Thứ Ba, 21/03/2017 20:00

Động thái hạ trần lãi suất tài chính vi mô của THTW Campuchia có được ủng hộ?

Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) đã quyết định hạ mức trần lãi suất đối với các tổ chức tài chính vi mô (MFI), các tổ chức tài chính vi mô nhận tiền gửi (MDI) và các tổ chức tín dụng nông thôn được cấp phép xuống còn 18%/năm nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, khống chế tình trạng nợ nần quá nhiều và giảm tỷ lệ nghèo đói, Khmer Times đưa tin.

Theo đó, ngày 13/03, NBC đã thông báo quyết định ấn định mức trần lãi suất 18% của mình “để hỗ trợ chính sách của Chính phủ nhằm bảo vệ người dân, đặc biệt là những người nghèo, đồng thời hạn chế tình trạng nợ nần, giảm nghèo đói cũng như nhằm bảo vệ khách hàng tránh tình trạng bị các tổ chức tài chính tính lãi suất cao và sử dụng tín dụng hiệu quả hơn bằng cách thận trọng hơn trong việc giải ngân các khoản vay”. Theo NBC, mức trần lãi suất mới này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/04/2017.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ trên trang cá nhân của ông Chheang Vun, người phát ngôn của Quốc Hội, mức trần lãi suất mới này sẽ được áp dụng cho tất cả các khoản vay đã giải ngân chứ không chỉ riêng các khoản vay mới. Ông viết: “Việc sắp xếp lại thủ tục vay vốn được dựa trên các tiêu chuẩn rõ ràng và chính xác đã được thực hiện ở Pháp và các quốc gia khác. Vì thế, mức trần lãi suất 18% sẽ chỉ không áp dụng đối với các khoản vay sau ngày 13/03.”

Tuy nhiên, động thái trên của NBC đã không nhận được nhiều ủng hộ từ phía những người trong ngành. Một số người cho rằng đây chính là động thái lợi bất cập hại bởi nó ảnh hưởng đến cả các tổ chức cho vay và người nghèo do sự hạn chế tiếp cận vốn vay. Theo ý kiến của một số nhà phân tích, quyết định bất ngờ này của NBC có thể khiến hàng tá MFI bị phá sản đồng thời làm cạn kiệt các kênh tín dụng dành cho người nghèo.

Theo Giám đốc điều hành Stephen Higgins của Công ty Nghiên cứu Mekong Strategic Partners, mức trần lãi suất này là chính sách công không hiệu quả và có thể làm hạn chế khả năng tiếp cận tài chính của người nghèo, nhất là những người chỉ vay mượn những khoản tiền nhỏ, như các hộ nông dân nhỏ cần vốn để mua hạt giống hay phân bón. Ông nói: “Họ đơn giản sẽ không thể vay vốn được từ hệ thống tài chính thính thức, thế là một số người buộc phải quay sang vay mượn của những tay cho vay nặng lãi”. 

Ông nói thêm: “Đứng ở khía cạnh vĩ mô, động thái này cũng sẽ gây tổn hại cho Campuchia do lĩnh vực MFI đã rót rất nhiều tiền mặt vào các vùng nông thôn trong những năm gần đây và giờ đây điều này sẽ đảo ngược trở lại”.

Theo NBC, tính đến cuối năm 2016 Campuchia có 54 MFI và 7 MDI được cấp phép với tổng số 1.9 triệu khách hàng và doanh mục nợ gộp là 3 tỷ USD. Bên cạnh đó, một số ngân hàng có tiếng như Acleda Bank và Sathapana Bank cũng cung cấp một lượng lớn các khoản vay vi mô cho các hộ nông dân, các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng.

Ông Stephen Higgins dự đoán việc áp mức trần lãi suất mới của NBC sẽ đẩy 7 MDI trước đây từng là những doanh nghiệp hoạt động có lãi rơi vào tình trạng thua lỗ.

Tính toán tính ảnh hưởng của mức trần lãi suất 18% đối với lợi nhuận ròng dựa trên các báo cáo tài chính năm 2016 của các MDI, ông Higgins nói: “Về cơ bản, doanh thu của các MDI sẽ mất đi ít nhất 122 triệu USD thay vì lợi nhuận 119 triệu USD”.

Ông nói thêm, các tổ chức tài chính, thậm chí các tổ chức có cơ chế quản lý tốt - vốn hoạt động dựa trên các khoản cho vay nhỏ - sẽ không thể sống sót trong một môi trường mới này nếu họ không áp các mức phí cao hơn khi áp dụng mức lãi suất thấp hơn này.

Theo quan điểm của Chủ tịch kiêm CEO Sim Senacheert của Tổ chức Tài chính vi mô hàng đầu Prasac, ngành tài chính vi mô đã và đang giảm lãi suất qua các năm. Cụ thể, họ đã hạ hơn 20%. 

Ông nói: “Chúng ta đã chứng kiến được lãi suất luôn giảm theo khuynh hướng cung cầu của thị trường. Tuy nhiên, tôi nghĩ động thái này sẽ ảnh hưởng đến các tổ chức tài chính vi mô bởi vì ngành này có chi phí hoạt động cao do tất cả chúng tôi đều có chi nhánh ở khắp cả nước và ở các xã gần với khách hàng chứ không giống như các ngân hàng chủ yếu hoạt động ở thành phố”.

Ông nói thêm: “Một khi lãi suất ở mức thấp, một số tổ chức sẽ không thể chống chọi được, và điều này sẽ ảnh hưởng đến khách hàng vay do họ không thể dễ dàng vay được những khoản vay nhỏ vì khi đó các nhà cho vay sẽ dịch chuyển sang các khoản vay lớn hơn đồng thời họ cũng sẽ thu nhỏ quy mô hoạt động để hạn chế chi phí. Điều này sẽ đẩy khách hàng vay quay sang tìm kiếm những nhà cho vay tính lãi đắt đỏ trên thị trường cho vay không chính thức”.

Đồng tình với những quan điểm trên, nhà tư vấn cấp cao Ngeth Chou của Emerging Markets Consulting (EMC), cũng đoán rằng chỉ có những nhà cung cấp tín dụng vi mô lớn nhất mới có thể thích nghi được với động thái hạ lãi suất bất ngờ và vội vả của NBC. Ông nói: “Nhìn chung, có lẽ chỉ có một số MFI như Prasac, Sathapana và HKL mới có thể ‘sống sót’, còn tất cả các tổ chức còn lại sẽ không thể chịu đựng được”.

Theo ông Chou, quyết định áp mức trần lãi suất tài chính vi mô hàng năm 18% (gần một nửa mức lãi suất mà các MFI thường áp dụng) của NBC sẽ biến hoạt động cho vay vi mô thành hoạt động thua lỗ.

Ông cho rằng những MFI tập trung vào cho vay những khoản vay nhỏ sẽ bị tác động nhiều nhất do họ phải cho vay với mức lãi suất từ 23% đến 25% mới có thể bù lỗ các chi phí hoạt động cơ bản và chi phí kinh phí nguồn cao.

Hơn nữa, ông Chou còn dự đoán đến tình huống sụp đổ của lĩnh vực tài chính vi mô sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng mà các hộ nghèo ở nông thôn phải gánh chịu. Ông nói: “Khách hàng nông thôn sẽ không thể tiếp cận các dịch vụ tín dụng như họ từng được cung cấp trong những tình huống họ cần tài chính cấp bách”.

Theo nghiên cứu của EMC, 37% khách hàng của các MFI vay tiền để đáp ứng nhu cầu thực phẩm và hơn 25% mượn tiền để trang trải chi phí khám chữa bệnh.

Và ông Chou cũng nói thêm: “Những khách hàng trước đây sẽ phải chuyển sang mượn tiền của những nhà cho vay tư nhân với mức lãi suất thường được tính từ 5% đến 10% mỗi tháng, đắt đỏ hơn nhiều so với lãi suất các MFI từng áp dụng”.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến phản đối cũng có một số quan điểm ủng hộ quyết định áp mức trần lãi suất của NBC dù rằng họ cảm thấy bất ngờ trước đông thái vội vả này của Chính phủ.

Chủ tịch kiêm CEO Hout Ieng Tong của Công ty Hattha Kaksekar Limited đồng thời là Chủ tịch của Hiệp hội Tài chính vi mô Campuchia (CMA) hoan nghênh quyết định của NBC và cho rằng đây chính là tin vui cho người tiêu dùng nhưng ông cũng cho rằng thông báo này của Ngân hàng Trung ương có vẻ hơi vội sau những hành động gần đây của Chính phủ và có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của lĩnh vực tài chính.

Ông Hattha Kaksekar chia sẻ: “Chúng tôi không phản đối quyết định của Chính phủ. Thế nhưng điều này có lẽ hơi vội do chúng tôi mới được thông báo về việc thay đổi lô gô và giờ thì quyết định mới này lại được đưa ra. Tôi nghĩ điều này cần có thêm thời gian để thảo luận”.

Nhà phân tích Scott Osheroff của Công ty Asia Frontier Capital cho rằng trong khi mức trần lãi suất chắc chắn sẽ làm xáo trộn thị trường trong ngắn hạn do khối nợ tiêu dùng đang tăng dần nhưng “có khả năng đem lại lợi ích cho Campuchia trong trung hạn”.

Ông nói: “Việc áp mức trần lãi suất và các yêu cầu về vốn tăng lên rất có khả năng sẽ khiến các MFI phải củng cố hoạt động của mình. Tuy nhiên, điều này phần lớn là một tin tốt do có quá nhiều tổ chức trong lĩnh vực này và rất nhiều trong số này đã và đang cố gắng chống chọi để tồn tại trong thời gian qua”./.

Các tin tức khác

>   Myanmar: Bài toán nan giải về vấn đề lãi suất và lạm phát cao (21/03/2017)

>   Myanmar: Ưu tiên xuất khẩu để đạt mục tiêu thương mại (18/03/2017)

>   Campuchia: Đô la hóa cao hạn chế khả năng chống lạm phát của NHTW (11/03/2017)

>   Lào tiếp tục đối mặt với thâm hụt ngân sách cao (10/03/2017)

>   NHTW Myanmar khuyến khích sử dụng kyat nhằm kiềm chế lạm phát (10/03/2017)

>   Lạm phát tháng 1/2017 của Lào ở mức cao trong khối ASEAN (10/03/2017)

>   Kinh tế Lào có thể tăng trưởng 7% trong năm nay (12/02/2017)

>   Lào là một điểm đến mới của các nhà đầu tư Nhật Bản (09/02/2017)

>   Campuchia, Lào và Myanmar sẽ tăng trưởng nhanh nhất châu Á? (18/01/2017)

>   Đưa quan hệ Việt - Lào đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất (24/11/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật