Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp nội chật vật chống đỡ
Chưa bao giờ làn sóng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ lại đổ vào Việt Nam mạnh như gần đây. Trong khi đó, các nhà bán lẻ trong nước vẫn đang loay hoay tìm cách chống đỡ.
Tiền ngoại ồ ạt vào
Dấu ấn mạnh nhất trong làn sóng nhà đầu tư ngoại quyết tâm tiến vào thị trường Việt Nam gần đây là sự kiện Tập đoàn Berli Lucker (BJC) của Thái Lan mua lại hệ thống Metro Cash&Carry Việt Nam. Trước đó, BJC đã thực hiện hàng loạt cuộc mua bán và sáp nhập, với mục tiêu hoàn thiện chuỗi sản xuất, phân phối, bán lẻ và bán sỉ tại thị trường Việt Nam.
Năm 2012, BJC chi 32 triệu USD mua lại 65% cổ phần tại Thái An, một doanh nghiệp (DN) phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng trong nước. Tiếp đến, năm 2013, BJC đã mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành B’mart.
Một nhà bán lẻ khác của Thái Lan là Central Group (CG) cũng đã chính thức đặt chân đến thị trường Việt Nam bằng việc mở một siêu thị tại Hà Nội vào đầu năm nay. CG đang triển khai mở siêu thị thứ hai rộng 12.000 m2 tại TP Hồ Chí Minh vào cuối 2014.
Tập đoàn này cũng có kế hoạch đầu tư 9 trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2016. CP Group, đơn vị sở hữu hệ thống bán lẻ 7-Eleven của Thái Lan cũng đang rục rịch đầu tư phát triển bán lẻ tại Việt Nam trong năm nay.
Theo bà Phạm Thị Điệp Giang, chuyên gia tư vấn chiến lược truyền thông của văn phòng Tổng giám đốc Liên Hợp Quốc tại Geneva, không riêng các nhà đầu tư Thái Lan, các nhà bán lẻ đến từ nhiều quốc gia khác cũng đang tăng tốc chiếm lĩnh thị phần bán lẻ Việt Nam để đón đầu cơ hội khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ và tận dụng lợi thế khi Việt Nam ký kết Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Có mặt tại Việt Nam từ năm 2007, đến cuối năm 2013 Lotte Mart của Hàn Quốc có 7 trung tâm thương mại. Trong năm 2014 đưa vào hoạt động 2 trung tâm thương mại tại Cần Thơ và Vũng Tàu. Tập đoàn này đặt mục tiêu mở 50 trung tâm thương mại tại Việt Nam đến năm 2018, với vốn đầu tư 30 - 40 triệu USD/trung tâm.
E-Mart, tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc cũng đã vào Việt Nam thông qua việc liên doanh với Tập đoàn U&I Việt Nam. Liên doanh có vốn đầu tư ban đầu 80 triệu USD và có kế hoạch mở chuỗi 52 siêu thị đến năm 2020.
Đầu năm 2014, Aeon, một nhà bán lẻ Nhật Bản, khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh cũng là đầu tiên tại Việt Nam. Aeon cho biết, trung tâm thương mại thứ hai của họ sẽ mở cửa tại Bình Dương vào tháng 10 tới và tiếp đến là tại Hà Nội vào năm 2015. Dự kiến Aeon sẽ mở rộng hệ thống tại Việt Nam với 20 trung tâm vào năm 2020.
Cùng với Aeon, các nhà bán lẻ khác đến từ Nhật Bản như Daiso, Hachi Hachi, Tokytokuya… cũng tăng cường sự hiện diện tại các thành phố lớn của Việt Nam. Ngoài ra, nhiều nhà bán lẻ khác đến từ Singapore, Malaysia cũng đã chính thức bước vào thị trường Việt Nam...
Bán lẻ nội chật vật chống đỡ
Cùng với tiền ngoại là dòng hàng ngoại đổ vào thị trường Việt Nam. B’mart tuyên bố chuỗi này sẽ bán 70% hàng hóa Thái Lan. Nhiều hệ thống bán lẻ khác xác định một tỷ trọng hàng ngoại tương tự.
“Các DN bán lẻ trong nước rất lấy làm lo lắng nhưng vẫn chưa có sự tiến bộ đột biến, đáng kể nào”- bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá.
Theo bà, hiện Nhà nước chưa có chính sách đúng tầm mức để hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành bán lẻ trong nước. Về phần mình, các DN tự bươn chải bằng việc tăng tốc mở thêm các điểm bán, tìm ngách thị trường mới, huấn luyện nhân viên…
Tuy nhiên, cái chính là các DN Việt Nam không vượt qua được trở ngại của sức mua của thị trường giảm, trong khi giá thành cao hơn hẳn so với hàng ngoại.
Theo ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, DN Việt càng bộc lộ rõ những hạn chế như yếu về tài chính, không có chiến lược kinh doanh rõ ràng, thiếu nhân sự có trình độ, trong đó nhược điểm lớn nhất là thiếu liên kết. |
Đồng quan điểm, ông Văn Đức Mười - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù gia nhập WTO từ 2007 và được dự báo thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ trở nên khốc liệt khi thị trường này chính thức mở cửa toàn bộ kể từ 2015, song hiện chúng ta chưa có chuẩn bị gì nhiều từ khâu chính sách đến phương tiện bán lẻ. Đấy là chưa kể, theo ông Mười, chính sách của chúng ta đang ưu ái thái quá cho DN đầu tư nước ngoài (FDI).
Chẳng hạn, các DN FDI được miễn thuế trong các năm đầu, trong khi DN nội địa hễ cứ mở cửa ra là phải nộp thuế đầy đủ. “DN FDI đã có tiềm lực về tài chính, công nghệ, quản trị..., lại còn được chính sách ưu ái nữa thì làm sao DN trong nước có thể cạnh tranh?”- ông Mười đặt vấn đề.
Điều lo lắng nhất của ông Mười là khi hệ thống bán lẻ trong nước đuối sức cạnh tranh sẽ nảy sinh rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước, kéo theo sự trì trệ của các ngành công nghiệp. Khi sản xuất không phát triển, tín dụng không được hấp thu, từ đó xuất hiện một vòng quay mới với nhiều hệ lụy khác…
Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, DN Việt càng bộc lộ rõ những hạn chế như yếu về tài chính, không có chiến lược kinh doanh rõ ràng, thiếu nhân sự có trình độ, trong đó nhược điểm lớn nhất là thiếu liên kết.
Cách đây chưa lâu, 4 DN bán lẻ lớn trong nước là Hapro, Satra, Phú Thái và Saigon Coop hợp tác xây dựng CTCP Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA), có vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng.
VDA được kỳ vọng phát triển thành tập đoàn bán lẻ số một thị trường nội địa, đủ sức cạnh tranh với các đại gia nước ngoài. Nhưng cho đến nay, kế hoạch vẫn chỉ là kế hoạch bởi các chủ đầu tư còn mải chạy theo con đường của riêng mình.
Cũng theo ông Phú, điều quan trọng nhất và ngay từ bây giờ là các nhà sản xuất, nhà phân phối phải liên kết cùng mua cùng bán, tổ chức lại sản xuất để tạo nguồn hàng ổn định cho siêu thị.
Phó Tổng giám đốc Saigon Coop, ông Nguyễn Thành Nhân cũng cho rằng các DN phải có sự liên kết chặt chẽ trong một chuỗi, từ khâu sản xuất, cung ứng đến tiêu thụ sản phẩm. DN Việt phải biến sự liên kết thành lợi thế cạnh tranh mới mong chống đỡ với các đại gia bán lẻ nước ngoài.
Đại Dương
tiền phong
|