CPI tháng 3/2015 sẽ tăng trở lại sau 4 tháng suy giảm?
Biến động giảm của giá xăng dầu đã kéo chỉ số CPI suy giảm 4 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, giá xăng đã tăng trở lại khiến dự báo CPI tháng 3/2015 sẽ tăng trở lại.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc chiến lược đầu tư CTCP Chứng khoán Maritime Bank (MSBS) cho rằng: “Mặc dù có kỳ nghỉ lễ dài ngày nhưng CPI tháng 2 vẫn giảm. cho thấy ngoài việc biến động giá xăng dầu thì còn do sức cầu từ phía người dân thấp. Tuy nhiên, điều này sẽ không diễn ra trong tháng 3 bởi giá xăng, điện đã có thông báo tăng trở lại, các mặt hàng thiết yếu cũng điều chỉnh tăng và ông dự báo CPI tháng 3 sẽ tăng nhẹ”.
Chỉ số CPI hai tháng đầu năm 2015 đều có xu hướng giảm cho thấy năm 2015 này sẽ là năm mà lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và điều này tác động tích cực đến thị trường hơn là tiêu cực. Còn riêng đối với thị trường chứng khoán thì đây có thể nói là yếu tố hỗ trợ trong giai đoạn hiện nay.Ông Khánh dự báo CPI của cả năm 2015 sẽ ở mức thấp và dao động dưới mốc 2%.
Tương tự, ông Huỳnh Ngọc Thương – Trưởng phòng phân tích CTCK Nhất Việt (VFS) dự báo CPI tháng 3 sẽ chấm dứt chuỗi giảm 4 tháng liên tiếp, sẽ tăng 0.1% so với tháng 2.
Ông Thương đưa ra các nguyên nhân tác động như: Xăng tăng 1,616 đồng/lít, dầu diesel tăng 713 đồng/lít vào ngày 11/03 làm cho chỉ số giao thông trong rổ CPI (nhóm hàng có đóng góp lớn nhất đến sự suy giảm CPI 4 tháng liền trước) chỉ giảm 1.17% (tháng 2/2015, nhóm hàng này giảm đến 4.41%). Bên cạnh đó, tháng 3 vẫn là tháng của lễ hội nên chỉ số giá của hàng ăn và dịch vụ ăn uống dự kiến tăng 0.42% so với tháng 2/2015. Ngoài ra, giá điện được điều chỉnh tăng 7.5% vào ngày 16/03 chưa ảnh hưởng đến chỉ số CPI của tháng này vì giá được điều chỉnh sau ngày chốt giá để tính chỉ số trong tháng.
Ông Thương cũng lưu ý, trong giai đoạn kinh tế đang phục hồi như hiện nay thì CPI không còn là chỉ số quyết định của nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán nữa. Diễn biến của chỉ số giá chỉ giúp nhà đầu tư cảm nhận áp lực từ phía cầu và phía chi phí trong nền kinh tế, từ đó cảm nhận điểm thuận lợi/khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải.
Dưới những chuyển biến này, ông Thương cho rằng CPI năm 2015 chỉ tăng dưới 4%, đóng góp lớn vào mức tăng này là nhóm hàng xây dựng, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, may mặc, trong khi đó, mặt hàng giao thông và bưu chính nhiều khả năng sẽ suy giảm.
Hay dưới góc nhìn của ông Hoàng Công Tuấn – Chuyên viên phân tích CTCK MB (MBS): “CPI tháng 3/2015 sẽ khác biệt so với các năm trước (theo ông, thông thường các năm thì CPI tháng 3 suy giảm) và dự báo tăng khoảng 0.1-0.2% dưới tác động tăng giá của xăng dầu ngày 11/03”.
Cụ thể, theo ông Tuấn, giá xăng tăng ngày 11/03 sẽ có tác động theo hai vòng. Vòng 1 ảnh hưởng đến CPI tháng 3 với mức tác động 0.1% và vòng 2 sẽ tác động đến CPI tháng 4 với mức tăng 0.2-0.3% nhưng thuộc vào chu kỳ tính CPI của tháng 4/2015.
Về giá điện chính thức tăng 7.5% từ ngày 16/03 không tính vào CPI tháng 3 nhưng việc tăng giá điện đã làm một số nhóm hàng tăng đón đầu nên cũng có tác động nhẹ đến CPI tháng 3.
Ông Tuấn cũng dự báo CPI trong cả năm 2015 sẽ diễn biến tích cực nhưng mức tăng sẽ không trên 4% với nhân tố tác động chính tiếp tục là giá xăng dầu.
Duy Hoàng
|