Bảo hiểm phi nhân thọ ngậm ngùi
Theo Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đang được Bộ Tài chính xây dựng thì dịch vụ tín dụng, kinh doanh chứng khoán, chuyển nhượng vốn và các dịch vụ tài chính phái sinh, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm học sinh, bảo hiểm vật nuôi, cây trồng và tái bảo hiểm ra nước ngoài thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, còn dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ vẫn phải chịu thuế GTGT với thuế suất 10%.
Việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế GTGT đối với hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ đã buộc các doanh nghiệp bảo hiểm lên tiếng. "Trên thế giới, không quốc gia nào còn đánh thuế GTGT đối với bảo hiểm phi nhân thọ", ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam khẳng định.
Theo ông Lộc, việc áp dụng thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm cần phải cân nhắc lại, bởi bảo hiểm phi nhân thọ là một dịch vụ tài chính, trong đó người tham gia bảo hiểm đồng ý đóng góp một khoản tiền nhất định (phí bảo hiểm) để doanh nghiệp thành lập quỹ bảo hiểm và sẵn sàng bù đắp tổn thất cho cộng đồng người tham gia bảo hiểm không may gặp rủi ro. Đánh thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ là rất phi lý, bởi về bản chất, hoạt động bảo hiểm không phát sinh GTGT, người tham gia bảo hiểm chỉ nhận được tối đa số tiền bằng đúng giá trị tổn thất, cho dù họ có cùng một lúc mua nhiều hợp đồng bảo hiểm cho tài sản của mình. Hơn nữa, người tham gia bảo hiểm đã không may gặp rủi ro, nếu Nhà nước vẫn đánh thuế thì họ càng trở nên khó khăn hơn. Còn đối với người không gặp rủi ro, tiền phí bảo hiểm của họ được dành để bù đắp cho những người kém may mắn, nếu đánh thuế thì chẳng khác nào đánh thuế vào hoạt động từ thiện.
Ngoài những phi lý trên, theo phân tích của các doanh nghiệp bảo hiểm, việc đánh thuế GTGT đối với hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ sẽ nảy sinh nhiều khó khăn cho hoạt động dịch vụ tài chính này, vốn đã gặp không ít khó khăn trong suốt năm 2005 và năm 2006. Cụ thể, thuế GTGT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ cuối cùng, nên người tham gia bảo hiểm ngoài việc phải nộp phí bảo hiểm theo quy định, còn phải nộp thêm 10% thuế GTGT khiến việc mở rộng thị trường bảo hiểm gặp khó khăn hơn do đại đa số người dân vẫn chưa có thói quen mua bảo hiểm.
Còn đối với doanh nghiệp bảo hiểm, khi xảy ra rủi ro (cháy nhà xưởng, tai nạn…), doanh nghiệp bảo hiểm không trực tiếp xây lại nhà xưởng, mua lại phương tiện giao thông hoặc trực tiếp sửa chữa tài sản của người tham gia bảo hiểm, mà thực hiện bồi thường, thanh toán bằng tiền mặt đối với các chi phí sửa chữa, mua sắm lại tài sản bị tổn thất. Việc khắc phục hậu quả đều do người bị thiệt hại thực hiện nên hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ để khắc phục tổn thất đều đứng tên người bị tổn thất. Trong khi đó, theo quy định của Dự án Luật Thuế GTGT, để được khấu trừ thuế GTGT, doanh nghiệp phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ (doanh nghiệp đứng tên trên tờ hóa đơn GTGT) và phải thanh toán qua ngân hàng.
"Quy định này rất khó thực hiện, bởi không một doanh nghiệp bảo hiểm nào đứng tên trên tờ hóa đơn do họ không trực tiếp mua hàng hóa, nguyên vật liệu khắc phục hậu quả để đền bù thiệt hại cho người gặp rủi ro. Ngoài ra, việc thanh toán bồi thường thiệt hại hầu hết được thực hiện trực tiếp bằng tiền mặt vì không thể thanh toán qua ngân hàng do người bị thiệt hại là cá nhân không có tài khoản ngân hàng", đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.
Năm 2007, tổng doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ đạt 8.500 tỷ đồng, trong đó thu nhập chịu thuế là 6.000 tỷ đồng; với thuế suất thuế GTGT 10%, ngân sách nhà nước thu về 600 tỷ đồng, sau khi trừ số tiền ngân sách phải hoàn thuế theo Luật Thuế GTGT cho doanh nghiệp bảo hiểm thì ngân sách thực thu khoảng 500 tỷ đồng. Theo phân tích của Lộc, nếu không đánh thuế, ngân sách chỉ giảm thu 500 tỷ đồng, nhưng bù lại, ngân sách sẽ tăng thu ở thuế thu nhập doanh nghiệp do doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng quy mô hoạt động, tăng thu được thuế thu nhập cá nhân đối với đại lý bảo hiểm do thị trường bảo hiểm được mở rộng. Đặc biệt, nếu không đánh thuế thì người dân sẽ tích cực tham gia bảo hiểm hơn; khi có thiên tai, hỏa hoạn hay rủi ro bất khả kháng xảy ra, Nhà nước không phải bỏ tiền ra để xử lý sự cố, còn người tham gia bảo hiểm giảm được khó khăn về tài chính trong việc khắc phục hậu quả.
Ở một khía cạnh khác, luật gia Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K và Cộng sự đặt câu hỏi: liệu có nên ban hành Luật Thuế GTGT trong khi Việt Nam đã có Luật Thuế thu nhập cá nhân, vì cả 2 sắc thuế này đều đánh vào thu nhập của cá nhân? Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), nếu vẫn thực hiện thuế GTGT thì cần phải cân nhắc đến việc giảm thuế suất đối với hàng hóa, dịch vụ cần khuyến khích và thiết yếu đối với người dân, như dịch vụ bảo hiểm.
đtck
|