Góc nhìn tuần 19-23/01: “Đi chậm” trong sự thận trọng
Áp lực điều chỉnh vẫn sẽ xuất hiện trong 1-2 phiên giao dịch đầu tuần, dù vậy lực cầu được kỳ vọng sẽ giúp thị trường cân bằng lại ở vùng 565-570 điểm. Bên cạnh đó, khả năng thị trường sẽ tiếp tục “đi chậm” trong sự thận trọng cho đến khi các NĐT hình thành một cái nhìn tương đối về bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2015.
Kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu tốt
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Thị trường có 1 tuần biến động đi ngang về mặt chỉ số sau 1 tuần tăng mạnh mẽ trước đó. Điểm nhấn trong tuần qua là những biến động mạnh tại nhóm các cổ phiếu ngân hàng, tác động của giá dầu tới nhóm cổ phiếu dầu khí, và các thông tin tích cực về KQKD trong năm 2014 của các doanh nghiệp trên sàn lần lượt được hé lộ. Sự tác động tích cực của làn sóng kỳ vọng KQKD đã phần nào làm lu mờ những tác động của diễn biến mới nhất từ Thông tư 36 sắp có hiệu lực thi hành. Thanh khoản nhờ đó cũng có sự cải thiện tích cực. Dòng tiền vẫn tiếp tục ở lại và luôn sẵn sàng tăng mạnh tỷ trọng tại các phiên trùng xuống của thị trường chung.
Kỳ vọng là yếu tố quyết định rất mạnh tới diễn biến cung cầu. Có thể nhận thấy kỳ vọng hiện tại của thị trường thuộc về một nhóm các cổ phiếu tốt, có khả năng đạt KQKD đột biến trong năm 2014 và các doanh nghiệp có sự chuyển biến mạnh về hoạt động kinh doanh trong thời gian sắp tới. Chính vì vậy, sự phân hóa trong tuần tới sẽ tiếp tục diễn ra. Vị thế trong tuần tới tiếp tục nên ở trạng thái nắm giữ với những cổ phiếu có kỳ vọng tích cực đối với hoạt động kinh doanh, có thể xem xét gia tăng tỷ trọng tại các vùng bứt phá nếu dòng tiền vẫn giữ trạng thái tích cực.
Trọng tâm của sóng điều chỉnh vẫn là cổ phiếu vốn hóa lớn
CTCK VNDirect (VND): VN-Index mất 5 phiên giao dịch mà không vượt được vùng cản 578 nên người cầm cổ phiếu rất dễ mất kiên nhẫn. VND cho rằng áp lực bán của 5 phiên tích lũy nhiều khả năng sẽ đẩy VN-Index xuống dưới vùng 570 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần tới. Trọng tâm của sóng điều chỉnh vẫn là cổ phiếu vốn hóa lớn.
Mặc dù khả năng xảy ra điều chỉnh là khá cao, VND không nhận thấy người cầm cổ phiếu bi quan quá mức vì không có nhiều cổ phiếu giao dịch tiêu cực ở thời điểm đóng cửa phiên 16/1. VND kỳ vọng lực cầu sẽ giúp thị trường cân bằng lại ở vùng 565-570 điểm.
VND quan tâm đến nhóm ngân hàng vì nhóm này vẫn được dòng tiền thị trường chú ý. Cổ phiếu chứng khoán và bất động sản cũng là những lựa chọn tốt để mua khi thị trường điều chỉnh. VND dự định sẽ tăng tỷ lệ cổ phiếu trở lại, mục tiêu là 90% vốn chủ sở hữu khi nhịp điều chỉnh này kết thúc.
Quan sát diễn biến các cổ phiếu lớn
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Điểm tích cực BSI quan sát thấy là dòng tiền vẫn đang chạy luân phiên giữa các nhóm, mã cổ phiếu. Áp lực chốt lời ngắn hạn có thể xuất hiện nhưng chưa thực sự đáng lo ngại. Bên cạnh đó, cơ hội vẫn mở ra tại các mã chưa tăng nhiều so với mặt bằng thị trường.
Dù vậy, sự chuyển động của dòng tiền như trên cần được nhóm cổ phiếu lớn giữ nhịp. Do đó, BSI tiếp tục lưu ý việc quan sát diễn biến các cổ phiếu lớn (nhóm dầu khí, ngân hàng, và 1 số bluechip khác…).
Nhiều khả năng sẽ suy giảm tiếp trong 1-3 phiên đầu tuần
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): Với các tín hiệu mà thị trường đã tạo ra, cả hai chỉ số đã tiếp cận trở lại đường MA50 và sẽ phải test lại tại đây một số phiên. Chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ suy giảm tiếp trong 1-3 phiên đầu tuần tới và xấu nhất sẽ giảm về vùng 560-565 điểm. Dù giảm điểm nhưng nó vẫn được cho là đang ở trạng thái tích lũy và thị trường sẽ tăng trở lại vào cuối tuần, và không gì khác khi nhóm Ngân hàng lại tiếp tục cuộc đua cũng như dẫn dắt. Khi đó nhiều khả năng dòng tiền sẽ mạnh hơn và lan tỏa nhanh hơn sang các nhóm cổ phiếu thị trường chứ không chỉ tập trung như những tuần trước.
NĐT trước đó vẫn chờ đợi rằng NHNN sẽ có động thái với Thông tư 36 như hoãn, giảm hay điều chỉnh. Tuy nhiên với câu trả lời chính thức rằng điều đó là không thể thì có vẻ như đã ảnh hưởng mạnh tới tâm lý của NĐT. Thị trường ngay lập tức giảm mạnh gần 10 điểm khi thông tin trên được đăng tải trên báo. Tuy nhiên đây là câu chuyện nhạy cảm, và thực tế câu trả lời chính thức là “Không” đã có trong cuộc gặp gỡ nhiều bên với NHNN trước đó 1 tuần. Vậy thị trường vẫn tăng điểm, và việc thị trường giảm mạnh rồi hồi lại khi thông tin ban hành là những tín hiệu cho thị trường nhiều khả năng sẽ sớm tăng trở lại. Do đó, trong những phiên đầu tuần tới với những nhịp điều chỉnh là cơ hội để NĐT gia tăng thêm cổ phiếu hơn là vẫn quyết liệt bán ra.
Tiếp tục “đi chậm” trong sự thận trọng
CTCK Rồng Việt (VDS): Giá dầu từ yếu tố bất ngờ đã trở thành mục tiêu theo dõi và mối lo thường trực của TTCK. Tác động thực sự của Thông tư 36 trong ngắn hạn đến thị trường vẫn là vấn đề còn nhiều tranh luận. Tuần sau cũng sẽ có thông tin CPI tháng 1/2015 và số liệu Xuất nhập khẩu cả năm 2014, nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi, đó cũng không phải là thông tin NĐT đại chúng chờ đợi.
Còn kết quả kinh doanh 2014? Đến thời điểm hiện tại, việc doanh nghiệp nào hoàn thành, không hoàn thành hay vượt kế hoạch năm 2014 có lẽ đã nằm trong dự đoán của giới phân tích. Điều VDS quan tâm thời điểm này là cái nhìn của doanh nghiệp về năm 2015, thể hiện qua các kế hoạch đầu tư, phát hành, kế hoạch doanh thu, lợi nhuận… và các công ty niêm yết chuẩn bị trình lên trong mùa ĐHĐCĐ tới đây.
Do đó, VDS nghiêng về khả năng thị trường sẽ tiếp tục “đi chậm” trong sự thận trọng cho đến khi các NĐT hình thành một cái nhìn tương đối về bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2015, thậm chí có thể cho đến mùa đại hội cổ đông thường niên.
Theo quan điểm kỹ thuật, áp lực bán vẫn tiếp tục gia tăng trên thị trường và các tín hiệu kỹ thuật có tín hiệu suy yếu hơn nên NĐT tiếp tục duy trì danh mục với tỷ trọng hợp lý để chờ đợi tín hiệu khả quan hơn.
Sẽ có một nhịp điều chỉnh
CTCK Maritime (MSBS): Sau nhiều phiên duy trì trên mốc Fibonacci 50% (576.6 điểm) thì phiên thứ sáu (16/01), áp lực bán khá mạnh ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhiều cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí đã đẩy chỉ số VN-Index đánh mất mốc kháng cự này. MSBS cho rằng thị trường sẽ có một nhịp điều chỉnh trong tuần tới, về lại mốc 565-566 điểm trong những phiên đầu tuần. Cụ thể thứ 2 sẽ là phiên giảm điểm, đà giảm có thể duy trì trong 2-2.5 phiên đầu tuần.
MSBS khuyến nghị NĐT có thể giải ngân khi chỉ số giảm về mốc 565 điểm, không mua đuổi cổ phiếu giá cao và lựa chọn những mã có KQKD quý 4 đột biến, có thông tin hỗ trợ như DIG, IMP, HAG, QBS…
Gia Nguyên tổng hợp
|