Góc nhìn 20/8: Giông tố sắp tan?
Hai phiên biến động mạnh và mốc 570 điểm vẫn được duy trì là một điểm nhấn tích cực. Nó chưa khẳng định chắc chắn rằng đây là vùng điểm an toàn nhưng rõ ràng hiệu ứng xấu nhất đã qua. Áp lực bán ròng của khối ngoại bắt đầu mạnh dần lên cũng là dấu hiệu đáng lưu ý trong thời điểm hiện tại
Hiệu ứng xấu đã qua
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): Thị trường đảo chiều rất nhanh sau khi có thông tin về việc Thông tư hướng dẫn nghị định 60 được ban hành. Từ mức giảm hơn 10 điểm, chỉ số VN-Index tăng trở lại thậm chí có thời điểm tăng nhẹ. Có thể thấy rõ tâm lý của nhà đầu tư vẫn luôn trong trạng thái đám đông hoặc cũng có thể do việc đánh xuống gây áp lực mua vào.
Nhà đầu tư có vẻ như đã tăng thái quá mọi vấn đề lên khi NHNN nới biên độ thêm 1% đồng thời phá giá VNĐ 1%. Với biên độ rộng ra thành 3% thì ngắn hạn mọi giao dịch sẽ diễn biến sát trần, nhưng trong thời gian tới khi có điều kiện thu hẹp biên độ trở lại sẽ dễ dàng. IVS cho rằng điều này nên được nhìn nhận ở khía cạnh tích cực hơn bởi động thái này sẽ giúp cho khu vực này trở nên ổn định và điều hành sẽ dễ thở hơn.
Hai phiên biến động mạnh và mốc 570 điểm vẫn được duy trì là một điểm nhấn tích cực. Nó chưa khẳng định chắc chắn rằng đây là vùng điểm an toàn nhưng rõ ràng hiệu ứng xấu nhất đã qua. Chỉ có điều đầu tư trở lại thì mua cổ phiếu nào mới là khó khi những biến động hiện nay sẽ có tác động rất lớn tới KQKD của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Trạng thái điều chỉnh giảm tiếp tục quay trở lại
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Động thái nới lỏng biên độ của NHNN cũng sẽ có tác động tiêu cực lên tình hình kinh tế vĩ mô. Trước hết sẽ tác động tiêu cực lên diễn biến nợ công của Việt Nam trong bối cảnh 80% nợ nước ngoài của Việt Nam là bằng đồng USD (tổng lượng nợ nước ngoài của Việt Nam theo thống kê của World Bank tính tới thời điểm hiện tại ở mức 55.2 tỷ USD, chiếm 27.3% tổng GDP). Việc nới 1% tỷ giá sẽ khiến dư nợ nước ngoài tăng thêm khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Điều này khiến áp lực trả nợ nước ngoài tiếp tục tăng cao trong khi nguồn thu sụt giảm vì giá dầu thế giới giảm mạnh.
Thứ hai, việc giảm giá VNĐ sẽ tác động mạnh tới tâm lý đầu cơ ngoại tệ và vàng của người dân, nhất là trong bối cảnh lãi suất huy động đang giữ ở mức thấp, qua đó khiến nguồn cầu ngoại tệ tăng cao tạo áp lực ngược trở lại lên diễn biến tỷ giá. Ngoài ra, diễn biến điều chỉnh tăng tỷ giá cũng khiến một số mặt hàng trong nước điều chỉnh tăng trong thời gian tới gây áp lực lên CPI trong các tháng còn lại của năm.
Như vậy sau phiên bật tăng kỹ thuật tích cực ngày hôm trước, trạng thái điều chỉnh giảm tiếp tục quay trở lại với những diễn biến bất lợi từ tỷ giá. Áp lực bán ròng của khối ngoại bắt đầu mạnh dần lên cũng là dấu hiệu đáng lưu ý trong thời điểm hiện tại. Theo đó, SHS tiếp tục khuyến nghị giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức thấp. Hành động bắt đáy nên diễn ra tại các cổ phiếu mà nhà đầu tư nắm rõ có thông tin tích cực và nên tiến hành với tỷ trọng thấp.
Củng cố cho những tín hiệu tạo đáy ngắn hạn
CTCK MB (MBS): Thị trường vẫn tiếp tục giằng co trong vùng hỗ trợ 570-580 điểm với VN-Index và 77.5 – 80.5 điểm với HNX-Index. Mặc dù giảm điểm trong phiên 19/8 nhưng VN-Index đã một lần nữa test thành công mốc hỗ trợ 570 điểm và hồi phục trở lại, diễn biến này đã khiến một bộ phận dòng tiền có tín hiệu trở lại thị trường, giúp thanh khoản thị trường tăng lên tương ứng.
Thực tế này một lần nữa củng cố cho những tín hiệu tạo đáy ngắn hạn của các chỉ số sau giai đoạn suy giảm liên tiếp vừa qua. MBS khuyến nghị nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt lên mức 80/20.
Có thể sẽ có phiên hồi phục tiếp theo
CTCK SaigonBank Berjaya (SBBS): Thị trường mở cửa với khối lượng giao dịch tăng lên khi chỉ số giảm. Động thái bất ngờ của NHNN ở đầu ngày đã khiến thị trường phản ứng một cách mạnh mẽ ngay tức thì, mặc cho những kỳ vọng về việc giảm giá xăng dầu trong nước sau khi giá dầu thế giới trượt dài. Lực tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là động lực chính của thị trường phiên 19/8. Hầu hết những mã giảm mạnh là các mã nhỏ, trong khi các mã vừa và lớn ít giảm hơn.
Diễn biến gần đây của đồng nhân dân tệ và tỷ giá USD/VNĐ có thể khiến nhà đầu tư xem xét lại các mục tiêu đầu tư. Những công ty có dư nợ bằng ngoại tệ lớn như các nhà máy sản xuất xi măng hay nhiệt điện sẽ có thêm gánh nặng nợ. Những doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc như cao su, thủy sản, hay sản phẩm dệt may (cotton) sẽ gặp nhiều thách thức hơn. Trước mắt với diễn biến trong phiên 19/8, VN-Index có thể sẽ có phiên hồi phục tiếp theo.
Gia Nguyên tổng hợp
|