Quan chức Fed lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ
James Bullard, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực St. Louis, cho rằng các chuyên viên giao dịch (trader) không nên chờ đợi một “cuộc suy thoái không thể tránh khỏi”, đồng thời thể hiện sự lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Mỹ.
“Chúng ta nên luôn luôn có kế hoạch cho điều tồi tệ và hy vọng cho điều tốt đẹp nhất. Tôi nghĩ ý tưởng cho rằng, bạn không thể nào tránh khỏi một cuộc suy thoái chỉ bởi vì kinh tế đã tăng trưởng trong một khoảng thời gian là không thực sự hợp lý”, ông Bullard nói trên chương trình "Squawk Box Europe" của CNBC.
“Tốc độ tăng trưởng của Mỹ đã rất chậm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008… Mức sản lượng thực tế đang thấp hơn một chút so với mức mà tại đó, chúng ta có mức tăng trưởng bình thường hơn, vì vậy điều này phần nào tranh luận cho quan điểm rằng đà tăng trưởng có thể kéo dài trong khoảng thời gian dài hơn”.
James Bullard, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực St. Louis
|
Trong quý 2/2018, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 4.1%, cao nhất trong gần 4 năm. Từ đầu tháng 5/2018, dữ liệu cho thấy, nền kinh tế Mỹ đã bước vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế dài thứ 2 trong lịch sử, nhưng cũng là chuỗi tăng trưởng chậm nhất trong giai đoạn hậu chiến.
Ông Bullard đề cập tới Australia như là một ví dụ cho thấy một quốc gia có đà tăng trưởng tồn tại trong thời gian rất dài, “25 năm hoặc hơn thế”.
Tuy nhiên, ông Bullard – người hiện không phải là thành viên biểu quyết của Fed – lưu ý rằng, các doanh nghiệp Mỹ đang rất lo ngại về cuộc xung đột thương mại với các quốc gia khác.
“Những công ty mà tôi nói chuyện cùng tỏ ra rất lo lắng về tình hình thương mại và rõ ràng đây là vấn đề đáng quan ngại bậc nhất trong tâm trí của mọi người. Tuy nhiên, cùng lúc đó, doanh nghiệp của họ lại đang hoạt động rất tốt, vì vậy có một chút mâu thuẫn giữa việc họ nghĩ là sẽ tiến tới đầu tư hoặc việc sẽ chờ đợi và xem tình hình thương mại tiếp diễn như thế nào”.
Đường cong lợi suất
Bất chấp sự lạc quan từ ông Bullard, nhiều chuyên gia phân tích tin rằng, thâm hụt tài khóa ngày càng tăng, chiến tranh thương mại và đà tăng của lãi suất có thể đặt dấu chấm hết cho đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Một số cũng tin rằng, đường cong lợi suất hiện tại trên thị trường trái phiếu là bằng chứng cho thấy một cuộc suy thoái đang manh nha xuất hiện. Đường cong lợi suất xuất hiện tình trạng bằng phẳng hóa trong vài tháng gần đây khi chênh lệch giữa lợi suất dài hạn và ngắn hạn ngày càng thu hẹp. Các chuyên gia phân tích tại UBS Asset Management đã dự báo, đường cong lợi suất sẽ đảo ngược vào năm tới. Hiện tượng đường cong lợi suất bị đảo ngược thường được xem là chỉ báo sớm về khả năng diễn ra suy thoái.
Trong ngày thứ Hai (06/08), ông Bullard nói với CNBC, thực sự thì ông rất lo ngại về lộ trình nâng lãi suất trong tương lai.
Kể từ cuối năm 2015, Fed đã nâng lãi suất trong một nỗ lực để bình thường hóa chính sách tiền tệ. Lần nâng lãi suất gần đây nhất là tại cuộc họp chính sách tháng 6/2018 và Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) còn dự định nâng thêm 2 đợt nữa trong năm nay.
Tuy nhiên, nếu Fed nâng lãi suất một vài lần trong khoảng thời gian ngắn thì điều này có thể ảnh hưởng tới đường cong lợi suất và có khả năng gây ra hiện tượng đảo ngược.
“Tôi nghĩ đường cong lợi suất đang truyền tải tín hiệu cho chúng tôi rằng, có lẽ, cấu trúc lợi suất hiện đang thấp hơn tại ngày hôm nay, có lẽ chúng ta chỉ nên phản ứng với dữ liệu và không lên kế hoạch để đẩy lãi suất lên tới mức mà chúng ta từng chứng kiến trong những năm 2000 hoặc thập niên 90”, ông Bullard cho hay.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|