Có nên tích lũy NTL, CTI, VIB?
Các công ty chứng khoán (CTCK) khuyến nghị nâng giá mục tiêu NTL do quỹ đất lớn nhiều tiềm năng; mua CTI do hoạt động kinh doanh hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công; mua VIB do động lực tăng trưởng từ mảng cho vay cá nhân.
NTL: Giá mục tiêu 55,960 đồng/cp
Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), quỹ đất phát triển khu đô thị của CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (HOSE: NTL) là khá lớn và giá vốn thấp, nếu so với quy mô doanh nghiệp là hấp dẫn. Điều quan trọng, là các quỹ đất đã hoàn thành việc đền bù nên sẽ đóng góp lợi nhuận ngay trong giai đoạn 2021-2023.
Khu đô thị (KĐT) Bắc Quốc Lộ 32 đã được triển khai từ lâu và bàn giao từ 2013 nhưng lại thiếu tiện ích sinh hoạt nên số lượng người chuyển về ở không nhiều và khách mua cũng dè dặt hơn. Tuy nhiên, với thông tin huyện Hoài Đức lên quận vào năm 2022 và hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, phát triển, giá đất nền tại Hoài Đức đã tăng 50% - 100% so với cùng kỳ 2020. Điều này giúp thị trường bất động sản (BĐS) ở khu vực này nóng hơn tạo điều kiện thuận lợi cho NTL trong việc bán nốt những căn biệt thự tồn kho còn lại, giá chào bán khoảng 35 triệu đồng/m2. Tính tới hết quý 3/2021, NTL ghi nhận giá trị tồn kho của dự án là 263.2 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 298.8 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm.
Tại ĐHĐCĐ, theo thông tin ban lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, chỉ tính riêng đợt mở bán từ 04/01–26/03/2021, 77 căn thuộc dự án đã được bán hết với tổng diện tích tương ứng là 23,372 m2. Nếu năm 2019, doanh nghiệp đưa ra giá bán là 25 triệu đồng/m2 thì năm 2020 đã tăng lên 32 triệu đồng/m2 và sang năm 2021 vẫn có thể tăng nhẹ. Với loại hình sản phẩm biệt thự của NTL, giá bán giao động quanh 35-40 triệu đồng/m2 là khá rẻ so với các dự án gần đó tại Hoài Đức.
Sau khi đợt mở bán trong quý I, tổng quỹ căn còn lại của dự án là 40 căn, trong đó bao gồm 8 lô đất chưa xây và 32 căn đã xây và hoàn thiện mặt ngoài sẽ tiếp tục được hoàn thiện và mở bán nốt trong năm 2021. Doanh thu và lợi nhuận gộp đóng góp từ dự án dự kiến lần lượt là 877.6 tỷ đồng và 614.3 tỷ đồng được ghi nhận trong 2021-2023. Biên lợi nhuận gộp từ dự án cao hơn 70% do việc quỹ đất được phát triển hơn 10 năm trước với giá vốn rất thấp.
Trong khi đó đối với KĐT Lideco Bãi Muối, đây là một trong những dự án đất nền hiếm hoi với quy mô lớn nằm ngay trong trung tâm thành phố Hạ Long với dân cư đông đúc và nhiều tiện ích xung quanh. Dự án kỳ vọng sẽ đóng góp nguồn thu đáng kể trong 2021-2025 cho NTL nhờ hưởng lợi từ các yếu tố như du lịch tại Quảng Ninh tăng mạnh, nhu cầu đất tại các tỉnh tăng trưởng cùng kỳ vọng vào việc thành lập đặc khu Vân Đồn và sân bay Vân Đồn.
Với giá bán đất nền dự kiến của KĐT này vào khoảng 35-40triệu đồng/m2, BVSC ước tính KĐT sẽ đem lại doanh thu hơn 3,680 tỷ đồng với lợi nhuận gộp 2,825 tỷ đồng cho NTL. Doanh thu và lợi nhuận từ dự án này sẽ dần được phản ánh vào kết quả kinh doanh từ năm 2021. Biên lợi nhuận từ dự án cao hơn 76.8% do quỹ đất được mua với giá rất thấp.
Căn cứ trên tiến độ hai dự án KĐT BQL 32 và KĐT 23ha Bãi Muối, BVSC cho rằng lợi nhuận 2021–2023 sẽ được đảm bảo và có nhiều cơ hội để tăng trưởng cao. Dự báo trong năm 2021, NTL sẽ có doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 633 tỷ đồng và 325 tỷ đồng, giảm 3.1% và tăng 9.9% so với năm 2020. CTCK thận trọng với kết quả kinh doanh năm 2021 của NTL do tiến độ xây dựng và bàn giao của Công ty bị chậm lại do dịch bệnh.
Năm 2022, dự báo lợi nhuận của NTL tăng mạnh với mức lợi nhuận sau thuế đạt 556 tỷ đồng, tăng 71.3% so với dự báo của năm 2021. Doanh thu dự kiến là 1,009.3 tỷ đồng, tăng 59%. Kết quả kinh doanh khả quan năm 2022 là do NTL sẽ tiếp tục ghi nhận thành quả từ KĐT BQL 32 và thêm phần nhiều đóng góp từ KĐT 23 ha Bãi Muối.
Dự phóng kết quả kinh doanh của NTL
Nguồn: BVSC
|
Với tiềm năng từ các dự án hiện tại, BVSC khuyến nghị mua NTL với giá mục tiêu 55,960 đồng/cp.
Xem thêm tại đây
Mua CTI với giá mục tiêu 39,100 đồng/cp
Theo CTCK KB Việt Nam (KBSV), với việc BOT đường chuyên dùng VLXD và BOT đường 319 đã đi vào hoạt động từ tháng 5 và tháng 10/2021, KBSV dự báo kết quả kinh doanh của CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (HOSE: CTI) trong năm 2022 sẽ tích cực nhờ sự đóng góp từ 2 BOT mới này với doanh thu lần lượt là 28 tỷ đồng và 110 tỷ đồng, qua đó gia tăng doanh thu mảng BOT lên 482 tỷ đồng/ năm, tăng 38.8% so với năm trước. Đây đều là những BOT có thời hạn sử dụng dài như BOT 319 là 29 năm và BOT đường chuyên dùng là 12 năm.
Ngoài các dự án BOT, CTI hiện đang quản lý quỹ đất khu công nghiệp (KCN) lên tới 707 ha tại khu vực Đồng Nai với 3 dự án: Cụm Công nghiệp (CCN) Tân An (49 ha), KCN Phước Bình 2 (299 ha) và KCN Phước Bình 3 (520 ha). Ngoài ra công ty cũng sở hữu 10.4 ha đất KĐT tại khu vực.
Đối với CCN Tân An, dự án có diện tích 49 ha, trong đó diện tích thương phẩm là 30 ha. Hiện dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và dự kiến sẽ hoàn thành trong 2022. KBSV kỳ vọng CCN Tân An sẽ bắt đầu mở bán vào 2023 và lấp đầy 90% trong 2023-2024 với giá thuê bình quân 110 USD/m2.
Trong khi đó, Dự án CTI Residence có diện tích 10.4 ha, đã có quy hoạch 1/500 đầy đủ, dự kiến cung cấp ra thị trường 336 sản phẩm nhà liền kề cao cấp. CTI Residence đã bắt đầu giải phóng mặt bằng từ năm 2020, dự kiến sẽ hoàn thiện trong 2021 - quý 1/2022 và bắt đầu khởi công xây thô từ đầu 2022. KBSV kỳ vọng CTI Residence sẽ mở bán vào 2023 với mức giá bình quân 50 triệu đồng/m2 do dự án được xây dựng theo phân khúc nhà cao cấp 4 tầng cùng vị trí tọa lạc tại đường Võ Nguyên Giáp khá thuận lợi do 2023-2024 sẽ có metro Bến Thành - Suối Tiên đi qua.
Ngoài dự án CCN Tân An đang triển khai, CTI đang trình thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư cho KCN Phước Bình 2 & 3 với tổng diện tích 658 ha (299 ha cho Phước Bình 2 và 359 ha cho Phước Bình 3). KBSV đánh giá cao dự án này do vị trí đắc địa chỉ cách sân bay Long Thành 12 km và nguồn đất KCN khan hiếm tại khu vực. Theo khảo sát của CTCK này, các KCN ở mạn Long Thành đang có giá thuê từ 160-200 USD/m2.
Với 4 lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng, BOT, khai thác đá, bán khu đô thị và khu công nghiệp, CTI có tiềm năng hưởng lợi từ đầu tư công tại Long Thành.
KBSV đánh giá tích cực tiềm năng tăng trưởng mảng đá của CTI với kì vọng CAGR giai đoạn 2021-2025 là 23% do các mỏ đá vẫn đang hoạt động dưới công suất khá nhiều và nhu cầu đầu tư hạ tầng tăng cao trong giai đoạn tới. Mới đây nhất, CTI đã lắp đặt thêm 2 máy xay đá 350 tấn/giờ cho 2 mỏ trên trong quý 4/2021, và cho biết sẽ gia tăng sản lượng tương ứng với từng giai đoạn dự án đầu tư công tại khu vực như cao tốc Phan thiết – Dầu Giây,…
Với tổng vốn đầu tư sân bay Long Thành 110,000 tỷ đồng cũng như nhu cầu đầu tư hạ tầng xung quanh rất lớn, mảng xây dựng của CTI sẽ được hưởng lợi bằng việc trúng thầu nhiều hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, KBSV vẫn đánh giá khá thận trọng về tiềm năng tăng trưởng mảng này do CTI hiện đang tập trung nguồn vốn cho xây dựng CCN Tân An và CTI Residence. Đây đều là những dự án có biên lợi nhuận tốt (40%-50%) so với biên gộp mảng xây dựng hiện tại (chỉ 10% trong 9 tháng đầu năm 2021). Bên cạnh đó, định hướng phát triển sắp tới của CTI cho mảng bất động sản KCN thông qua dự án Phước Bình 2 & 3 có tiềm năng cao hơn.
Với triển vọng hưởng lợi từ đầu tư công tại Long Thành, KBSV khuyến nghị mua CTI với giá mục tiêu 39,100 đồng/cp.
Xem thêm tại đây
Mua VIB với giá mục tiêu 54,800 đồng/cp
Theo CTCK MB (MBS), tỷ lệ cho vay bán lẻ của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) gia tăng từ mức hơn 45% trong năm 2016 lên hơn 87% vào cuối quý 3/2021 với tốc độ tăng trưởng CAGR hơn 32%. Trong đó cho vay BĐS và cho vay mua ô tô là 2 mảng chính chiếm hơn 76.5% tổng danh mục cho vay bán lẻ của VIB.
Nguồn: MBS
|
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng của VIB đạt hơn 10.9%, hoàn thành 77% hạn mức tín dụng được cấp (14.1%). MBS kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng của VIB cũng như toàn ngành sẽ có sự bùng nổ trong quý 4/2021 như đã diễn ra trong năm 2020 nhờ việc mở cửa trở lại nền kinh tế từ đầu quý 4.
Cụ thể, quý 4/2020, tăng trưởng tín dụng của VIB đạt hơn 13.8%, bằng tổng tăng trưởng tín dụng 3 quý trước đó, do đó MBS kỳ vọng quý 4/2021, tăng trưởng tín dụng của VIB sẽ đạt khoảng 9.1% với kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục nâng “room” tín dụng của VIB, đưa tổng mức tăng trưởng tín dụng của VIB đạt 20% trong năm 2021. Trong năm 2022, với kỳ vọng dịch bệnh cơ bản được kiểm soát và nền kinh tế bắt đầu phục hồi, CTCK này kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng của VIB sẽ đạt khoảng 27.9%.
NIM của quý 3/2021 có sự suy giảm nhẹ so với quý 2/2021 cũng như năm 2020 do ngân hàng thực hiện chính sách giảm lãi cho các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Hơn 95% khoản nợ tái cơ cấu của VIB nằm trong nhóm khách hàng bán lẻ, ảnh hưởng lớn đến thu nhập từ lãi của ngân hàng. Tuy nhiên, việc NHNN duy trì môi trường lãi suất thấp hỗ trợ nền kinh tế đã giúp chi phí vốn của VIB có sự sụt giảm đáng kể, do vậy mặc dù lãi vay có sự suy giảm nhưng NIM của ngân hàng vẫn ở mức cao so với năm 2020.
Nguồn: MBS
|
Trong khi đó, CASA có sự gia tăng nhẹ nhờ các kết quả khả quan trong việc chuyển đối số của ngân hàng. CASA đến cuối quý 3/2021 đạt hơn 12.4%, vẫn còn thấp so với các ngân hàng tương đương như TCB VPB ACB hay MBB. Trong đó, khoản đóng góp CASA từ các hoạt động kỹ thuật số có sự tăng trưởng ấn tượng nhất, với tỷ lệ gia tăng từ mức 3% tại thời điểm cuối năm 2020 lên mức 4.9% vào cuối quý 3/2021. MBS kỳ vọng đây sẽ là động lực chính giúp CASA vượt mức 15% trong năm 2025. Còn trong năm 2021, CTCK này kỳ vọng chi phí vốn của VIB trong năm 2021 tiếp tục có sự cải thiện và đạt 4.14%.
Trong cơ cấu thu nhập ngoài lãi, thu nhập từ hoạt động dịch vụ trung bình chiếm hơn 90% tổng thu nhập ngoài lãi. Trong đó, đóng góp đáng kể nhất đến từ các khoản thu phí thanh toán và phí dịch vụ bảo hiểm (bancassurance), chiếm hơn 70% tổng thu nhập từ dịch vụ. Về mảng bancassurance, hiện tại VIB đang là ngân hàng có APE lũy kế cao nhất thị trường đạt 1,287 tỷ đồng, đồng thời năng suất của từng chi nhánh cũng đạt mức cao nhất hơn 771 tỷ đồng/chi nhánh. Điều này giúp VIB có được 12% thị phần banca toàn thị trường tại cuối quý 3/2021.
Nguồn: MBS
|
Việc tăng cường trích lập dự phòng cả trước và trong thời gian xảy ra dịch bệnh đã giúp tỷ lệ bao nợ xấu của VIB tăng lên đáng kể, giúp đảm bảo chất lượng tài sản trong dài hạn. Đặc biệt trong quý 4/2020 và quý 1/2021, khi VIB tăng cường trích lập dự phòng với chi phí trích lập dự phòng tăng lần lượt 238% và 114.3% so với cùng kỳ, giúp tỷ lệ LLR của ngân hàng đạt trên 60%.
Hệ số an toàn vốn (CAR) của VIB liên tục được cải thiện trong những năm gần đây, tăng từ mức 9.4% trong quý 1/2020 lên hơn 10.6% tại cuối quý 3/2021 (theo BASEL II, mức tối thiểu là 8%). MBS kỳ vọng mức CAR này sẽ được cải thiện hơn nữa khi kết quả kinh doanh của VIB trong những năm sau dịch có nhiều điểm tích cực đến từ tăng trưởng tín dụng và chất lượng tài sản ngày càng được củng cố.
Với những dự báo tích cực kể trên, MBS khuyến nghị mua VIB với giá mục tiêu 54,800 đồng/cp.
Xem thêm tại đây
---
Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.
Thượng Ngọc
FILI
|