Thứ Hai, 13/10/2014 16:09

Cụm công nghiệp 11 năm không có hệ thống xử lý nước thải

Được xây dựng và đưa vào hoạt động đã 11 năm nhưng đến nay, cụm công nghiệp Tân An 1 và Tân An 2 của TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải. Điều đáng nói, theo tiến độ, đến tháng 8/2014, hệ thống xử lý nước thải sẽ được bàn giao đưa vào hoạt động nhưng hiện công trình đã đóng cửa im ỉm, dừng thi công gần 2 năm nay…

Dân “kêu trời” vì ô nhiễm

Cụm công nghiệp Tân An 1 và Tân An 2 của TP Buôn Ma Thuột với diện tích 65,1ha có 61 nhà thầu thuê đất, 36 dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh. Hiện cụm công nghiệp đã lấp đầy 91,5%. Mặc dù đã đi vào hoạt động 11 năm qua nhưng đến nay, hệ thống xử lý nước thải của cụm công nghiệp này vẫn chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng. Do đó, trong suốt mấy năm qua, ngày qua ngày khối lượng lớn nước thải do các doanh nghiệp tự xử lý và xả trực tiếp ra hồ Ea Trum (xã Cư Suê, TP. Buôn Ma Thuột) khiến hồ này bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo tìm hiểu, hồ Ea Trum rộng khoảng 5ha được tỉnh Đắk Lắk đầu tư xây dựng để lấy nước tưới cà phê và sinh hoạt cho người dân. Trước đây, hồ vốn dĩ rất sạch, nước trong vắt, phía dưới chân hồ là bến nước của đồng bào buôn Sút MGư. Từ bao đời nay, bến nước hồ Ea Trum là nguồn nước chính được bà con sử dụng trong sinh hoạt, từ giặt giũ, tắm rửa, thậm chí là nguồn nước uống. Thế nhưng, từ khi cụm công nghiệp đi vào hoạt động, toàn bộ nước thải được xả thẳng ra hồ khiến hồ ô nhiễm, bốc mùi nồng nặc, rác nổi lềnh bềnh. Do đó, hơn 200 hộ đồng bào dân tộc ở trong buôn phải chuyển sang lấy nước ở một con suối khác cách xa buôn hơn 2km.

Ông Y Phen, người dân buôn Sút MGư bức xúc cho biết: “Ngày trước, hồ có đủ loại cá, nước rất sạch, giờ tìm mỏi mắt cũng không còn loại cá nào sống sót. Cứ tới mùa nắng là hồ bốc mùi hôi thối ô nhiễm không thể chịu nổi. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương nhưng vẫn không thấy có động tĩnh gì”.

Hồ Ea Trum bị ô nhiễm nặng do nước thải từ cụm công nghiệp.

Không chỉ có người dân bức xúc mà ngay cả bản thân doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp này cũng gặp khó khăn. Vì chưa có hệ thống xử lý nước thải để xử lý nước giặt bao bì, nên Công ty TNHH Nguyễn Gia Chánh phải tự tìm cách xử lý nước thải của mình. “Nếu có hệ thống xử lý nước thải của cụm công nghiệp thì mỗi ngày công ty chúng tôi thải từ 20-25m3 nước, nhưng hiện chỉ dám sản xuất và thải chưa đến 5m3/ngày. Trong khi chờ hệ thống hoàn thành, công ty phải tự đào hố xử lý nước và hầu như năm nào cũng bị cơ quan chức năng xử phạt về vi phạm môi trường” - ông Nguyễn Duy Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Gia Chánh bức xúc nói.

Chỉ biết chờ đợi

Theo tìm hiểu của phóng viên, hệ thống xử lý nước thải của cụm công nghiệp Tân An có công suất thiết kế 1.500m3/ngày/đêm, do UBTP Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Xây dựng Tiến Thịnh thi công với tổng kinh phí xây dựng hơn 37 tỷ đồng. Tuy nhiên, hơn 11 năm qua, đến nay hệ thống xử lý nước thải này chỉ mới hoàn thành được khoảng 60% khối lượng và từ cuối năm 2012, công trình đã dừng hẳn thi công.

Có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến công trình đã đóng cửa im lìm, cỏ dại phủ kín nguyên vật liệu. Ông Phạm Thanh Khiết, cán bộ kĩ thuật Công ty TNHH Xây dựng Tiến Thịnh cho biết, đến nay công ty đã hoàn thành các hạng mục như: Hàng rào, 310m2 hệ thống mương xả, nhà ép bùn. Còn bể xử lý 5.000m2, nhà điều hành cùng mạng lưới đường ống đấu nối đang trong quá trình xây dựng thì phải ngừng. Tính tới thời điểm này, công ty chỉ mới nhận được 12 tỷ đồng cho việc thi công, để kịp tiến độ, công ty đã tự bỏ ra 10 tỷ hoàn thành công trình nhưng Nhà nước vẫn chưa giải ngân, cấp vốn nên buộc phải bỏ dở công trình.

Đề cập đến vấn đề này, ông Phan Xuân Mạo, Giám đốc Ban quản lý Khu tiểu thủ công nghiệp TP Buôn Ma Thuột lý giải: “Do nguồn kinh phí của tỉnh eo hẹp nên hệ thống xử lý nước thải không còn vốn để tiếp tục xây dựng. Hiện chúng tôi đã đề nghị tỉnh cho vay tiền của Quỹ Đầu tư và Phát triển. Giờ cũng chưa biết khi nào hệ thống này mới được hoàn thành. Trong thời gian chờ đợi, các doanh nghiệp đành tự xử lý nguồn nước thải hoặc chở đi nhờ các khu công nghiệp khác xử lý”.

Theo thống kê, hiện tỉnh Đắk Lắk có 9 khu, cụm công nghiệp, với tổng diện tích trên 600ha, đã có 136 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 65 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng hầu hết đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các doanh nghiệp này buộc phải “vô tư” xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường làm ô nhiễm nghiêm trọng, gây nhiều bức xúc cho người dân, nhất là các khu vực dân cư sinh sống liền kề.

Lượng nước thải và chất thải từ các cơ sở, cụm công nghiệp ngày một nhiều. Tuy nhiên, trong khi điều kiện ngân sách của tỉnh còn khó khăn, việc đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải tập trung không thể hoàn thành trong “một sớm một chiều”. Vậy phải chăng trong thời gian chờ đợi, doanh nghiệp cứ mặc nhiên thải còn môi trường và sức khỏe người dân vẫn cứ tiếp tục chịu ảnh hưởng?!

Văn Thành

công an nhân dân

Các tin tức khác

>   Làm cao tốc lên Đà Lạt cần 32.000 tỷ đồng (13/10/2014)

>   Sau vụ vỡ hồ dự án Bauxite Tân Rai: Cần đảm bảo không có sự cố tương tự (13/10/2014)

>   Lỗi hẹn T.P.P? (13/10/2014)

>   Làm ăn chính đáng là yêu nước (13/10/2014)

>   Khi nhà sản xuất phải “mượn tên” (13/10/2014)

>   Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp nội chật vật chống đỡ (13/10/2014)

>   Làm ra 1,6 tỷ USD/ngày: Nhân viên hải quan không màng? (13/10/2014)

>   GS Nguyễn Mại: Đừng nghĩ FDI chỉ có… trốn thuế, chuyển giá! (12/10/2014)

>   Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN: Sử dụng sai hàng nghìn tỷ đồng (12/10/2014)

>   Nhờ cá tra, Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu cá phile sang Brazil (12/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật