PBoC vận hành chính sách tiền tệ Trung Quốc ra sao?
Nhà đầu tư đã nhiều năm theo dõi mọi động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vì quyết định của NHTW này có tác động tới giá tài sản trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, dạo gần đây, thị trường cũng tập trung vào những thay đổi của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới – Trung Quốc, cố gắng phân tích những quyết định chính sách để hiểu được phản ứng của dòng vốn Trung Quốc.
Thế nhưng, hệ thống Dự trữ Liên bang Mỹ không giống như cơ chế chính sách kinh tế của Trung Quốc. Khi nói về xu hướng tiền tệ lưu chuyển trong nền kinh tế Mỹ, nhà đầu tư thường theo dõi những thay đổi về phạm vi mục tiêu của lãi suất quỹ liên bang (Fed fund rate) – một lãi suất chuẩn có ảnh hưởng tới chi phí đi vay, giá tài sản và tỷ giá ở nền kinh tế Mỹ. Còn ở Trung Quốc, những tín hiệu như thế thường ít rõ ràng hơn vì quốc gia này không hề có một lãi suất chính sách đại diện duy nhất như Fed.
Thay vào đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sử dụng nhiều công cụ để kiểm soát lãi suất và lượng tiền ở nền kinh tế Mỹ. Vì vậy, để hiểu được Trung Quốc muốn đạt được gì có lẽ là một chuyện hơi khó nhằn.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng thường xuyên thêm các công cụ mới hoặc loại bỏ các công cụ khi họ hiện đại hóa hệ thống của quốc gia thành một thứ gì đó tương tự hơn với hệ thống ở những quốc gia phát triển. Theo dõi những sự thay đổi hệ thống có thể tăng thêm phần khó khăn trong việc đọc hiểu những tín hiệu của PBoC.
Vậy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc là gì?
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có tên gọi là People's Bank of China, hay PBoC. Như những ngân hàng trung ương khác ở các nền kinh tế tiên tiến, PBoC có nhiệm vụ kép là duy trì sự ổn định tiền tệ và thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc kiểm soát chính sách tiền tệ.
Chính sách tiền tệ ám chỉ tới những cách thức NHTW quản lý nguồn cung tiền và lãi suất trong nền kinh tế. Những chính sách đó được điều chỉnh theo các điều kiện kinh tế mà một quốc gia đang phải đối mặt.
Chẳng hạn, khi các ngân hàng trung ương muốn thúc đẩy tăng trưởng khi đang suy thoái, họ sẽ giảm lãi suất. Nhờ đó, chi phí đi vay sẽ giảm bớt – qua đó khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân vay nợ để đầu tư và mua hàng hóa để kích thích nền kinh tế.
Vậy Trung Quốc quản lý chính sách tiền tệ như thế nào?
Trang web của PboC liệt kê 7 công cụ mà họ sử dụng để điều chỉnh chính sách tiền tệ:
- Nghiệp vụ thị trường mở (OMO)
Ở Trung Quốc, các nghiệp vụ thị trường mở phần lớn bao gồm hai quy trình gọi là hợp đồng Repo hoặc Repo ngược. Hợp đồng Repo (như được sử dụng ở Trung Quốc) sẽ loại bỏ bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống khi PBoC bán ra trái phiếu ngắn hạn cho một số ngân hàng thương mại và thu lại nội tệ.
Ngoài ra, họ cũng thực hiện điều ngược lại trong hợp đồng repo ngược, mua lại những hợp đồng đó và trả tiền cho ngân hàng.
Những nghiệp vụ này cho phép PBoC kiểm soát cung tiền và lãi suất trên cơ sở ngắn hạn – tài sản thường được đề xuất trong khung thời gian từ 7 ngày cho tới 28 ngày.
- Tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR)
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc ý muốn nói tới lượng tiền mà các ngân hàng buộc phải giữ trong kho và được tính bằng phần trăm trên tổng lượng tiền gửi. Hạ thấp tỷ lệ RRR sẽ làm gia tăng lượng cung tiền mà các ngân hàng có thể dùng để cho vay tới các doanh nghiệp và cá nhân, và do đó cũng giảm bớt chi phí đi vay.
Còn gia tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ mang lại kết quả trái ngược.
PBoC kiểm soát lãi suất cho vay và tiền gửi kỳ hạn 1 năm – loại lãi suất sẽ ảnh hưởng tới chi phí đi vay của các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân.
Lần gần nhất mà PBoC điều chỉnh loại lãi suất này là vào tháng 10/2015. Hiện NHTW Trung Quốc cho các ngân hàng thương mại xác định lãi suất cho vay trên hoặc dưới mức lãi suất chính thức này.
PBoC cung cấp thêm một phương án lựa chọn cho các ngân hàng: Họ sẽ “tái chiết khấu” (rediscount) những khoản cho vay mà các ngân hàng thực hiện với các khách hàng.
Công cụ chính sách tiền tệ này bao gồm PBoC sẽ mua lại các hợp đồng cho vay hiện hữu từ các ngân hàng thương mại, từ đó mang lại cho các ngân hàng này một chút thanh khoản. Đây là một khái niệm khá phức tạp, vì vậy CNBC cũng dẫn ra một ví dụ minh họa cho quá trình này:
Một khách hàng đi vay 10,000 USD từ một ngân hàng, với lời hứa thanh toán lại 12,500 USD tại một ngày nào đó trong tương lai. Hiểu nôm na, hợp đồng đi vay đó được ngân hàng mua lại với giá là 10,000 USD, ở mức chiết khấu so với mức 12,500 USD mà khách hàng trả lại trong tương lai. Sau đó, ngân hàng này sẽ bán lại hợp đồng này cho PboC, và PBoC chiết khấu lại hợp đồng này ở giá 11,000 USD.
PBoC tính lãi suất trên những khoản vốn mà họ cho vay tới các ngân hàng, qua đó sẽ ảnh hưởng tới chi phí đi vay của hệ thống ngân hàng.
- Cơ chế cho vay thường trực (SLF)
Cơ chế cho vay thường trực (SLF) cũng là một dạng PBoC cho vay tới các ngân hàng thương mại. Được đưa ra trong năm 2013, những khoản cho vay này có kỳ hạn 1-3 tháng – dài hạn hơn các phương án tài trợ như nghiệp vụ thị trường mở (OMO).
Để nhận tiền thông qua cơ chế này, các ngân hàng phải thế chấp bảo đảm tài sản với mức tín nhiệm cao. Điều này có nghĩa, những khoản vốn này thường chỉ dành cho các ngân hàng lớn.
- Cơ chế cho vay trung hạn (MLF)
Các ngân hàng Trung Quốc vay vốn có kỳ hạn dài hơn – thường 3 tháng tới 1 năm – từ PBoC thông qua Cơ chế cho vay trung hạn (MLF). Kênh tài trợ vốn này ra đời trong năm 2014, cho phép NHTW bơm vốn vào hệ thống ngân hàng và tác động tới lãi suất của các khoản vay dài hạn.
Cũng như cơ chế cho vay thường trực (SLF), các ngân hàng phải thế chấp để nhận vốn. Tuy nhiên, không giống như SLF, phạm vi tài sản thế chấp được chấp nhận rộng hơn theo cơ chế trung hạn. Đó là bao gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu của chính quyền địa phương và các khoản vay của các công ty nhỏ có độ tín nhiệm cao.
- Cho vay bổ sung có đảm bảo (PSL)
Là một trong những công cụ chính sách tiền tệ mới nhất ở Trung Quốc, cơ chế cho vay bổ sung có đảm bảo được tung ra để dẫn dắt lãi suất dài hạn và cung tiền. Cơ chế này được sử dụng để bơm vốn vào một số ngân hàng được lựa chọn và từ đó, các ngân hàng sử dụng lượng vốn này để cung cấp khoản vay tới một số lĩnh vực nhất định như nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và tái thiết khu nhà ổ chuột.
Chính sách tiền tệ Trung Quốc đã phát triển ra sao?
Trong quá khứ, PBoC phần lớn tập trung quản lý nguồn cung tiền trong nền kinh tế và thiết lập hạn ngạch về việc các ngân hàng có thể cho vay bao nhiêu. Tuy nhiên, PBoC đã thay đổi trong năm 2018 khi họ ngừng thiết lập những mục tiêu cụ thể đó.
Thay vào đó, Trung Quốc muốn thiết lập một cơ chế lãi suất giống như Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Theo các chuyên viên phân tích, có khả năng là một “hành lang lãi suất” (interest rate corridor) với mức trần và sàn do PBoC thiết lập, theo đó cho phép thị trường thiết lập lãi suất trong phạm vi do PBoC đề ra.
Tuy nhiên, PBoC vẫn còn đang xem xét đến vấn đề này.
PBoC có thể làm điều gì khác?
Một trong những trách nhiệm then chốt của PBoC là duy trì sự ổn định của đồng Nhân dân tệ. Bên cạnh việc quản lý cung tiền và lãi suất, NHTW Trung Quốc dẫn dắt diễn biến của đồng Nhân dân tệ so với rổ tiền tệ bao gồm đồng USD, Euro, Yên và Won.
Là một phần của nhiệm vụ trên, PBoC quản lý tài sản ngoại hối của quốc gia, trong đó họ mua vào và bán ra để ổn định đồng Nhân dân tệ trong phạm vi tỷ giá đã dự định từ trước.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|