Vì sao các công ty thẻ tín dụng Mỹ chưa đặt chân được vào Trung Quốc?
Suốt nhiều năm qua, Visa, Mastercard và American Express đã tìm cách đặt chân vào Trung Quốc. Tuy nhiên, sau hơn một thập niên cố gắng, họ có thể đã bỏ lỡ cơ hội của mình.
Bắc Kinh đã nhiều lần báo hiệu rằng họ sẽ mở cửa cho các công ty nước ngoài vào thị trường thẻ tín dụng của họ, và trong năm 2017, họ đã cho phép các công ty thẻ của Mỹ xin giấy phép.
Tuy vậy, những lá đơn đó vẫn đang được Chính phủ xem xét, và hầu như không có dấu hiệu gì cho thấy khi nào hoặc là chúng có được xử lý hay không, đặc biệt là trong cuộc chiến thương mại lớn hơn với Mỹ.
Trong khi đó, China UnionPay, một công ty quốc doanh, đã củng cố vị thế trong ngành công nghiệp thẻ ngân hàng. Và thanh toán di động đã tăng vọt, được thống trị bởi các dịch vụ từ những “ông lớn” như Tencent và Alibaba, vốn là các đối thủ của Visa và Mastercard.
Visa và Mastercard có thể đã có một chỗ đứng nếu họ thực sự được vào 10 hoặc 15 năm trước, nhưng tôi cảm thấy cánh cửa đó đang đóng đối với họ”, nhà phân tích Sandler O'Neill Christopher Donat nói.
Cuộc “đấu tranh” trên là điển hình của những gì mà nhiều công ty phương Tây phải đối mặt khi cố gắng đặt chân vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Quy định của Chính phủ thường không rõ ràng và bản thân Nhà nước trong nhiều trường hợp đã ủng hộ các công ty Trung Quốc trong cùng ngành.
Nhu cầu thẻ của Trung Quốc
Với một thị trường tiêu dùng đang bùng nổ và tầng lớp trung lưu đang phát triển, Trung Quốc cho thấy những cơ hội lớn đối với các công ty thẻ của Mỹ, vẫn đang háo hức được bắt đầu kiếm và xử lý các giao dịch thẻ nội địa bằng đồng Nhân dân tệ.
Theo nhóm phụ trách thanh toán của GlobalData, một công ty nghiên cứu, vào năm 2017, Trung Quốc có gần 6.7 tỷ thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ được lưu hành. Công ty này dự đoán rằng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường thẻ ngân hàng lớn nhất thế giới vào năm 2019.
David Robertson, nhà xuất bản ấn phẩm thương mại Nilson Report, cho biết: “Có sự tăng trưởng rất lớn ở đó, và Visa và Mastercard không được phép tham gia vào thời điểm này”.
Ngay thời điểm này, thị trường hoàn toàn bị chi phối bởi China UnionPay, mạng lưới thẻ ngân hàng do nhà nước sở hữu được thành lập vào năm 2002. China UnionPay hiện kiểm soát hơn 90% thị trường, Robertson nói.
Trong khi đó, Visa và Mastercard chỉ có thể phát hành thẻ đồng thương hiệu, mà thường là dưới hình thức hợp tác với UnionPay.
Các thẻ như vậy chạy trên mạng UnionPay khi được sử dụng trong nước cho các khoản thanh toán nhân dân tệ và trên mạng của công ty nước ngoài khi được sử dụng ở nước ngoài để thanh toán bằng USD. Với việc tiếp cận thị trường trực tiếp, Mastercard và Visa có thể thiết lập các mạng thanh toán riêng của họ trong nước và thu phí đối với nhiều giao dịch hơn.
Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, Trung Quốc cho biết sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với những công ty xử lý thanh toán nước ngoài trước năm 2006.
Nhưng thời hạn đó đã qua. Năm 2010, Mỹ đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên WTO về sự đối xử của họ đối với các công ty thẻ của Mỹ.
Mỹ đã thắng kiện hai năm sau đó. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục dây dưa.
Bắc Kinh sau đó cho biết họ sẽ cho phép các công ty nước ngoài xử lý các khoản thanh toán trong nước, nhưng quy trình xin giấy phép vẫn chưa rõ ràng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Mar-a-Lago vào mùa xuân năm 2017.
Trung Quốc đã công bố thông tin chi tiết về cách các công ty thẻ có thể bắt đầu xin giấy phép vào cuối năm đó.
Trò chơi chờ đợi
Kể từ đó, Mastercard, Visa và American Express đã nộp đơn xin và đang chờ được chấp thuận.
American Express dường như là người đi được xa nhất. Theo bản tin trước đây của Wall Street Journal, công ty này xác nhận với CNN rằng ứng dụng của họ đã được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) – cũng là Ngân hàng Trung ương của Trung Quốc - chính thức chấp nhận.
Động thái này được xem như một bước quan trọng trên con đường có được giấy phép tạm thời.
American Express đã xin giấy phép làm công ty liên doanh với Lianlian Group, một công ty dịch vụ thanh toán của Trung Quốc.
Tuy vậy, các liên doanh đã bị chính quyền ông Trump chỉ trích. Họ cho rằng Trung Quốc làm cho các công ty phải hình thành liên doanh trong các lĩnh vực nhất định, sau đó buộc họ chuyển giao công nghệ có giá trị.
Mastercard cho biết họ đã gửi đơn đăng ký cho PBOC và đang "chuẩn bị cho các cơ hội trong nước rất tiềm năng" trong thời gian chờ đợi.
"Kể từ khi nộp đơn, chúng tôi đã làm việc với các nhà quản lý và những bên liên quan khác về các bước cần thiết để tiến tới bước tiếp theo", phát ngôn viên Mastercard Seth Eisen cho biết, đồng thời nói thêm rằng công ty họ vẫn "lạc quan" về cơ hội thị trường ở Trung Quốc.
Visa cũng cho biết họ đã nộp đơn đăng ký với PBOC và đang làm việc "chặt chẽ" với Chính phủ Trung Quốc.
"Cam kết của chúng tôi đối với Trung Quốc là lâu dài”, một phát ngôn viên nói với CNN.
PBOC đã không trả lời khi được yêu cầu bình luận.
Tàu đã rời ga'
Những công ty nói trên dự kiến quá trình sẽ kéo dài.
Hồi tháng 9/2017, Ling Hai, Chủ tịch của Mastercard tại châu Á - Thái Bình Dương, nói với các nhà đầu tư rằng công ty ông tin rằng Trung Quốc là một cơ hội trung và dài hạn, vì quá trình cấp phép sẽ mất ít nhất 12-18 tháng nữa.
Cuộc chiến thương mại của ông Trump hiện nay khiến Trung Quốc có ít động cơ thúc đẩy tiến trình này. Căng thẳng địa chính trị đã trở thành điều bất lợi cho các công ty đa quốc gia ở Trung Quốc. Tuần trước, Qualcomm buộc phải từ bỏ thương vụ mua lại NXP Semiconductors trị giá 44 tỷ USD khi các nhà quản lý Trung Quốc từ chối chấp thuận.
Đã có những lo ngại rằng Trung Quốc để quá lâu để cho phép các công ty thẻ của Mỹ vào nước này, và Visa, Mastercard và American Express không thể cạnh tranh với China UnionPay, WeChat Pay của Tencent và Alipay của Alibaba vào thời điểm này.
"Thực tế là, tàu đã rời khỏi ga", Donat của Sandler O'Neill nói.
Các giao dịch thanh toán di động tại Trung Quốc, dẫn đầu bởi WeChat Pay và Alipay, đã đạt tổng cộng khoảng 5.5 ngàn tỷ USD vào năm ngoái, theo số liệu từ Mercator Advisory Group. Khối lượng đó lớn gấp 50 lần so với Mỹ.
Theo nhà phân tích Sarah Grotta của Mercator Advisory Group, những người buôn bán ở Trung Quốc thích các ứng dụng thanh toán di động này.
"Đối với những người buôn bán, thay đổi sang một cái gì đó có thể là một cuộc đấu tranh hoặc một chi phí đáng kể”, Grotta nói.
Một khúc nhỏ của một thị trường khổng lồ thì tốt hơn là không có gì, theo Robertson của Nilson Report. Nhưng chờ đợi càng lâu thì Trung Quốc càng có lợi, ông nói thêm.
"Khi UnionPay được vững vàng ở vị trí nhà vô địch quốc gia, thì PBOC sẽ cho phép Visa và Mastercard", Robertson nói.
Nhã Thanh (Theo CNN)
FILI
|