TS Lê Đăng Doanh: Cần hồi chuông báo động sức khỏe của doanh nghiệp
“Chúng ta cần kéo một tiếng chuông báo động rằng sức khỏe của các doanh nghiệp Việt Nam là bất thường và Nhà nước cần có nỗ lực thực sự để giúp họ”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cảnh báo.
Doanh nghiệp Việt Nam phải mất đến 872 giờ/năm chỉ để nộp thuế.
|
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online nhân kỷ niệm 10 năm ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, người đã đóng góp lớn vào thành công của Luật Doanh nghiệp năm 1999, nói: “Bây giờ là giai đoạn mà các doanh nhân bi quan nhất kể từ sau Đổi mới”.
Ông Doanh nhận xét, số doanh nghiệp không hoạt động trên thực tế phải cao hơn số 200.000 mà các cơ quan nhà nước thống kê trong vòng 4 năm qua do nhiều doanh nghiệp không khai báo phá sản vì họ có quá nhiều vấn đề nợ nần.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014, số doanh nghiệp giải thể, phá sản và số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là trên 70.000, cao hơn so với số doanh nghiệp thành lập mới là 52.525, theo báo cáo của Bộ Tài chính.
Con số 70.000 nói trên cũng cao hơn so với báo cáo của Tổng cục Thống kê. Báo cáo này cho biết, trong 9 tháng năm nay, cả nước có 48.330 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Doanh nói: “Doanh nhân họ cảm thấy mất phương hướng, và bị tước đoạt”.
Ông lấy ví dụ, giá đất năm nay lại tăng lên 2,4 lần gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Họ đã ký hợp đồng, đã trả tiền rồi, nay Nhà nước lại nâng lên nữa thì họ làm ăn ra làm sao”, ông nhận xét.
Ông kể, trong một cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp với chính quyền ở tỉnh Quảng Trị gần đây, một nữ doanh nhân đã đứng lên khóc và nói, với những chính sách như vậy thì bà không thể cạnh tranh nổi trước người Thái Lan khi xuất khẩu vật liệu sang Lào.
Ông nhận xét, doanh nghiệp Việt Nam phải mất đến 872 giờ/năm để nộp thuế trong khi doanh nghiệp ở Asean chỉ mất 172 giờ thì ta cạnh tranh như thế nào?
Ông bình luận thêm là tình trạng giấy phép con lại mọc trở lại như nấm sau mưa sau khi Luật Doanh nghiệp năm 1999 đã bỏ đi 286 giấy phép. “Có một nhóm công chức muốn tạo ra giấy phép để hành doanh nghiệp, và tước đoạt của doanh nghiệp,” ông Doanh nói.
“Tôi đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nhân cần lên tiếng sao cho Luật Doanh nghiệp sửa đổi sắp tới đây sẽ thực sự là bước đột phá trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh”, ông nói.
Bắt đầu đã có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn mặc dù đã cầm cự được trong mấy năm vừa qua nhưng đến nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản. Có 213.000 doanh nghiệp kê khai lỗ, không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếm 68,6% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai, theo Bộ Tài chính.
Tư Hoàng
tbktsg
|