CPI tháng 8 gia tăng, chứng khoán cuối tháng 8 sẽ phục hồi
Với diễn biến nền kinh tế ổn định trong chu kỳ tính CPI tháng 8/2015, các chuyên gia nhìn nhận chỉ số này sẽ tiếp tục gia tăng, tuy nhiên mức tăng sẽ không cao. Còn đối với thị trường chứng khoán (TTCK), các chuyên gia cũng nhìn nhận rất tích cực khi cho rằng xu hướng chính sẽ là hồi phục.
CPI tháng 8 tiếp tục tăng trưởng ổn định
“CPI tháng 8/2015 sẽ tăng từ 0.2-0.22% so với tháng 7/2015 do một số nhân tố như giá xăng dầu, tỷ giá hay thậm chí đến từ hoạt động của các doanh nghiệp”. Đây là dự báo của ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh – Tổng Giám đốc CTCK Sen Vàng (GLS).
Theo ông Chinh, giá xăng dầu trong thời gian vừa qua đã được điều chỉnh giảm, tuy mức giảm không mạnh nhưng sẽ có ảnh hưởng tích cực hơn đến các doanh nghiệp vận tải.
Về mặt tỷ giá, do Việt Nam là nước có hoạt động nhiều với Trung Quốc (nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu) nên việc phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ giúp các doanh nhập khẩu hưởng lợi và kinh tế Việt Nam phần nào cũng được hưởng lợi.
Cùng quan điểm, ông Trương Hiền Phương – Giám đốc môi giới CTCK KIS Việt Nam (KIS) cho rằng “chỉ số CPI tháng 8/2015 sẽ tiếp tục tăng nhưng không có đột biến”.
Với ông Phương, tỷ giá sẽ là nhân tố chính tác động đến chỉ số CPI tháng 8 vì thông qua tỷ giá các mặt hàng khác sẽ có khuynh hướng tăng trải đều. Ngoài ra, việc giá xăng giảm cũng có tác động đến rổ tính CPI nhưng không nhiều.
Trên cơ sở biến động của chỉ số CPI 7 tháng đầu năm cùng dự báo trong tháng 8, ông Phương cho rằng CPI cả năm 2015 sẽ không biến động nhiều, biên độ có thể dao động trong khoảng +/- 2% so với dự báo hồi đầu năm.
Cũng cho rằng “CPI tháng 8/2015 sẽ giữ được mức tăng và dự báo sẽ tăng trong khoảng từ 0.2-0.3%” nhưng bà Trần Hải Yến – Chuyên viên vĩ mô của CTCK Bảo Việt (BVS) có cái nhìn khác biệt hơn.
Theo bà Yến, mức tăng của chỉ số CPI đến từ việc nền kinh tế đang được duy trì ổn định và các mặt hàng cơ bản trong rổ tính CPI vẫn giữ được mức tăng so với tháng trước chứ không có yếu tố tác động gây áp lực gia tăng. Nếu có thì tác động đáng kể nhất là yếu tố thời vụ của một số mặt hàng tiêu dùng nhưng biến động cũng không nhiều.
Về vấn đề giá xăng giảm, do mức điều chỉnh không lớn nên tác động không mạnh đến mặt bằng giá chung trên thị trường. Còn về câu chuyện tỷ giá, tuy có thay đổi và đang là nhân tố được nhắc đến nhiều nhất trên thị trường nhưng sự biến động này không nằm trong chu kỳ tính CPI tháng 8 nên cũng sẽ không tác động nhiều. Phản ứng rõ hơn về yếu tố này sẽ được thể hiện qua các tháng tới trong giai đoạn cuối năm.
Giá cổ phiếu giảm chính là cơ hội tốt để mua
Với thị trường chứng khoán cho giai đoạn còn lại của tháng 8/2015, các chuyên gia nhìn nhận sẽ có sự hồi phục và thông tin mở room sẽ là nhân tố tác động đáng kể.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, thông tin chi tiết về nới room được ban hành trong giai đoạn còn lại của tháng 8 là nhân tố đang được nhà đầu tư chờ đợi. Những cổ phiếu nóng, tăng trưởng và gần kín room nước ngoài sẽ được quan tâm mạnh hơn từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, mà đặc biệt những cổ phiếu này đều là nhóm cổ phiếu lớn và có ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Việc các cổ phiếu lớn được quan tâm mua vào sẽ là nhân tố giúp chỉ số gia tăng.
Với nhìn nhận này, ông Chinh dự báo trong thời gian còn lại của tháng 8, VN-Index có thể lên vùng 610 - 615 điểm. Còn với trường hợp thanh khoản ở mức thấp và tâm lý thị trường không tốt thì VN-Index khả năng sẽ dao động trong vùng 570 - 580 điểm.
Còn theo ông Trương Hiền Phương, việc điều chỉnh sẽ sớm kết thúc khi VN-Index giảm nhanh đến vùng hỗ trợ mạnh là 575 điểm và nhà đầu tư không còn mạnh tay trong việc bán ra.
Thông tin về Hiệp định thương mại TPP, Thông tư 74 và Nghị định 60 về mở room cho nhà đầu tư nước ngoài được ban hành trong giai đoạn sắp tới sẽ giúp cho thị trường tăng trưởng tích cực hơn. Do đó ông Phương khuyến nghị nhà đầu tư không nên bán tháo theo tâm lý bầy đàn để tránh thiệt hại và nên chọn lựa cổ phiếu đã kín room có nền tảng kinh doanh, lợi nhuận tăng trưởng đáng kể hay cổ phiếu được hưởng lợi từ Hiệp định TPP và ngành bất động sản để giải ngân dần trong những lúc thị trường giảm. Giá giảm chính là cơ hội tốt để mua.
Chi tiết hơn, ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc khối phân tích CTCK Bảo Việt (BVS) dự báo “trong hai tuần cuối tháng 8/2015, xu hướng chủ đạo sẽ là hồi phục nhưng mang tính phân hóa cao. Và khả năng VN-Index sẽ lên vùng kháng cự quanh 600 điểm”.
Về nhân tố tác động, ông Bình cho rằng sẽ có 3 yếu tố chính. Thứ nhất là chính sách mở room. Những thông tin chính thức và chi tiết về mở room sẽ là điểm đỡ mạnh cho thị trường và ông đánh giá cao nhóm doanh nghiệp đơn ngành vì khả năng sẽ được nới room trước.
Thứ hai là triển vọng về Hiệp địnhTPP khi nhóm họp trở lại vào cuối tháng 8/2015 nhưng vấn đề này sẽ không tác động mạnh trong tháng 8 mà thay vào đó là đầu tháng 9.
Cuối cùng là câu chuyện của Trung Quốc, đây là nhân tố đã và đang tác động nhưng theo ông Bình nhà đầu tư đang quen dần nên tác động đến thị trường sẽ không còn nhiều.
Tuy nhiên, ông Bình cho biết ba yếu tố này chỉ tác động trong ngắn hạn, còn dài hạn thì kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quyết định. Đặc biệt là nhóm ngân hàng và dầu khí.
Duy Hoàng
|