Review V.N.M ETF: DRC bị loại hay danh mục không có thay đổi?
Đợt review danh mục của V.N.M ETF ngày 14/03 tới đây ghi nhận những ý kiến dự báo trái chiều từ các chuyên gia. Có ý kiến cho rằng DRC sẽ bị loại ra khỏi danh mục nhưng cũng có dự báo rằng danh mục sẽ không có biến động. Song nhìn nhận chung là kỳ đảo danh mục sẽ không có tác động mạnh đến các chỉ số.
Loại DRC và không thêm cổ phiếu Việt Nam nào
Ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) dự báo: “Trong kỳ đảo danh mục lần đầu năm 2015 của V.N.M ETF, khả năng quỹ này sẽ loại cổ phiếu DRC. Ở chiều thêm vào, có hai trường hợp: (1) Thêm một cổ phiếu nước ngoài hoặc (2) thêm KDC. Tuy nhiên, khả năng cao là V.N.M ETF sẽ thêm cổ phiếu nước ngoài do KDC không thỏa mãn hoàn toàn điều kiện của quỹ”.
Về tỷ trọng danh mục, ông Khánh dự báo không có thay đổi nhiều.
Về tác động đến thị trường, theo ông Khánh, cơ cấu danh mục của V.N.M ETF sẽ không có nhiều ảnh hưởng, tuy nhiên về mặt dòng tiền ngoại nói chung sẽ có những tác động nhất định theo hướng tích cực do ông nhận thấy, ngoài hai ETF là FTSE và V.N.M thì thời gian gần đây còn xuất hiện thêm một quỹ mới là MSCI, quỹ này đang đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam, điển hình theo ông là trường hợp mua mạnh cổ phiếu dẫn dắt CTG ở phiên cuối tháng 2.
Biến động giảm mua của khối ngoại gần đây là những điều chỉnh do khối này đang tiến hành cơ cấu lại những cổ phiếu vượt quá tỷ trọng cho phép trong danh mục. Chung lại, ông Khánh cho rằng khối ngoại sẽ vẫn tiếp tục mua ròng, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2015. Trong đó, nhóm các cổ phiếu ngân hàng sẽ là tâm điểm.
Tuy diễn biến tích cực nhưng theo ông Khánh, nhà đầu tư vẫn nên chia danh mục làm hai. Một phần đầu tư ngắn hạn theo xu hướng dòng tiền (hiện nay dòng tiền đang chảy vào ngân hàng) và phần còn lại đầu tư dài hạn với các mã mang tính chất tiềm năng có thể được hưởng lợi từ các chính sách và thông tin như bất động sản, hạ tầng...
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc khối phân tích CTCK Bảo Việt (BVS) cũng dự báo: “Trong đợt cơ cấu danh mục tháng 3/2015 của quỹ ETF V.N.M thì DRC sẽ bị loại do không đáp ứng về thanh khoản. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại sẽ không có cổ phiếu nào được thêm vào”.
Về tỷ trọng, những cổ phiếu top danh mục đầu như VCB, MSN và STB sẽ bị bán ra nhưng không nhiều với trung bình từ 1-2 triệu cổ phiếu. Ở chiều tăng, thì ITA và VCG được mua nhiều với khối lượng mua vào từ 2-3 triệu cổ phiếu. Về giá trị thì PVS và BVH được mua vào nhiều nhất.
Nhận định về những biến đổi dòng tiền tại Market Vectors Vietnam ETF, ông Bình cho rằng có sự ảnh hưởng không nhỏ từ biến động thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới. Theo đó, khi chứng khoán thế giới tăng thì dòng tiền này một phần rút ra để vào các thị trường mới nổi nhưng khi chứng khoán thế giới sụt giảm thì dòng tiền sẽ rút khỏi các thị trường mới nổi và TTCK khoán Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi vấn đề này. Tuy nhiên, theo ông Bình, ảnh hưởng này đến TTCK Việt Nam sẽ có độ trễ.
Sẽ không có cổ phiếu nào được thêm vào hay loại ra
Khác với dự báo của hai chuyên gia trên, ông Nguyễn Hồng Điệp – Thành viên Điều hành Môi giới và Tư vấn CTCK Vndirect (VND) dự báo: “Sẽ không có mã nào bị loại, cũng như sẽ không thêm mới bất kỳ mã nào trong đợt cơ cấu lần đầu năm 2015 của V.N.M ETF”.
Ông nhìn nhận, OGC mặc dù bị loại ra khỏi FTSE nhưng đã đã thoát hiểm phút chót. Còn KBC và KDC nhiều khả năng phải đợi thêm 1 kỳ nữa mới có thể vào rổ danh mục.
Về tỷ trọng thì VCB, VIC, MSN, DPM, STB sẽ là những mã bị giảm tỷ trọng khá mạnh. Các mã còn lại trong danh mục, hầu hết được mua thêm, đặc biệt, HAG được mua lớn nhất với số lượng khoảng 4 triệu đơn vị.
Ông Điệp cho biết thêm, kể từ ngày 1/1 đến hết ngày 8/3/2015, V.N.M đã huy động được 2.65 triệu CCQ, trị giá khoảng 50 triệu USD, tương đương 1,100 tỷ đồng và toàn bộ số tiền này chỉ được rót vào 19 mã trong danh mục. Xu hướng rót ròng vào TTCK Việt Nam vẫn chưa chấm dứt và điều này thể hiện cái nhìn tích cực về nền kinh tế nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng của các nhà đầu tư ngoại.
Với lực đỡ của khối ngoại, TTCK đã có những dấu hiệu phục hồi, dòng tiền nội đã bắt đầu trở lại. Nhiều khả năng, thị trường sẽ tích lũy quanh 600 điểm, chờ cơ hội bứt phá. Trong giai đoạn thị trường khá thiếu thông tin ông Điệp khuyến nghị các nhà đầu tư hãy kiên nhẫn, tỉnh táo và bình tĩnh, tìm cách tích lũy các cổ phiếu tốt. Trong quá trình tích lũy này, có thể thực hiện trading, nhằm giảm giá vốn đầu tư.
Ông Điệp cho rằng, về ngành thì ưu tiên vẫn là dòng ngân hàng. Giá trị nội tại của cổ phiếu ngân hàng được tác động bời hai yếu tố chính: chất lượng tài sản (tỷ lệ nợ xấu) và tăng trưởng tín dụng (lợi nhuận). Nếu yếu tố thứ nhất sẽ cải thiện “book value”, thì yếu tố thứ hai sẽ làm tăng EPS. Với những ngân hàng hàng đầu như VCB, BID, CTG sẽ có những diễn biến tích cực.
Ngoài nhóm ngân hàng, nhà đầu tư cũng nên quan tâm đến nhóm hưởng lợi từ giá dầu thấp. Đó là cổ phiếu phân bón với DPM là tiêu biểu. Hiệp ước xuyên Thái bình dương (TPP) đang gấp rút đi vào hồi kết, sẽ tác động chủ yếu đến các cổ phiếu dệt may, thủy sản. Điển hình trong nhóm này có TCM, VHC và HVG. Nhóm cổ phiều bất động sản cũng sẽ có những bước tiến tốt trong năm 2015. Cuối cùng là nhóm các công ty được hưởng lợi từ tỷ giá. Với việc đồng Euro có xu hướng giảm, nhiều công ty trong lĩnh vực xi măng, năng lượng sẽ hưởng lợi lớn.
Hay ông Trần Minh Hoàng – Trưởng bộ phận nghiên cứu CTCK Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng: “Đợt cơ cấu danh mục lần đầu năm 2015 của V.N.M ETF sẽ không có thay đổi về mặt thêm vào hay loại ra, chỉ có biến động về tỷ trọng các cổ phiếu trong danh mục nhưng cũng không quá lớn”.
Theo đó, so với tương quan về thanh khoản thì có VCB bị bán hơn 2 triệu cổ phiếu, MSN bán 1.4 triệu cổ phiếu, STB bị bán khoảng 1.9 triệu cổ phiếu. Ở chiều mua vào không có điểm nổi bật.
Ông Hoàng cho rằng khối ngoại sẽ tiếp tục làm lực đỡ cho thị trường trong thời gian tới. Theo thống kê, Vaneck gần đây liên tục phát hành thêm chứng chỉ quỹ và việc này sẽ tạo động lực rất lớn cho các dòng vốn ngoại khác ngoài ETF. Đây có thể là chỉ báo cho thấy vốn ngoại tiếp tục tham gia vào thị trường.
Với sự tích cực của dòng vốn ngoại cùng dòng tiền từ nội đang gia tăng, ông Hoàng dự báo VN-Index có thể sẽ vượt mốc 600 điểm và lên giao dịch trên mức này ngay trong tháng 3. Tuy nhiên, dưới áp lực cơ cấu, khối ngoại bán ra một số cổ phiếu lớn sẽ làm chỉ số có điều chỉnh trong một vài thời điểm.
Tương tự các chuyên gia khác, ông Hoàng cũng đánh giá ngành ngân hàng sẽ là điểm nổi bật và điều chỉnh hiện tại chỉ là do nhóm này đã tăng khá. Bên cạnh đó, theo ông thông tin từ kỳ ĐHĐCĐ sẽ làm thị trường diễn biến phân hóa mạnh hơn nhưng sự phân hóa đến từng cổ phiếu chứ không tập trung vô nhóm ngành.Ông khuyến nghị, những nhịp điều chỉnh là điều kiện rất tốt để nhà đầu tư có thể mua và nắm giữ.
Duy Hoàng
|