Chủ tịch Fed St. Louis: Các quốc gia khác sẽ không gỡ bỏ hàng rào thuế quan
Các quốc gia đề cao thương mại tự do trước lời đe dọa thương mại của Mỹ nên bỏ hết các tất hàng rào thuế quan, nhưng họ sẽ không làm thế. Đây là nhận định của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) St. Louis, James Bullard, trong ngày thứ Hai (06/08).
“Tình hình hiện nay là các quốc gia khác đều ủng hộ thương mại tự do, còn Mỹ thì không. Nếu điều đó thực sự là những gì họ nói thì họ nên bỏ hết tất cả hàng rào thuế quan và rào cản phi thuế quan. Nên xuống còn 0%. Đó sẽ là kết quả tốt hơn cho toàn bộ thế giới”, ông Bullard nói trong chương trình "Squawk Box Europe" của CNBC vào ngày thứ Hai (06/08).
“Nhưng tại sao điều đó sẽ không xảy ra? Bởi vì họ đang bảo vệ cho các ngành công nghiệp của họ, và đó là lý do tại sao. Vì vậy, họ là những người theo chủ nghĩa bảo hộ”.
Các thị trường rơi vào thế chênh vênh kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào xung đột thương mại với Trung Quốc và các đồng minh ở Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico vì khoản thâm hụt thương mại mà ông cho là không công bằng giữa Mỹ và các đối tác thương mại. Gần đây nhất, phía Mỹ đe dọa nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Trước tình thế đó, Trung Quốc đe dọa áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong ngày thứ Sáu (03/08).
Các quan chức Trung Quốc kêu gọi tuân thủ theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và phản đối lập trường bảo hộ thương mại. Tuy nhiên, khi xem xét các chính sách của Trung Quốc thì quốc gia này từ lâu đã bảo hộ cho các ngành công nghiệp của mình như ông Bullard chỉ ra.
Bắc Kinh đã trợ cấp nhiều cho các ngành công nghiệp nội địa, tạo ra một sân chơi không bình đẳng đối với cuộc cạnh tranh toàn cầu, và thiếp lập các giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt đối với phần lớn lĩnh vực. Họ không cho phép nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tiếp cận bình đẳng tới các ngành công nghiệp Trung Quốc, và còn buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ (đòi hỏi các doanh nghiệp quốc tế hoạt động ở Trung Quốc phải chia sẻ công nghệ và hoạt động mà không có sự bảo vệ đầy đủ đối với sở hữu trí tuệ). Mỹ và các doanh nghiệp nước ngoài khác đang hoạt động ở Trung Quốc từ lâu đã kêu gọi cải cách trong những lĩnh vực đó.
Có lẽ, trước các áp lực thuế quan, Bắc Kinh đã cam kết đẩy nhanh nhịp độ cải cách để mở cửa nền kinh tế và nới lỏng giới hạn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Châu Âu luôn áp hàng rào thuế quan cao hơn đối với hàng hóa Mỹ
Về phần hàng rào thuế quan, EU thực tế là quốc gia thực hiện biện pháp bảo vệ còn nhiều hơn Mỹ. Theo các tính toán của Viện Kinh tế Quốc tế (CIE), mức thuế quan bình quân mà EU áp lên hàng hóa Mỹ là 5.2%, trong khi mức thuế bình quân của Mỹ chỉ 3.5%.
Một số ví dụ cho thấy EU áp thuế quan cao hơn đối với hàng hóa Mỹ, bao gồm mức thuế nhập khẩu 20% đối với nho và 17% đối với táo. Thế nhưng, Mỹ cũng áp hàng rào thuế quan cao hơn đối với một số hàng hóa châu Âu cụ thể, như mức thuế quan 20% lên các sản phẩm sữa và 25% lên các xe tải nhỏ. Mỗi ví dụ trên có thể được xem là biện pháp bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa.
Ngoài ra, EU cũng áp thuế nhập khẩu 10% lên xe hơi từ Mỹ, trong khi Mỹ chỉ áp thuế nhập khẩu 2.5% đối với xe hơi từ EU. Đây là một mục tiêu mà ông Trump đã đe dọa áp thuế 25% lên xe hơi nhập khẩu từ châu Âu vào cuối tháng 6/2018.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|