Thứ Ba, 21/03/2017 22:05

Myanmar: Bài toán nan giải về vấn đề lãi suất và lạm phát cao

Lĩnh vực ngân hàng sôi động và mạnh mẽ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Thế nhưng, đối với Myanmar, các doanh nghiệp tại đây vẫn vấp phải khó khăn trong việc tìm kiếm hỗ trợ tài chính từ phía các ngân hàng do lãi suất cho vay cao và yêu cầu tài sản đảm bảo cho các khoản vay, theo The Myanmar Times.

Phát biểu tại Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar (UMFCCI ) hôm 18/02, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Tài chính Myanmar (MOPF), ông U Kyaw Win cho biết một số kế hoạch đã được đưa ra thảo luận nhằm giảm lãi suất ngân hàng sao cho phù hợp với thực trạng trên.

Phó thống đốc U Set Aung của Ngân hàng Trung ương Myanmar (CBM) cũng cho biết các cuộc đàm phán giữa CBM và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã diễn ra, qua đó lãi suất ngân hàng sẽ chỉ được cắt giảm dựa trên khuynh hướng của lạm phát trong nước.

Thực tế, dù lãi suất ngân hàng tại Myanmar cao so với các nước khác trong khu vực nhưng vẫn được xem là không quá cao so với mức lạm phát tại quốc gia này. Đây là lý do các chuyên gia cho rằng lạm phát và lãi suất là 2 vấn đề không thể tách rời tại Myanmar.

Được biết, hiện CBM ấn định lãi suất tiền gửi tối thiểu là 8.25% và lãi suất cho vay tối đa là 13%.

Mức lãi suất 13% trên là một thách thức lớn cho những ai cần tìm nguồn vốn. Bên cạnh đó, yêu cầu phải có tài sản đảm bảo cho các khoản vay trở thành rào cản chính cho các doanh nghiệp trong nước muốn tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng.

“Vốn đầu tư rất cần thiết đối với việc thành lập một doanh nghiệp. Thậm chí ngay cả một công ty gia đình cũng không thể có được hỗ trợ tài chính đầy đủ khi có nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh. Nếu chúng tôi tìm đến các khoản vay ngân hàng thì mức lãi suất 13% là quá cao”, U Nay Lin Zin, một thương nhân chia sẻ.

Trong khi đó, để giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng sẽ phải hạ lãi suất tiền gửi. Hiện nay, các ngân hàng tư nhân ở Myanmar đang áp dụng mức lãi suất 8.5% cho các khoản tiền gửi không kỳ hạn và 10% cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 1 năm trở lên. Một số ngân hàng thậm chí còn áp dụng mức lãi suất lên đến 12% đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 3 năm trở lên.

Theo các báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện tỷ lệ lạm phát của Myanmar là 7.76% nhưng mức lạm phát hàng năm còn cao hơn 10% khi tính bình quân. Việc so sánh giữa mức lãi suất tiền gửi 10% và tỷ lệ lạm phát ngày càng tăng cho thấy những người gửi tiền chỉ thu được khoản lợi nhuận nhỏ nhoi.

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, do thực trạng như thế nên nếu các ngân hàng hạ lãi suất tiền gửi thì điều này sẽ dẫn đến tình huống không còn ai muốn gửi tiền vào các ngân hàng nữa. Vì thế, theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, cần giảm tỷ lệ lạm phát xuống thấp hơn mức lãi suất ngân hàng.

Theo các nguồn tin không chính thức, những nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao tại Myanmar hiện nay gồm có thâm hụt ngân sách, sự suy yếu của đồng kyat trên các thị trường ngoại hối và dòng tiền bí mật. Các chuyên gia kinh tế cho rằng do lượng tiền tệ lưu thông trên thị trường nội địa Myanmar quá lớn nên dẫn đến lạm phát gia tăng tại quốc gia này.

Về thâm hụt ngân sách, chuyên gia kinh tế U Zaw Phay Win cho rằng: “Do chi ngân sách nhiều nhưng không có khoản thu tiền tệ xác định nên lượng tiền tệ lưu thông trở nên quá lớn và vì thế lạm phát bắt đầu diễn ra. Đó là lý do tại sao chúng ta cần kiểm tra kỹ nguồn tài chính và cắt giảm chi ngân sách. Một số giải pháp cần được thực hiện để chuyển hướng dòng lưu thông tiền tệ trên thị trường trong nước sang các ngân hàng. Khi dòng tiền được chuyển sang lĩnh vực ngân hàng, lúc đó có lẽ dòng tiền sẽ chỉ được kiểm soát bằng lãi suất. Nếu lãi suất giảm, dòng vốn sẽ chảy ra bên ngoài. Tuy nhiên, nếu lãi suất tiền gửi cao thì điều này cũng có thể tác động đến các khoản vay. Những gì cần thực hiện đối với Myanmar là nghiên cứu một giải pháp mang tính hệ thống để giải quyết vấn đề này”.

Ông U Soe Thein, từng là Phó Tổng Giám đốc Bộ phận Ngân sách trực thuộc MOPF lý giải: “Lãi suất thật sự rất cao, nhưng khi được đem ra xem xét cùng với tỷ lệ lạm phát thì chúng ta không thể nói mức lãi suất cao được nữa. Lãi suất của các ngân hàng được tính toán dựa trên tỷ lệ lạm phát. Nếu chúng ta giảm lãi suất ngân hàng trong khi lạm phát vẫn còn cao, khi đó sẽ dẫn đến bi kịch”.

Ông nói thêm: “Các ngân hàng đang vận hàng dựa trên ‘khoảng trống’ giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi. Nếu chúng ta giảm số lượng các khoản vay ngân hàng nhưng không thể giảm lãi suất tiền gửi, các ngân hàng chắc chắn sẽ phá sản. Thật sự chưa có một giải pháp đơn giản nào cả”.

Myanmar hiện là thành viên của Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) đồng thời đã ký kết tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Do hạn chót để Myanmar tham gia AEC là đến năm 2018 nên Myanmar vẫn còn thời gian để đáp ứng các điều kiện cần thiết.

Các doanh nghiệp tại quốc gia này cần phát triển về mặt công nghệ và cải tiến chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với các nước láng giềng. Đảm bảo kinh phí là một khía cạnh quan trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng của các công ty ở Myanmar. Thế nhưng, các doanh nghiệp Myanmar lại đang vấp phải cản trở về lãi suất ngân hàng cao và khó tiếp cận các khoản vay. Trong khi đó, các công ty ở những nước láng giềng đã hưởng được rất nhiều hỗ trợ trong việc huy động vốn do lãi suất ngân hàng tại các nước đó thấp hơn so với lãi suất tại Myanamar./.

Các tin tức khác

>   Myanmar: Ưu tiên xuất khẩu để đạt mục tiêu thương mại (18/03/2017)

>   Campuchia: Đô la hóa cao hạn chế khả năng chống lạm phát của NHTW (11/03/2017)

>   Lào tiếp tục đối mặt với thâm hụt ngân sách cao (10/03/2017)

>   NHTW Myanmar khuyến khích sử dụng kyat nhằm kiềm chế lạm phát (10/03/2017)

>   Lạm phát tháng 1/2017 của Lào ở mức cao trong khối ASEAN (10/03/2017)

>   Kinh tế Lào có thể tăng trưởng 7% trong năm nay (12/02/2017)

>   Lào là một điểm đến mới của các nhà đầu tư Nhật Bản (09/02/2017)

>   Campuchia, Lào và Myanmar sẽ tăng trưởng nhanh nhất châu Á? (18/01/2017)

>   Đưa quan hệ Việt - Lào đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất (24/11/2016)

>   Thúc đẩy các dự án hợp tác Việt Nam-Lào (05/11/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật