang, gửi càng nhiều tiền, kỳ hạn dài hơn thì LS càng cao. Tuy nhiên, những sản phẩm huy động này chỉ nhắm đến các kỳ hạn gửi ngắn, cao nhất cũng chỉ là 6 tháng. Dù thuộc bất kỳ nhóm nào LS huy động cũng không vượt quá 1%/tháng.

Cả ba nhóm LS này đều theo xu hướng: gửi ngắn hạn có LS cao hơn. Điều này trái ngược với nguyên tắc xây dựng LS của các NH là gửi dài hạn LS phải cao hơn ngắn hạn để khuyến khích người dân gửi tiền dài hạn.

Mặt bằng LS giữa NH cổ phần và NH thương mại nhà nước cũng đã được thu hẹp. Sau nhiều ngày đứng ngoài cuộc đua LS, một số NH thương mại nhà nước như NH Đầu tư - phát triển, Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Công thương đã tăng lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng lên 1%/tháng. Vietcombank TP.HCM sau nhiều ngày "làm lơ” cuộc đua LS, từ ngày 7-3 nơi này cũng đã tăng LS tiết kiệm VND, trong đó kỳ hạn 3 tháng là 1%/tháng, còn kỳ hạn 9 và 12 tháng chỉ 0,92%/tháng, ngang với LS kỳ hạn 2 tháng của NH này.

Lãi suất sẽ theo hướng nào?

Hiện giữa các NH cũng có ý kiến khác nhau về diễn biến LS trong thời gian tới. Một bên cho rằng LS sẽ giảm, còn bên kia nói chưa chắc.

Về nhận định LS sẽ giảm, một số NH cho rằng cuộc đua LS đã tạm dừng vì một phần NH Nhà nước đã "thổi còi" và đưa ra trần LS 12%/năm. Nhưng quan trọng hơn là các NH đã cơ bản giải quyết được nhu cầu vốn thanh toán. Nhưng có nhiều tiền rồi, các NH lại lo rằng với mức LS quá cao này, tới đây sẽ là gánh nặng cho các NH, vì thế các NH phải giảm LS.

Từ đó, một số chuyên gia NH cho rằng gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn LS cao hiện nay chưa chắc có lợi vì sau một thời gian chạy đua LS, các NH sẽ thừa vốn, khi đó buộc phải giảm LS huy động. Trường hợp này xảy ra thì những người đã gửi ngắn khi đáo hạn gửi lại sẽ có LS thấp hơn. Mặt khác, với việc khống chế dư nợ cho vay trong năm 2008 theo chỉ đạo của Chính phủ là tín dụng tăng không quá 30% thì khả năng NH thừa vốn là rất lớn và đó cũng là sức ép để LS giảm.

Những người nhận định LS sẽ giảm cũng lưu ý một yếu tố có thể ảnh hưởng lớn đến LS, đó là các biện pháp hành chính của Nhà nước nhằm kéo LS xuống. Mới đây, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định sẽ kéo LS xuống, mức trần LS 12%/năm ban hành trong thời gian qua chỉ là bước khởi đầu cho việc kéo LS xuống.

Nên chọn gửi dài hay ngắn?

Theo ông Nguyễn Đình Tùng - phó tổng giám đốc VIB Bank, một khi khó dự báo được xu hướng của LS thì người gửi tiền nên chọn giải pháp trung dung, gửi tiền ở kỳ hạn trung bình. Chẳng hạn kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng thì chọn kỳ hạn gửi 6 tháng để khi thị trường biến động sẽ dễ dàng điều chỉnh theo hướng có lợi nhất cho mình. Cũng có ý kiến cho rằng nên chẻ nhỏ số tiền gửi ra, một phần gửi ngắn hạn dưới 6 tháng để có LS cao, một phần gửi trên 6 tháng để có LS ổn định. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ thích hợp với những người có lượng tiền gửi lớn.

Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến cho rằng việc kéo LS xuống là mâu thuẫn với chủ trương chống lạm phát. Muốn chống lạm phát thì công cụ hữu hiệu nhất là LS và LS phải cao để có thể thu hút tiền trong lưu thông về. Cũng thiên về nhận định mặt bằng LS sẽ ở mức cao, một số lãnh đạo NH cho rằng nhu cầu vốn cho nền kinh tế là rất lớn, khó có thể khống chế tín dụng ở mức 30% như chỉ đạo của Chính phủ, vì vậy khả năng LS giảm là ít xảy ra. Những người theo quan điểm LS không giảm dẫn chứng giá thép, xăng dầu... tăng mạnh, vì thế nhu cầu vốn để kinh doanh những mặt hàng này cũng tăng mạnh nên LS cũng phải tăng theo... Bên cạnh đó, lạm phát sẽ là hai con số, vì vậy việc kéo LS xuống sẽ khó thực hiện được nếu không dùng các biện pháp hành chính.

Có thể giãn tín phiếu bắt buộc, tùy trường hợp

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định thời hạn mua tín phiếu bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng sẽ được điều chỉnh một cách hợp lý. Cụ thể với NH nào có đủ lực thì vẫn thực hiện bình thường theo lộ trình. Đối với những trường hợp có khó khăn thật sự sẽ xem xét giãn ra. Được biết, việc NH Nhà nước đưa ra qui định buộc các NH thương mại phải mua tín phiếu bắt buộc từ 17-3 là nguyên nhân dẫn đến cuộc đua LS trong thời gian qua.

tt

 

Các tin tức khác

>   Nới rộng biên độ tỷ giá lên 1% (09/03/2008)

>   Sacombank đầu tư 25 tỉ đồng vào Đại học Yersin Đà Lạt (08/03/2008)

>   Ngân hàng cam kết ổn định lãi suất (08/03/2008)

>   ACB tăng mạnh lãi suất huy động vàng (07/03/2008)

>   Nới rộng biên độ mua, bán ngoại tệ (08/03/2008)

>   "SCIC tham gia thị trường không để kinh doanh" (07/03/2008)

>   Thị trường tiền tệ đón loạt chính sách mới (07/03/2008)

>   Giá vàng giảm nhẹ vào cuối ngày, xuống 19,02 triệu đồng/lượng (07/03/2008)

>   Standard Chartered sẵn sàng mở rộng hoạt động tại VN (07/03/2008)

>   125 triệu USD bảo hiểm dự án cảng côngtenơ cảng Sài Gòn (07/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật