Chủ Nhật, 09/03/2008 22:30

Cuộc chiến chống lạm phát: Lửa thử vàng...

Giá cả tăng “phi mã”, tỉ lệ lạm phát vượt gấp rưỡi tốc độ tăng trưởng kinh tế làm cho các nhà quản lý vĩ mô như ngồi trên lửa. Chính phủ đã vào cuộc với hàng loạt biện pháp mạnh để kiềm chế tăng giá và chống lạm phát. Một số biện pháp bước đầu đã tạo hiệu quả. Thêm một lần nữa bản lĩnh Việt Nam được đặt trên ngọn lửa thử vàng...

Sau một thời gian khá dài quá quen với sự phát triển tương đối suôn sẻ, diễn biến thị trường giá cả, tài chính vài tháng qua đã thực sự làm cho người dân lo lắng. Cách đây một năm, trong sự hứng khởi rất cao khi Việt Nam gia nhập WTO, chắc chẳng có ai nghĩ rằng tình trạng chúng ta đang phải đối mặt lại đáng lo ngại như bây giờ. Đúng là có sự bất ngờ, bất ngờ do tầm nhìn hạn chế và dự báo kém. Suy cho cùng, phàm là người dù có sức khỏe lực sỹ cũng khó thoát khỏi sổ mũi, hắt hơi. “Cơ thể” kinh tế cũng vậy. Vả lại đã chấp nhận nền kinh tế thị trường thì cũng phải chấp nhận “khủng hoảng theo chu kỳ” mà các nhà lý luận kinh điển đã chỉ ra. Tự  mãn, xử lý sai  thì khủng hoảng gây đổ vỡ lớn. Nếu dự báo tốt, có biện pháp phòng chống thích hợp thì nền kinh tế chỉ rung nhẹ, rồi lại chuyển qua giai đoạn phát triển mới. Việt Nam đã thực hiện thành công 20 năm đổi mới, cũng là lúc chúng ta chuyển sang giai đoạn hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới. Bản thân nền kinh tế của ta cũng đã xuất hiện những mất cân bằng, kinh tế toàn cầu cũng bộc lộ nhiều bất ổn. Vì vậy, những bước đi đầu tiên của thời kỳ mới có loạng choạng một chút cũng là điều có thể hiểu được, giải quyết ách tắc  như thế nào mới là vấn đề quan trọng.

Trong các giải pháp và mục tiêu cụ thể mà Chính phủ vừa chỉ đạo thực hiện có việc vực dậy thị trường chứng khoán (TTCK).  TTCK là một loại hình kinh doanh cao cấp và còn khá mới ở nước ta. Diễn biến TTCK Việt Nam trong 2 năm qua (2006-2007) cho ta nhiều bài học lớn. Với hy vọng thái quá bởi vô số thông tin khích lệ về nguồn vốn đầu tư khổng lồ “chảy” về từ bên ngoài, do còn quá ít hiểu biết về nền kinh tế “bong bóng” này, nên năm 2006, trước thềm WTO, TTCK Việt Nam đã bùng phát khủng khiếp, giá các loại cổ phiếu được đẩy lên cao chót vót, bỏ mặc mọi lời cảnh báo. Có người nước ngoài phải thốt lên: Đây là cơ hội kinh doanh cổ phiếu trăm năm mới có một lần. Tuy nhiên, lòng tham, yếu tố tâm lý “bầy đàn”... không phải là nguyên nhân chính đẩy thị trường vào tình thế nguy hiểm. Chính quy luật cung-cầu đã buộc thị trường phải phát triển điên rồ như vậy. Tiền trong dân thì nhiều, cơ hội kinh doanh trực tiếp không phải ai cũng có thể nắm bắt,  nên chỉ có cách dễ nhất là “đổ vào” cổ phiếu. Nhưng, cổ phiếu trên thị trường lúc đó lại hiếm. Danh sách các công ty niêm yết cổ phiếu ngắn ngủn, lèo tèo. Tiến trình cổ phần hóa nhiều năm giậm chân tại chỗ vì nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, các doanh nghiệp thua lỗ, nhưng giám đốc vẫn có nhiều bổng lộc, vẫn có thể làm giàu, thế thì tội gì mà phải cổ phần hóa! Bởi vậy, bất kể hàng loại gì, “to, nhỏ, xấu, tốt” chẳng cần đắn đo suy nghĩ, nhà đầu tư cứ “ôm” tuốt, rồi mua đi bán lại kiếm lời. Nếu vào năm 2006 có một lịch trình IPO các doanh nghiệp lớn của Nhà nước như trong năm 2007 và hiện nay, thì sự phát triển của TTCK chắc sẽ lành mạnh hơn nhiều. Nhắc lại một chút “chuyện cũ” để khẳng định thêm nguyên tắc: Muốn “xây” cũng như muốn “cứu” thị trường, phải tuân thủ những quy luật của thị trường.

Những giải pháp của Chính phủ vừa được ban bố đây đó vẫn có những băn khoăn, e ngại thị trường bị sốc, sản xuất sẽ gặp khó khăn, nhưng phải thừa nhận bản chất của các quyết sách là “thân thiện với thị trường”.  Biện pháp thắt chặt tiền tệ, hút tiền mặt về, nâng mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại đã được nhiều nước áp dụng trong những hoàn cảnh tương tự. Các biện pháp cứu TTCK như:  Ngân hàng vẫn cho vay đầu tư vào cổ phiếu ở mức độ bảo đảm an toàn; các công ty thống nhất ngừng bán cổ phiếu tự doanh để giãn nguồn cung; kể cả việc Chính phủ thông qua TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mua cổ phiếu... cũng không thể coi là một sự can thiệp mang dấu ấn hành chính. Điều quan trọng là những biện pháp này đã gần như lập tức phát huy hiệu quả, SCIC đang lên danh sách những cổ phiếu để mua vào và tham gia một phiên giao dịch ở cả 2 sàn thì TTCK đã phục hồi mạnh với hai phiên liên tiếp (6 và 7-3), đẩy VN-Index từ 583,45 điểm lên 640,14 điểm. Tỷ giá VND với  USD lần đầu cũng được Chính phủ xem xét thay đổi theo hướng tăng với biên độ giao động trên dưới 2% cũng là một quyết định mới mẻ...

Cả nước đang chăm chú theo dõi và đồng thuận với Chính phủ trong các giải pháp kiềm chế giá cả, chống lạm phát. Hưng vong là chuyện của cả quốc gia, ở đâu cũng thế và thời nào cũng vậy. Tình hình chưa đến nỗi Chính phủ phải đưa ra lời kêu gọi toàn dân “thắt lưng buộc bụng” đi kèm với những biện pháp khắc khổ, nhưng rõ ràng sự đóng góp của người dân theo hướng bình tĩnh, tiêu dùng tiết kiệm, sử dụng tiền nhàn rỗi vào kinh doanh lành mạnh, tỉnh táo... là những việc làm cần thiết và hữu ích, góp sức vào cuộc chiến chống lạm phát để đất nước vượt qua khó khăn, thử thách trước mắt, hướng tới sự phát triển bền vững.

hnm

Các tin tức khác

>   Rút ngay các dự án chậm triển khai khỏi kế hoạch (08/03/2008)

>   Các ngân hàng cam kết chấm dứt khuyến mãi không lành mạnh (09/03/2008)

>   Người gửi tiền bối rối với lãi suất (10/03/2008)

>   Nới rộng biên độ tỷ giá lên 1% (09/03/2008)

>   Sacombank đầu tư 25 tỉ đồng vào Đại học Yersin Đà Lạt (08/03/2008)

>   Ngân hàng cam kết ổn định lãi suất (08/03/2008)

>   ACB tăng mạnh lãi suất huy động vàng (07/03/2008)

>   Nới rộng biên độ mua, bán ngoại tệ (08/03/2008)

>   "SCIC tham gia thị trường không để kinh doanh" (07/03/2008)

>   Thị trường tiền tệ đón loạt chính sách mới (07/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật