Góc nhìn 30/3 – 3/4: Kỳ vọng đảo chiều?
Nhiều khả năng lực bán của ETF sẽ giảm bớt trong tuần tới, cùng sự phục hồi trở lại của một số cổ phiếu lớn sau khi đã giảm về mức giá đáy của 2 tháng trở lại được kỳ vọng sẽ giúp thị trường sớm đảo chiều trong tuần tới.
Tiếp tục quan sát diễn biến của dòng tiền
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Thị trường tiếp tục có 1 tuần liên tiếp điều chỉnh giảm. Các mốc hỗ trợ liên tục bị phá vỡ. Hầu hết các mã đều lùi sâu về các vùng giá thấp so với đầu tuần. Tuy vậy, điểm đáng lo ngại không thuộc về yếu tố điểm số, mà là những tín hiệu nguội dần của cả dòng vốn nước ngoài và dòng vốn nội.
Tiếp tục phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn, lượng giao dịch suy giảm, khối ngoại liên tiếp bán ròng. Đó là những yếu tố khiến SHS tiếp tục giữ quan điểm thận trọng trong tuần tới. Nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát diễn biến của dòng tiền. Nếu lực cầu suy yếu khiến 2 chỉ số tiếp tục phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn trong hiện tại, nhà đầu tư nên tiến hành giảm dần tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Trường hợp ngược lại, nhà đầu tư có thể tiếp tục vị thế nắm giữ đối với các cổ phiếu tốt, có các tin hỗ trợ tích cực trong mùa đại hội cổ đông tới đây.
Áp lực giảm điểm mạnh trong ngắn hạn
CTCK MB (MBS): Nếu như nguyên nhân thị trường tăng điểm từ đầu năm là từ lực cầu của nhà đầu tư nước ngoài thì lượng bán ròng của họ hiện nay cũng đang đẩy thị trường theo hướng ngược lại. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng 136.5 tỷ đồng tại HOSE và bán ròng gần 30 tỷ đồng tại HNX trong phiên này. Tổng cộng sau 5 phiên bán ròng liên tiếp, họ đã rút ra khỏi hai sàn 710.6 tỷ đồng.
Về kỹ thuật, các chỉ số thị trường liên tiếp giảm xuống dưới các mốc hỗ trợ tạo áp lực giảm điểm mạnh trong ngắn hạn. Thị trường sẽ chỉ tạo điểm cân bằng khi các quỹ đầu tư ngoại hoàn thành kế hoạch rút vốn.
Thận trọng quan sát cung cầu quanh vùng 549
CTCK VNDirect (VND): Kể từ khi rơi xuống dưới đường MA50, VN-Index đã có 5 phiên giảm điểm liên tục, các mốc hỗ trợ liên tục bị phá vỡ. VN-Index quay về vùng đáy cũ 553 thiết lập vào 04/02, trong phiên 27/03, cầu có xuất hiện đầu phiên khá tốt nhưng càng về cuối phiên, lực bán càng gia tăng và lấn át cầu. Đây là tín hiệu xấu và rơi vào trường hợp 2 đã được VND cảnh báo trong các bản tin trước. Do vậy, việc tạm dừng mua mới và giảm tỷ trọng cổ phiếu với những trạng thái nhiều cổ phiếu đã được thực hiện. Với áp lực bán liên tục gia tăng và chịu ảnh hưởng lớn từ nhóm Bluechips như hiện nay, VND tạm thời giữ quan điểm thận trọng.
VN-Index hiện đang chạm vùng Fibonacci 61.8%, tương đương vùng 549 nên có thể sẽ xuất hiện hồi phục đâu đó quanh vùng này. Nhà đầu tư tiếp tục quan sát lực cầu trong các phiên tới để có phản ứng phù hợp.
Nếu cầu quanh vùng 549 mạnh và gia tăng dần về cuối phiên, khả năng nhịp hồi sẽ xuất hiện, nhưng lưu ý nhịp hồi nếu có chỉ diễn ra rất ngắn, kỳ vọng lợi nhuận mỏng. Những trạng thái còn nhiều cổ phiếu, có thể cân nhắc giảm bớt tỷ trọng trong các phiên hồi. Việc mua mới, nếu có, chỉ dành cho nhà đầu tư ưa rủi ro và phản ứng nhanh nhạy, nhưng tỷ lệ cổ phiếu mua mới tối đa cũng chỉ nên ở mức 20-30%, thấp hơn tỷ lệ cổ phiếu có sẵn trong tài khoản.
Nếu cung vẫn lấn át cầu và mạnh dần về cuối phiên, tiếp tục thận trọng và tạm dừng mua mới, khi đó, quan sát diễn biến cung cầu vì thị trường có thể rơi về vùng hỗ trợ tiếp theo quanh 535-540.
Cơ hội phục hồi kỹ thuật trong ngắn hạn
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Tâm điểm hiện tại của các nhà đầu tư là hoạt động bán ròng của khối ngoại. Theo tính toán của BSI, các quỹ ETF bán ra khoảng 700,000 chứng chỉ quỹ (CCQ) trong ngày 27/03, tương ứng với khoảng 190 tỷ đồng. Với việc tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trên cả hai sàn là 167 tỷ đồng, có thể thấy chủ yếu là do ETF bán. Sau phiên bán mạnh 27/03, nhiều khả năng lực bán của ETF sẽ giảm bớt trong tuần tới do trạng thái discount của quỹ được cải thiện. Đây sẽ là cơ hội để thị trường ổn định là và phục hồi kỹ thuật trong ngắn hạn.
BSI tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư ưa mạo hiểm mua bắt đáy trong phiên 17/03 và có thể sẽ chờ bán trong tuần tới khi thị trường phục hồi. Còn với nhà đầu tư thận trọng, BSI vẫn chưa khuyến nghị mở vị thế mua.
Mốc 550 điểm sẽ trở thành ngưỡng hỗ trợ tốt
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): Tác nhân tuần qua mang tên khối ngoại mà cái tên được nhắc đến chính là quỹ VNM ETF. Với số CCQ lúc đó là 24,8 triệu, quỹ liên tục hút tiền và đạt mốc cao nhất lên đến 27.8 triệu (tăng 3 triệu tương đương 53 triệu USD). Nhưng chỉ 3 lần rút vốn đã lấy đi toàn bộ số tiền chảy vào quỹ trong khoảng thời gian đầu năm và con số lại trở về ban đầu 24.8 triệu CCQ. Nhiều khả năng số CCQ bị rút ra vừa qua có thể của 1 tổ chức và họ buộc phải rút ra. Còn những nhà đầu tư khác dường như không có động thái khác nên chúng ta kỳ vọng rằng điều đó là đúng. Một điểm nữa là tỷ lệ P/NAV đã chuyển từ trạng thái discount mạnh sang +0.23%. Điều đó càng củng cố khả năng quỹ bị rút vốn sẽ ở mức thấp. Đây sẽ là một trong những yếu tố mà IVS cho rằng tạo nên sự hồi phục tuần tới.
Tác nhân do khối ngoại nhưng tội đồ lại mang tên GAS-PVD-MSN mà lực bán chiếm phần lớn lại là khối nội. Tuy nhiên những cổ phiếu này đã chững lại đà giảm và có thể cũng sẽ hồi phục lại nên tác động đến chỉ số VN-Index không nhiều. Trong khi đó hàng loạt các cổ phiếu khác như SSI, PVT, VND... đã giảm về mức giá đáy của 2 tháng trở lại. Và đây là yếu tố thứ 2 IVS cho rằng sẽ khuyến khích dòng tiền quay lại, đặc biệt khi nhóm Large cap trở nên yên ổn, VN-Index ít biến động.
Hai yếu tố trên sẽ tạo nên sự đảo chiều của TTCK trong tuần tới, và mốc 550 điểm sẽ trở thành ngưỡng hỗ trợ tốt. Có thể sự hồi phục này chỉ đạt mức độ vừa phải nhưng nó cũng sẽ giúp tâm lý nhà đầu tư cải thiện hơn và bớt đi sự bi quan.
Vẫn chưa có dấu hiệu bắt đáy
CTCK Rồng Việt (VDS): Mặc dù vậy, VDS nhận thấy đã có dấu hiệu bắt đáy ở một số thời điểm trong tuần, nhưng lượng cầu vẫn còn khá yếu so với lực bán, đặc biệt là lực bán từ GAS và PVD. Việc thị trường giảm điểm trong 5 phiên liên tiếp với thanh khoản khá thấp, VDS cho rằng thị trường vẫn chưa có dấu hiệu bắt đáy đối với những nhà đầu tư ngắn hạn. Ngược lại, đây sẽ là cơ hội tích lũy dần đối với những nhà đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể tham khảo chủ ý lớn của VDS trong Báo cáo chiến lược năm 2015. Cụ thể, nhà đầu tư có thể chọn lọc ra những cổ phiếu triển vọng và có “câu chuyện riêng” trong năm để đầu tư trong dài hạn. VDS nghĩ rằng đã đến lúc nhà đầu tư nên sử dụng “chiếc cần câu” mà VDS đã đề cập trong báo cáo.
Thị trường đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần với phiên giảm thứ 5 liên tiếp, áp lực bán vẫn mạnh, các mức hỗ trợ bị xuyên thủng và chưa có tín hiệu hồi phục nào xuất hiện, do đó nhà đầu tư vẫn nên duy trì danh mục ở mức an toàn và cần theo dõi lực cầu mua vào ở các mức hỗ trợ mới.
Động thái bán ròng của khối ngoại nhiều khả năng còn tiếp diễn
CTCK Bảo Việt (BVS): Diễn biến bán ròng của khối ngoại đang gây tâm lý lo ngại cho khối nhà đầu tư trong nước. Ngoài lý do FED đang có kế hoạch tăng lãi suất trong thời gian tới khiến đồng USD mạnh lên và các dòng vốn đầu tư có xu hướng quay trở lại Mỹ, động thái bán ròng của khối ngoại trong tuần qua còn đến từ những lo ngại về khả năng điều chỉnh tỷ giá của NHNN và diễn biến tiêu cực của TTCK thế giới. Nhìn chung, BVS cho rằng động thái bán ròng của các quỹ ETF nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn, tuy nhiên giá trị bán ròng sẽ giảm dần trong tuần tới. Lực cầu bắt đáy của khối nhà đầu tư trong nước và dòng tiền giải ngân khá bền bỉ của các quỹ tương hỗ (bao gồm cả các quỹ nước ngoài) hướng vào các cổ phiếu lớn đang dần tăng lên, đặc biệt là các mã ngành ngân hàng, sẽ dần đủ sức cân bằng lại áp lực bán ra này.
BVS cho rằng, nhà đầu tư có thể thực hiện giải ngân từng phần ở các vùng giá thấp. Danh mục trung dài hạn nên tập trung vào các mã cơ bản tốt, có triển vọng KQKD 2015 tích cực và thông tin hỗ trợ trong mùa ĐHĐCĐ sắp tới. Phần tỷ trọng ngắn hạn nên ưu tiên và các mã đang bị bán mạnh bởi các quỹ ETF và đã sụt giảm đáng kể trong hai tuần trở lại đây.
Khó có thể giảm sâu hơn
CTCK Maritime (MSBS): Thị trường đuối sức dần về cuối phiên mặc dù tăng điểm trong gần hết phiên sáng đã cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vẫn còn đang rất yếu. Dòng tiền vẫn đứng ngoài thị trường và chỉ số VN-Index bị chi phối mạnh bởi diễn biến của cổ phiếu GAS.
Tuy nhiên, vùng kháng cự 550 – 555 điểm vẫn là một vùng kháng cự mạnh và VN-Index khó có thể giảm sâu hơn nhưng kịch bản đi ngang quanh vùng giá hiện tại là phù hợp khi yếu tố thanh khoản vẫn chưa được cải thiện. thị trường sẽ không tăng điểm mạnh ít nhất là đến tuần thứ 2 của tháng 4/2015. Do vậy nhà đầu tư trading T+ vẫn nên đứng ngoài thị trường quan sát. Việc mua vào cổ phiếu hiện tại chỉ thích hợp để nắm giữ trong 1.5 – 2 tháng tới.
Gia Nguyên tổng hợp
|