Thứ Hai, 13/10/2014 09:29

Khi nhà sản xuất phải “mượn tên”

Câu chuyện nhà sản xuất nội địa bị hệ thống phân phối ngoại “chèn ép” và áp đặt bằng các chính sách thu mua, chính sách giá bán không phải là chuyện mới. Thậm chí, có chuyện các DN phải sử dụng đến các khoản phí bôi trơn mới đưa được hàng vào siêu thị.

Nhà phân phối áp đặt

Nhận làm gia công nhãn hàng riêng các sản phẩm hoá mỹ phẩm như dầu gội, bột giặt… cho hệ thống siêu thị Metro, BigC, CTCP Đầu tư Hoà Hợp cũng đồng thời đưa hàng vào tiêu thụ tại hệ thống phân phối của các hãng này. Tuy nhiên, với mức giá bán mà hệ thống này đưa ra thấp hơn nhiều so với giá bán của DN, Hoà Hợp đứng trước nguy cơ không thể tiêu thụ được sản phẩm và bị đẩy ra khỏi thị trường.

Ông Đỗ Trung Hoà - Giám đốc Công ty Hoà Hợp cho biết, không những áp dụng chính sách bán phá giá với các sản phẩm gia công, hệ thống phân phối này còn đưa ra cơ chế riêng cho các sản phẩm của DN muốn bán trong các siêu thị. Sự áp đặt và chèn ép với quyền lực của nhà phân phối đã khiến cho hàng hoá của các nhà sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh trên thị trường.

“Trước đây khi hợp tác với Metro và BigC, ngoài việc làm nhãn riêng cho các siêu thị này, chúng tôi còn đưa sản phẩm của mình vào. Thế nhưng, các nhà phân phối này yêu cầu rất nhiều như sinh nhật, quà tặng và thời hạn thanh toán chậm đến 60 ngày làm đọng vốn DN khá lớn. Với các sản phẩm nhãn hàng riêng hay là sản phẩm mang tên của chúng tôi, siêu thị đều áp dụng một chính sách bán phá giá thị trường.

Ví dụ: một mặt hàng DN bán vào hệ thống siêu thị là 1.000 đồng, trên thị trường bán là 1.200 đồng thì trong hệ thống siêu thị đó bán 1.100 đồng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi ngoài thị trường”, ông Hoà cho biết.

Trước sự áp đặt của nhà phân phối, lãnh đạo Công ty Hoà Hợp đã quyết định không tiếp tục hợp tác làm nhãn hàng riêng mà chỉ đưa các nhãn hiệu sản phẩm của Hoà Hợp vào siêu thị để bán với một số lượng nhất định. Còn lại, phần lớn sản phẩm của Hoà Hợp đều được DN đưa phân phối tại các chợ truyền thống và điểm bán, với lượng tiêu thụ khá lớn.

Ông Hoà cho biết, đưa hàng vào siêu thị là kênh tốt giúp DN nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và tiếp cận một bộ phận khách hàng có thu nhập cao, song với những chính sách mang tính “chèn ép” DN sản xuất, Hoà Hợp quyết định đưa hàng vào tiêu thụ tại các thị trường truyền thống để xây dựng thương hiệu sản phẩm tại những phân khúc thị trường có lượng tiêu thụ cao hơn.

Thực tế, quyết định chuyển hướng này đã giúp các nhãn hiệu hoá mỹ phẩm của Hoà Hợp như bột giặt, nước giặt Aka, nước rửa chén Basao… xây dựng được hàng nghìn kênh bán hàng tại các chợ truyền thống trên khắp cả nước và các điểm bán hàng riêng.

Lo lạm quyền

Câu chuyện nhà sản xuất nội địa bị hệ thống phân phối ngoại “chèn ép” và áp đặt bằng các chính sách thu mua, chính sách giá bán không phải là chuyện mới. Đã có không ít nhà sản xuất trong nước phải than phiền và “kêu” rất nhiều bởi những hệ thống phân phối, nhà thương mại, bán lẻ luôn đưa ra những yêu cầu khắt khe để hàng hoá có thể đặt chỗ trong siêu thị, hoặc có những đòi hỏi không hợp lý để phân phối hàng tại những vị trí đẹp trên quầy kệ.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, để vào được siêu thị, các DN sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi từ hệ thống phân phối. Thậm chí, có chuyện các DN phải sử dụng đến các khoản phí bôi trơn mới đưa được hàng vào siêu thị.

Với chính sách của nhà phân phối đang có phần áp đặt các DN sản xuất, ông Trịnh Đình Long, Giám đốc Công ty Giải pháp phát triển DN (Amica), tỏ ra khá lo ngại khi hệ thống 19 điểm bán của Metro đã chuyển tay cho đại gia Thái Lan – Tập đoàn Berli Juker (BJC). Thương vụ này gây ra tâm lý lo ngại hơn khi BJC đã nghiên cứu thị trường Việt Nam khá kỹ lưỡng về nhu cầu tiêu dùng mua sắm để đưa hàng Thái Lan thâm nhập mạnh mẽ và sâu rộng vào thị trường của người Việt. Đặc biệt khi hãng này đã mua lại hệ thống cửa hàng tiện lợi khác và đưa đến 70% hàng hoá Thái Lan vào hệ thống cửa hàng này.

“Khi nhiều hàng hoá của Thái Lan được bán trên thị trường thì hàng hoá của Việt Nam sẽ không bán được vì người tiêu dùng chỉ mua một lượng sản phẩm nhất định thỏa mãn nhu cầu. Câu chuyện là người tiêu dùng mua hàng Việt Nam hay hàng Thái Lan, đều phụ thuộc vào giá cả và tính sẵn có của sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Nên nếu BJC khai thác chuỗi cung ứng hiệu quả, sẽ tác động đến phân phối sản phẩm của các nhà sản xuất và cơ hội hàng Thái Lan vào Việt Nam sẽ nhiều hơn khi hàng hoá vận chuyển từ nước này về Việt Nam ngày càng nhanh hơn, và giá thành cũng sẽ giảm, nguy cơ cạnh tranh ngày càng lớn”, ông Long nói.

Chưa biết Metro sẽ ưu tiên cho sản phẩm nào vào hệ thống, song với quyền lực của nhà phân phối, họ hoàn toàn quyết định sẽ đưa mặt hàng nào vào siêu thị. Cho rằng quan ngại này là có cơ sở, song ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cũng chỉ ra thực tế là hệ thống siêu thị nước ngoài như Metro hay BigC hiện vẫn đang bán rất nhiều hàng hoá của Việt Nam. Do đó, Bộ trưởng cho rằng cần tận dụng những cơ hội của thị trường để đưa hàng Việt Nam có thế mạnh vào thị trường như hàng nông sản, thuỷ sản, dệt may, da giày.

“Nếu hàng Việt Nam xây dựng chất lượng tốt, mẫu mã thu hút được người tiêu dùng, giá cả phải chăng thì chắc chắn hàng Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh và các nhà phân phối cũng sẽ đưa hàng Việt Nam vào tiêu thụ trong hệ thống của họ”, Bộ trưởng Bộ Công Thương trấn an các nhà sản xuất.

Mạnh Trung

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp nội chật vật chống đỡ (13/10/2014)

>   Làm ra 1,6 tỷ USD/ngày: Nhân viên hải quan không màng? (13/10/2014)

>   GS Nguyễn Mại: Đừng nghĩ FDI chỉ có… trốn thuế, chuyển giá! (12/10/2014)

>   Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN: Sử dụng sai hàng nghìn tỷ đồng (12/10/2014)

>   Nhờ cá tra, Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu cá phile sang Brazil (12/10/2014)

>   Hơn 1,4 tỉ USD nhập khẩu dược phẩm (12/10/2014)

>   Chuỗi toàn cầu: Nỗi bất lực 50 đồng Việt Nam (12/10/2014)

>   Đòi lại phí kẹt cảng (12/10/2014)

>   Nhập khẩu than: Nghịch lý được báo trước (12/10/2014)

>   Nghịch lý từ... nhà máy (12/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật