Rút ngay các dự án chậm triển khai khỏi kế hoạch
Ngày 7-3, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, các tổng công ty để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 319/TTg-KTTH ngày 3-3 về tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TPHCM. Báo cáo tại cuộc họp, các doanh nghiệp (DN) nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2008 sẽ rất khó khăn. Bước vào đầu quý 2-2008, giá cả nhiều mặt hàng sẽ tiếp tục tăng...
Bán nguyên liệu lời hơn sản xuất!
Ông Nguyễn Quang Tiên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bến Thành (Sunimex) nhìn nhận, chưa có năm nào DN lại chịu nhiều áp lực như hiện nay. Ngoài những tác động từ việc tăng giá xăng dầu, tăng lương, giá nguyên liệu tăng cao…, các DN vừa và nhỏ còn phải đối mặt với việc thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù lãi suất đã tăng lên tới 1,5%/tháng nhưng không phải DN nào cũng được vay. Trên thực tế, các ngân hàng chỉ rót vốn cho các đối tác chiến lược, các dự án tốt mà thôi.
Về phía Sunimex, do ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu tăng mạnh nên việc triển khai các dự án đầu tư đang gặp nhiều khó khăn. Nếu số tiền đầu tư tăng hơn 10% thì dự án buộc phải điều chỉnh lại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc quay vòng đồng vốn chậm… “Trong tình hình hiện nay, nếu DN đã nhập nguyên liệu về để sản xuất mà mang đi bán thì chắc chắn sẽ có lời nhiều hơn so với việc đưa vào sản xuất” – ông Tiên nói.
Phó Giám đốc Sở Công nghiệp Quách Tố Dung cũng thừa nhận, sản xuất công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất có thâm dụng lao động như ngành dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh, đồng USD liên tục tụt giảm thì nguồn nhân lực đang trở nên căng kéo. Nhiều DN sản xuất băn khoăn, nếu tiếp tục đầu tư cho sản xuất trong tình hình hiện nay thì sẽ khó tránh khỏi tình trạng lỗ lã. Vì vậy, hoặc là sản xuất cầm chừng, hoặc… bán nguyên liệu sẽ có lời nhiều hơn.
Kiềm chế giá: Cần sự phối hợp đồng bộ
Theo phân tích của các DN, sở dĩ mặt bằng giá hiện nay vẫn chưa tăng mạnh là vì nhiều DN đã ký các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu từ trước nên họ đã cố gắng để kềm giữ giá. Tuy nhiên, bước vào đầu quý 2, giá cả nhiều mặt hàng chắc chắn sẽ tăng, còn tăng nhiều hay ít phụ thuộc vào sức chịu đựng của mỗi DN.
Bà Nguyễn Thu Nga, Tổng Giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sargi) thừa nhận, ở mặt hàng thịt heo, nếu Sargi không chủ động được nguồn hàng thì không thể nói đến chuyện bình ổn được giá. Thực tế, nếu các DN mua heo hơi với giá 38.000đồng/kg thì với mức giá bán lẻ như hiện nay, chắc chắn sẽ lỗ nặng.
Theo bà Nga, để hàng hóa không có đột biến về giá thì cần có sự phối hợp đồng bộ giữa việc chỉ đạo của TP với các DN, trong đó hệ thống phân phối và nhà cung ứng phải chấp nhận việc giảm chiết khấu. Cách làm này chưa phải là tối ưu xong trước mắt sẽ giảm được áp lực tăng giá đột biến của các mặt hàng trong thời gian tới.
Còn theo dự đoán của ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, trong thời gian tới giá vàng sẽ tiếp tục tăng, giá USD sẽ còn giảm so với tiền đồng Việt Nam. Nguyên nhân chính là vì mức cầu thế giới đang tăng mạnh, trong khi nguồn cung giảm.
4 giải pháp chống lạm phát
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng, mặc dù kinh tế của TP vẫn tăng trưởng khá trong 2 tháng đầu năm, song giá cả nhiên liệu thế giới tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước nên tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, vì nếu giá cả của TPHCM tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá cả trên địa bàn cả nước. Để làm được việc này thì TP cần phải có những giải pháp khôn khéo, bình tĩnh.
Riêng với các DN cần phải suy nghĩ, tìm ra giải pháp đối phó cho riêng mình, các sở ngành tập trung giải quyết mạnh các thủ tục hành chính trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Đối với các dự án đầu tư cần triển khai ngay các dự án có vốn đầu tư từ nguồn ODA, FDI… Các ngân hàng tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn vốn phục vụ đầu tư. Chúng ta chống lạm phát nhưng tiền tệ phải lưu thông thì sản xuất mới phát triển.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đưa ra 4 giải pháp chính mà TP sẽ tập trung để chống lạm phát.
Thứ nhất, TP sẽ tập trung giám sát tốt thị trường, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp lạm dụng vị thế độc quyền để kiếm lời, phải bán đúng giá niêm yết.
Thứ hai, chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm giám sát, không để giá cả tại địa bàn quận tăng đột biến; tránh tăng giá tự phát trong lĩnh vực dịch vụ.
Thứ ba, Sở Tài chính tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm việc bán phá giá, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc các điểm giữ xe quá giá quy định.
Thứ tư, ngành thuế cần triển khai với các chi cục để điều chỉnh ngay mức thuế đối với các ngành dịch vụ tăng giá từ trước trong và sau tết. Tiến hành kiểm tra đối với các mặt giảm thuế nhưng chưa giảm giá, đồng thời báo ngay kết quả thực hiện giám sát thuế.
Ngoài 4 giải pháp chính do UBND TP đưa ra, TP cũng triển khai triệt để nhóm giải pháp do Chính phủ đề ra. Trước hết, các DN phải tiết kiệm chi phí, không được điều chỉnh giá tăng đột biến, đặc biệt là thuốc y tế; tăng năng suất, giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm đối với từng ngành hàng.
Giao Sở Công nghiệp có kế hoạch kiểm soát, nắm tình hình sản xuất, định hướng chiến lược đầu tư. Sở Kế hoạch và đầu tư phối hợp Sở Tài chính rà soát và cân đối lại nguồn vốn đầu tư và quản lý tài sản công. Rút ngay các dự án chậm triển khai ra khỏi kế hoạch năm 2008.
Tập trung đẩy mạnh việc chuẩn bị nguồn hàng, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực. Chỉ khi nào có nguồn hàng thì mới có điều kiện bình ổn giá. Với các tổng công ty, cần phối hợp để phát huy sức mạnh tổng lực trong việc khai thác hiệu quả nguồn vốn, kinh nghiệm chuyên môn, tuyệt đối không được liên kết để tăng giá…
sggp
|