Campuchia: Tăng sử dụng đồng riel có thể giúp nâng dự trữ ngoại hối
Tình trạng đô la hóa nền kinh tế đang làm hạn chế khả năng mở rộng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Campuchia, qua đó khiến quốc gia này dễ bị tác động hơn các nước làng giềng, Khmer Times cho biết.
Sau 20 năm kể từ khi bắt đầu tích trữ dần dự trữ ngoại hối với 276 triệu USD, Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) đã cẩn thận xây dựng cho mình năng lực quản lý ngoại hối, đồng thời đã và đang nâng dần tỷ lệ dự trữ từ 15 – 20% mỗi năm trong khoảng một thập kỷ qua. Nhờ đó, hiện dự trữ ngoại hối của Campuchia lên mức khoảng 6.8 tỷ USD. Bên cạnh đó, NBC cũng đã thành lập Tổ Quản lý Dự trữ Ngoại hối (FRMT) gồm khoảng 40 thành viên do Phó tổng giám đốc Ngân hàng Trung ương Kimty Kormoly giám sát.
Chia sẻ gần đây trên Khmer Times về tình hình dự trữ ngoại hối, kế hoạch thúc đẩy sử dụng đồng riel của NBC cũng như vai trò của FRMT, ông Kormoly luôn tỏ ra lạc quan và tin rằng việc gia tăng sử dụng đồng nội tệ sẽ góp phần làm gia tăng khối lượng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương.
Nói về FRMT, ông Kormoly nhanh chóng nhắc đến việc rất nhiều ngân hàng trung ương của các nước trên thế giới, ngân hàng tư nhân cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã mang đến sự hỗ trợ quan trọng cho sự phát triển của FRMT, đồng thời không ngừng đưa ra lời khuyên và đào tạo kỹ thuật khi NBC triển khai.
Ông Kormoly mô tả FRMT như “một nhóm thận trọng” trong việc quản lý dự trữ ngoại hối nhằm đảm bảo tỷ lệ dự trữ luôn ở mức an toàn, có tính thanh khoản cao và là một kênh đầu tư mang lại doanh thu. Được biết, mức dự trữ ngoại hối của Campuchia hiện tương đương với giá trị của 5 tháng nhập khẩu của năm 2016, cao hơn đáng kể so mới mức đề xuất 3.5 tháng của IMF.
Dẫu vậy, mức dự trữ ngoại hối hiện nay của Campuchia vẫn thấp hơn so với các nước láng giềng như Thái Lan và Việt Nam. Dự trữ ngoại hối tính đến tháng 01/2017 của Thái Lan là 171.14 tỷ USD và của Việt Nam tính đến tháng 10/2016 là 37.24 tỷ USD. Các mức dự trữ ngoại hối này đã giúp Việt Nam và Thái Lan có thể đối phó với những cú sốc bên ngoài hay bất cứ sự khủng hoảng nào xảy ra trong hệ thống tài chính của mình. Một mức dự trữ ngoại hối cao còn có thể tạo dựng được niềm tin về một Ngân hàng Trung ương có đủ năng lực đảm bảo tỷ giá ngoại hối và giá cả bình ổn đồng thời cũng xây dựng được niềm của nhà đầu tư.
Đề cập mức đô la hóa cao trong nền kinh tế Campuchia - hơn 80% các khoản tiền gửi ngân hàng bằng USD, ông Kormoly cho rằng đây là một cản trở chính đến khả năng mở rộng dự trữ ngoại hối của NBC. Ông giải thích: “Sự lưu thông nhiều đồng riel trong hệ thống tài chính có thể giúp NBC mua được nhiều dự trữ ngoại hối hơn”.
Ông nói thêm: “Chúng ta cần vực dậy khả năng kiểm soát chính sách tiền tệ, nhưng câu hỏi đặt ra là việc này sẽ diễn ra nhanh đến mức nào”.
Ông Kormoly lý giải, sau khi nghiên cứu kỹ biện pháp giảm tình trạng đô lá hóa của các quốc gia khác, NBC đang cẩn thận triển khai kế hoạch để đạt được mục tiêu này. Để tránh những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra, NBC sẽ áp dụng biện pháp “nhẹ nhàng” theo hướng xúc tiến việc sử dụng đồng nội tệ thay vì hạn chế sử dụng các đồng tiền khác.
Ông Kormoly lạc quan tin rằng NBC sẽ đạt được mục tiêu độc lập về chính sách tiền tệ; hệ thống ngân hàng có rất nhiều cơ hội để phát triển và khoảng 2 triệu người dân Campuchia có tài khoản ngân hàng.
Ông Kormoly cho biết NBC đang nâng dần lượng riel bơm vào nền kinh tế mỗi năm với tỷ lệ khoảng 10%. Ông nói thêm: “Niềm tin đối với đồng riel và NBC đang tăng dần”. Một kế hoạch quốc gia nhằm xúc tiến việc sử dụng đồng riel thông qua sự tham vấn của một số bộ ngành đã được vạch ra và đang chờ sự phê duyệt của Hội đồng Bộ trưởng.
Ông Kormoly cũng đề cập đến một sự tiến triển khác có thể củng cố thêm cho mục tiêu độc lập về chính sách tiền tệ của NBC, đó chính là thế hệ trẻ đầy năng lực. Ông nói: “Thế hệ lớn tuổi sắp về hưu và thế hệ mới sẽ thay thế chúng tôi. Họ là những người minh bạch hơn, tự tin hơn và ngày càng công bố nhiều thông tin hơn đến với công đồng”./.
|