Thứ Ba, 07/01/2025 11:05

Các công ty chứng khoán có đang dự báo quá tích cực về VN-Index năm 2025?

Theo các báo cáo chiến lược được công bố bởi nhiều công ty chứng khoán, góc nhìn về thị trường chứng khoán năm 2025 nhìn chung mang nhiều màu sắc tươi sáng, thậm chí có dự báo VN-Index chạm tới mốc 1,540 hay 1,663 điểm ở kịch bản tích cực.

Nhìn lại năm 2024, nhiều công ty chứng khoán đưa ra các dự báo với cả kịch bản tích cực, cơ sở và tiêu cực, nhưng kết thúc năm thực tế chỉ ra VN-Index biến động theo hướng kịch bản tiêu cực nhiều hơn.

Nhìn về năm 2025, các công ty chứng khoán đều nhìn nhận dưới góc nhìn rất tích cực, thậm chí có dự báo lên đến 1,540 hay 1,663 điểm.

Theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS), tính bình quân các dự báo VN-Index đạt 1,420 - 1,450 điểm vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, trong dự báo của một số công ty có mức giao động rất lớn giữa kịch bản tiêu cực và tích cực, như ABS (1,198 - 1,435 điểm), TPS (1,080 - 1,450 điểm), SSV (1,200 - 1,500 điểm), VCBS (1,477 - 1,663 điểm).

Theo quan điểm của VPBankS, mức điểm của VN-Index cuối năm 2025 có thể đạt 1,400 - 1,420 điểm, với kịch bản các nhiễu động sẽ tiếp tục kéo dài từ năm 2024 và thời điểm tích cực sẽ là nửa cuối năm.

Trong nhịp sắp tới, với yếu tố khó lường từ việc ông Donald Trump sắp bước vào Nhà Trắng và có thể đưa ra các quyết sách khó lường trong quý 1 và quý 2, tỷ giá ở hầu hết các thị trường vẫn căng thẳng, USD vẫn tăng và lợi suất trái phiếu vẫn neo cao, đặc biệt Fed hạ lãi suất ít hơn so với kỳ vọng (hai lần) thì nhiễu động thị trường sẽ vẫn còn.

Nhà đầu tư nước ngoài có thể không bán ròng mạnh như năm 2024 nữa, nhưng lực bán vẫn là một trong những yếu tố kìm hãm đà tăng của VN-Index trong năm 2025.

Trong nửa đầu 2025, biên giao động chính của VN-Index dự báo xoay quanh khoảng 1,200 - 1,300 điểm. Thị trường có thể tạo ra vùng trũng trong tháng 5 - thường là giai đoạn nhà đầu tư trong nước và quốc tế “Sell in May” do trũng thông tin sau mùa BCTC quý 1. Thị trường sẽ tích cực dần trong tháng 8 và tháng 9, khi Việt Nam chuẩn bị đón những yếu tố tích cực trong con sóng nâng hạng.

Trong năm 2025, yếu tố kinh tế vĩ mô cũng sẽ diễn ra trong nửa đầu năm do những lo ngại từ chính sách thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, đến nửa cuối năm, Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng chính từ chính sách thuế quan của ông Donald Trump. Kết hợp với yếu tố nâng hạng, quý 3 và quý 4 sẽ là giai đoạn mà dòng tiền tăng mạnh hơn, khối ngoại trở lại mua ròng, qua đó tạo động lực cho thị trường.

Dựa trên các dự báo đó, chuyên gia VPBankS cho rằng, giai đoạn điều chỉnh giữa năm có thể là cơ hội tốt để giải ngân, đồng thời nhấn mạnh việc chỉ có cơ hội tốt khi giá cổ phiếu có sự chiết khấu tốt.

Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS)

Ngân hàng Nhà nước có phải tăng lãi suất?

Năm 2024 vừa qua, đặc biệt là giai đoạn tháng 6 và tháng 12, tỷ giá liên ngân hàng luôn ở mức kịch trần. Trong năm 2025, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không tăng lãi suất thì có thể Việt Nam phải lên biên tỷ giá mới, với các giả định như Donald Trump tiếp tục đánh thuế, đồng Nhân dân tệ mất giá cao hơn mức 7.3 CNY/USD…

Còn về mặt điều hành, với chính sách hỗ trợ tăng trưởng, trong 6 tháng đầu năm, lãi suất có thể không tăng ngay. Nếu NHNN chưa tăng lãi suất thì sẽ phải điều hành linh hoạt hơn trong câu chuyện tỷ giá, cho phép VND biến động trong biên độ lớn hơn.

Một vấn xảy ra trong năm 2024 là khi có biến động về tỷ giá và dòng vốn, khối ngoại đã bán ròng rất mạnh, khoảng 90 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm tích cực là VN-Index không chịu ảnh hưởng quá nhiều mà chỉ rung lắc, cho thấy chỉ số có những sự hấp dẫn riêng. Mặt khác, khi nhà đầu tư ngoại chốt lời thì nhà đầu tư nội là lực lượng giữ vững thị trường.

Nền kinh tế tăng trưởng tốt, nền chính trị ổn định được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, FDI tăng trưởng 9.4% trong năm 2024, tương ứng giải ngân 25.3 tỷ USD là minh chứng cho việc vẫn yêu thích Việt Nam. Do vậy, ảnh hưởng của tỷ giá đến Việt Nam trong năm 2025 vẫn có, nhưng không mạnh như năm 2024.

Nhìn tổng quan, trong năm 2024, hầu hết thị trường đều bị rút vốn. Trong 12 tháng vừa rồi, Đài Loan bị rút 20 tỷ USD, Thái Lan bị rút 4 tỷ USD, trong khi Việt Nam bị rút khoảng hơn 3 tỷ USD. Rõ ràng Việt Nam có bị ảnh hưởng, nhưng con số không quá lớn.

Do Việt Nam đã trải qua một giai đoạn rất khó khăn nên ông Sơn kỳ vọng tất cả sự gập ghềnh trên có thể vẫn còn trong nửa đầu năm, nhưng câu chuyện tích cực có thể bắt đầu vào nửa cuối năm.

Huy Khải

FILI - 10:03:21 07/01/2025

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 07/01: Tiếp tục điều chỉnh? (06/01/2025)

>   KBSV Research nêu 5 chủ đề đầu tư chính cho năm 2025 (06/01/2025)

>   Triển vọng nào từ RYG, NT2 và ACV? (06/01/2025)

>   ABS Research: Hai kịch bản cho VN-Index năm 2025, cao nhất có thể đạt 1,435 điểm (04/01/2025)

>   Góc nhìn tuần 06-10/01: Thận trọng? (05/01/2025)

>   VDSC: VN-Index có thể kết thúc năm 2025 ở mức 1,486 điểm (03/01/2025)

>   Giám đốc Phân tích VNDIRECT: Chính sách Fed và Tổng thống Trump là hai biến số chính cho vĩ mô 2025 (21/01/2025)

>   VPBankS: Vốn FDI tiếp tục dẫn dắt bất động sản khu công nghiệp trong năm 2025 (03/01/2025)

>   Góc nhìn 03/01: Điều chỉnh? (02/01/2025)

>   BSC: Thị trường chứng khoán sẽ được tái định giá như giai đoạn 2016 - 2018 (02/01/2025)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật