Myanmar: Đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt mục tiêu
Bí thư Ủy ban Đầu tư Myanmar (MIC) kiêm Tổng giám đốc Tổng cục Quản lý Đầu tư và Doanh nghiệp Myanmar (DICA), ông Aung Naing Oo mới đây cho biết Myanmar sẽ nhận được gần 7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi kết thúc năm tài chính hiện tại vào ngày 31/03 tới, vượt mức mục tiêu 6 tỷ USD, Eleven Myanmar đưa tin.
Bí thư Ủy ban Đầu tư Myanmar ( MIC) kiêm Tổng giám đốc Tổng cục Quản lý Đầu tư và Doanh nghiệp Myanmar (DICA), ông Aung Naing Oo
|
Ông Aung Naing Oo chia sẻ: “Chúng tôi đã phê duyệt hồ sơ cho 135 doanh nghiệp nước ngoài để thực hiện đầu tư tại Myanmar theo đúng quy định của Luật đầu tư nước ngoài trong suốt năm tài chính này. Ngoài ra, chúng tôi còn phê duyệt 262.59 triệu USD vốn nước ngoài đổ vào vào Đặc khu Kinh tế Thilawa theo Luật về đặc khu kinh tế (SEZ Law) của Myanmar. Tổng số vốn FDI chúng tôi đã phê duyệt trong năm nay dự kiến sẽ là 6.87 tỷ USD”. Bên cạnh đó, ông Aung Naing Oo còn tự tin cho rằng Myanmar sẽ nhận được hơn 7 tỷ USD vốn FDI khi kết thúc năm tài chính này vì có khả năng MIC sẽ phê duyệt hồ sơ cho một số doanh nghiệp nước ngoài nữa tại phiên họp sắp tới diễn ra vào cuối tháng 3 này.
Theo ông Aung Naing Oo, lĩnh vực viễn thông dẫn đầu danh sách nhận được FDI tại Myanmar với 46.6% tổng vốn FDI. Kế đến là lĩnh vực công nghiệp, đạt 17.27%, sản xuất và phân phối điện đạt 13.76%. Các lĩnh vực khác gồm bất động sản (11.31%), khách sạn và du lịch (6.1%), các dịch vụ khác (3.5 %), chăn nuôi và thủy sản (1.46%).
Kế hoạch thúc đẩy FDI của MIC
Nhằm thúc đẩy dòng vốn FDI vào Myanmar, ông Aung Naing Oo cho biết gần đây MIC đã tiến hành ủy quyền phê duyệt đầu tư của mình bằng cách cho phép các ủy ban đầu tư vùng bang phê duyệt khoản đầu tư nước ngoài lên đến 5 triệu USD (tương đương 6 tỷ kyat). Theo ông Aung Naing Oo, việc ủy quyền này nhằm giúp hạn chế những cản trở và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn FDI chảy vào Myanmar theo đúng quy định của Luật đầu tư nước ngoài mới của nước sở tại.
Ông Aung Naing Oo nói: “Các ủy ban đầu tư vùng bang này sẽ do lãnh đạo của các vùng, bang tương ứng quản lý. Từ đây về sau, họ có quyền phê duyệt đầu tư nước ngoài tại các vùng hay ban tương ứng của họ mà không cần phải trình đề xuất đầu tư lên MIC nữa”.
Tuy nhiên, ông Aung Naing Oo cho biết cũng có một số trường hợp ngoại lệ do có những doanh nghiệp có thể gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay những lợi ích quốc gia khác nên việc phê duyệt cần phải trình lên MIC và Myanmar sẽ sớm công bố danh sách những doanh nghiệp bị hạn chế này. Theo ông, nhìn chung những doanh nghiệp bị hạn chế này được chia vào 4 nhóm như sau: Nhóm 1 gồm các doanh nghiệp chỉ do nhà nước quản lý; Nhóm sẽ 2 gồm những doanh nghiệp chỉ do công dân Myanmar quản lý; Nhóm 3 là những doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động dưới hình thức liên doanh giữa công ty trong nước và công ty nước ngoài; Nhóm 4 sẽ gồm cả các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài với điều kiện hồ sơ dự án chỉ được phê duyệt bởi các bộ chuyên ngành tương ứng.
Ông Aung Naing Oo cho biết thêm, hiện MIC đang xem xét để sớm công bố danh sách các ngành nghề được xúc tiến đầu tư. Ngoài ra, để thực hiện áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế, gần đây MIC đã phân chia Myanmar thành 3 vùng, dựa vào tình hình phát triển và cơ cấu hạ tầng hiện hành.
Theo đó, những khu vực ít phát triển được phân vào Vùng 1 và được miễn giảm thuế trong 7 năm. Vùng 2 gồm các khu vực phát triển tương đối và được miễn thuế trong vòng 5 năm. Vùng 3 là những khu vực phát triển được miễn thuế trong 3 năm.
Ông Aung Naing Oo cũng đề cập đến một nỗ lực khác của MIC trong việc thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Myanmar đó là hiện đại hóa Đạo luật doanh nghiệp cũ kỹ của nước này với sự trợ giúp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ông Aung Naing Oo cho biết dự thảo đạo luật đã được trình lên Quốc Hội để phê duyệt và ông cũng đã trình bày những ý chính trước Hạ Viện hồi tháng rồi. Ông kỳ vọng dự thảo đạo luật này sẽ được thảo luận tại phiên họp nghị viện sắp tới và sẽ được thông qua vào cuối năm nay./.
|