Khó khăn chồng chất: Ngân hàng điều chỉnh lợi nhuận
Các chính sách thắt chặt tín dụng nhằm kiềm chế lạm phát liên tục được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra khiến các ngân hàng, nhất là khối ngân hàng cổ phần rơi vào cảnh lao đao. Một số ngân hàng đã thông báo về việc điều chỉnh lợi nhuận đến cổ đông, đồng thời cho biết sẽ công bố rộng rãi trong kỳ ĐHCĐ tới.
Cung tiền đồng khan hiếm, trong khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc gia tăng và ngày mua 20.300 tỷ đồng tín phiếu NHNN đang cận kề (ngày 17/3) buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất tiền gửi. Điều này khiến chi phí đầu vào đội lên, hiện cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn đầu ra liên tục bị hạn chế bởi chính sách thắt chặt tín dụng của NHNN. Do đó, kế hoạch lợi nhuận đưa ra đầu năm, theo các ngân hàng, khó có thể đạt được nếu tình hình trên tiếp tục kéo dài.
Tuy mới là dự kiến và chưa xây dựng kế hoạch điều chỉnh cụ thể nhưng theo chủ tịch HĐQT một ngân hàng cổ phần tại TP. HCM, ngân hàng này đã tính tới điều chỉnh lợi nhuận theo hướng giảm so với kế hoạch ban đầu. Và mức điều chỉnh của ngân hàng có khả năng thấp hơn 40 - 50% so với kế hoạch đưa ra trước đây.
"Có thể, kết quả hoạt động trong 2 tháng đầu năm chưa sụt giảm, nhưng khó khăn sẽ chồng chất lên các ngân hàng kể từ tháng 3 trở đi thì việc giảm lợi nhuận cũng là lẽ đương nhiên. Vì lãi suất huy động cao đồng nghĩa với việc chi phí đầu vào tăng, trong khi huy động được 100 đồng vốn ngân hàng chỉ được phép sử dụng 89 đồng, thay vì 95 đồng như trước đây", ông này lý giải.
Theo kế hoạch của các ngân hàng, lợi nhuận của năm 2008 sẽ cao hơn so với năm trước. Chẳng hạn, ACB với mục tiêu đạt 2.800 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2008, cao hơn con số đạt được của năm 2007 là 800 tỷ đồng (năm 2007, Tập đoàn ACB đạt trên 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế). Còn Sacombank với tham vọng đạt 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2008, trong khi năm 2007 Sacombank đạt 1.450 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; tính đến cuối tháng 1/2008, Sacombank đạt 157,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 158% so với cùng kỳ năm trước. Eximbank cũng cho hay, kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho cả năm 2008 là 1.500 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm trước; kết thúc tháng 1/2008, Eximbank đạt 110 tỷ đồng lợi nhuận.
Không chỉ với các ngân hàng cổ phần quy mô lớn, mà ngay cả những nhà băng vừa và nhỏ cũng mạnh dạn đưa ra kế hoạch lợi nhuận đạt cao cho năm 2008. Chẳng hạn, ABBANK với mục tiêu đạt 555 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2008, cao hơn hai lần so với năm trước. VietA Bank, OCB, Southern Bank, SCB… cũng không thua kém.
Thế nhưng, tình hình thị trường tiền tệ xoay chuyển quá đột ngột và nằm ngoài dự báo của các ngân hàng, buộc họ phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ cho biết, với tình hình căng thẳng như hiện nay, chắc chắn ngân hàng sẽ không đạt được kế hoạch lợi nhuận xây dựng hồi đầu năm. "Năm 2008 sẽ là một năm rất khó khăn, diễn biến thị trường tiền tệ ngày một xấu đi bởi tốc độ lạm phát gia tăng. Thêm vào đó, một số ngân hàng mới trong nước và ngân hàng con 100% vốn ngoại được cấp phép sẽ cạnh tranh gay gắt về thị phần giữa các nhà băng", vị tổng giám đốc nói.
Theo lãnh đạo của một ngân hàng có trụ sở tại TP. HCM, nếu chính sách thắt chặt tiền tệ tiếp tục được áp dụng và kéo dài thì việc điều chỉnh lợi nhuận của hệ thống ngân hàng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa lợi nhuận chỉ có chiều hướng giảm mà ngược lại, sau khi điều chỉnh các ngân hàng dễ lấy đà tăng thêm.
Theo ông này, trước đây khi TTCK phát triển đã góp phần tạo thêm lợi nhuận cho các ngân hàng thông qua việc đầu tư cổ phiếu cũng như gia tăng dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán, repo cổ phiếu được thực hiện bởi CTCK trực thuộc. Đến nay, hầu hết dịch vụ này phải ngưng lại theo yêu cầu của NHNN. Mặt khác, vốn huy động gần đây của các ngân hàng không dám cho vay, vì e ngại sẽ có thêm chính sách thắt chặt tín dụng mới. Nhiều khả năng tỷ lệ dự trữ còn gia tăng trong thời gian tới. Đây chính là lý do buộc các ngân hàng phải nghĩ đến việc điều chỉnh lợi nhuận so với kế hoạch đầu năm.
Hiện giá cổ phiếu nhiều ngân hàng đã xuống quá thấp, cụ thể như giá cổ phiếu ABBANK đạt 18.000 - 19.000 đồng/CP (mệnh giá 10.000 đồng/CP); cổ phiếu Eximbank là 38.000 đồng/CP; DongA Bank giảm xuống 45.000 đồng/CP... Tuy nhiên, các giao dịch mua bán trên thị trường OTC rất thưa thớt. Riêng cổ phiếu của 2 ngân hàng niêm yết trên sàn cũng liên tục sụt giảm trong những ngày qua theo xu hướng chung của thị trường.
đtck
|