7 chính sách quan trọng thúc đẩy tăng trưởng SME Lào
Chính Phủ Lào đang nhấn mạnh đến 7 chính sách chủ chốt nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế Lào cũng như mở rộng thị trường cho các SME, Vientiane Times đưa tin.
Theo đó, tại buổi roadshow Lào – Trung Quốc về Hội nghị Đầu tư và Thương mại vượt biên giới đối với các SME của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), ông Somchit Inthamith, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Lào (MoIC), đã đề cập đến 7 chính sách sau đây nhằm thúc đẩy sự phát triển của các SME Lào.
- Thứ nhất, nâng cao năng suất, công nghệ và phương pháp đổi mới;
- Thứ hai, thúc đẩy khả năng tiếp cận tài chính của các SME;
- Thứ 3, đẩy mạnh khả năng tiếp cận các dịch vụ tư vấn doanh nghiệp;
- Thứ 4, hướng đến hoạt động tiếp thị hiệu quả hơn;
- Thứ 5, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp và đẩy mạnh sự phát triển của lực lượng lao động có tay nghề;
- Thứ 6, tạo thuận lợi cho các hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh;
- Thứ 7, nâng một số khoản thuế và các chính sách hải quan cùng với các loại lệ phí khác.
Các SME được xem là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội và đóng vai trò không thể thiếu trong việc tạo ra công ăn việc làm, đổi mới kỹ thuật, tăng trưởng kinh tế cũng như các khía cạnh phát triển khác.
Ông Somchit cho biết, các SME Lào chiếm khoảng 99% lĩnh vực kinh doanh, nhưng đa số các SME vẫn đang cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các thị trường nội địa. Hầu hết các SME này vẫn còn thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật trong quản trị doanh nghiệp trong khi chất lượng sản phẩm họ cũng còn kém so với các tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Somchit chia sẻ, theo quan điểm thống nhất chung, để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển tốt hơn, cải thiện chất lượng sản phẩm của họ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và mở rộng sang các thị trường thế giới, các SME này cần có sự hợp tác và trợ giúp nhiều hơn nữa từ phía các bộ ngành liên quan cũng như các tổ chức quốc tế và cả các đối tác phát triển khác. Ngoài ra, các vấn đề như nâng cao khả năng quản lý kỹ thuật, phát triển năng lực, lập kế hoạch chiến lược, phát triển thiết bị công nghệ, có phương pháp đổi mới và nguồn tài chính cũng rất cần thiết cho quá trình phát triển của các SME.
Lào hiện đã tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và điều này cũng có nghĩa sẽ mang đến cơ hội lẫn thách thức cho các SME để cải thiện hoạt động kinh doanh của họ nhằm đáp ứng những điều kiện tiên quyết quốc tế.
Ông Somchit lưu ý, các SME chiếm khoảng 96% trong tổng số doanh nghiệp khu vực ASEAN và tạo ra khoảng 50 – 85% việc làm
Mặc dù có những hạn chế - nhiều SME tại Lào đang đối mặt với những thách thức về chất lượng và tiếp thị - nhưng nhiều đơn vị kinh doanh vẫn đang phát triển khi họ nhận được sự hợp tác và hỗ trợ từ các lĩnh vực khác./.
|