Thứ Hai, 13/10/2014 16:36

Trả lại vị trí cho doanh nhân

Chưa một quốc gia nào trên thế giới có thể phát triển mà thiếu vắng các nhà công nghiệp hay các doanh nghiệp tư nhân trong nước có sức cạnh tranh cao với những sản phẩm làm nên thương hiệu của họ. Đây chính là vấn đề của Việt Nam.

Chưa một quốc gia nào trên thế giới có thể phát triển mà thiếu vắng các nhà công nghiệp hay các doanh nghiệp tư nhân trong nước có sức cạnh tranh cao với những sản phẩm làm nên thương hiệu của họ. Đây chính là vấn đề của Việt Nam. Việt Nam dường như không thể tìm ra những sản phẩm hay.

Việt Nam dường như không thể tìm ra những sản phẩm hay doanh nghiệp làm nền tảng cho nền kinh tế như Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Thụy Điển... Hệ quả này bắt nguồn từ sự kỳ thị của dư luận và phân biệt đối xử của Nhà nước đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong một thời gian rất dài.

Tuy tâm lý kỳ thị và sự phân biệt đối xử có giảm, nhất là kể từ khi có Luật Doanh nghiệp năm 1999, nhưng vẫn còn rất nặng nề. Nhân kỷ niệm 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam và trong bối cảnh Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo và trả lại vị trí đích thực cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Tư nhân trong nước thường bị ghẻ lạnh

Nhìn từ khía cạnh dư luận, cho dù biết “phi thương bất phú”, nhưng thành kiến “con buôn” đã in đậm qua rất nhiều thế hệ người Việt. Tư tưởng nhìn những người giàu, những doanh nghiệp làm ăn phát đạt thì phải có cái gì đó không trong sáng, không minh bạch là rất phổ biến từ trước đến nay.

Nên nhìn sự thành công của các doanh nghiệp Việt Nam và sự lớn mạnh của họ là niềm tự hào chung thay vì tâm lý không vui hay nghi ngờ.

Thực ra, mục tiêu quan trọng nhất và thường là duy nhất của các doanh nhân là kiếm tiền, càng nhiều càng tốt. Thước đo sự thành đạt đơn giản chỉ là số tiền mà họ kiếm được. Người kiếm được nhiều tiền hơn là người giỏi hơn. Người có thể kiếm được nhiều tiền ở trong bất kỳ môi trường nào đều là người giỏi. Họ biết tận dụng và nắm bắt cơ hội. Để quốc gia trở nên phát triển, đội ngũ này cần được trân trọng và nuôi dưỡng.

Trong khi đó, nhìn từ khía cạnh chính sách và quan điểm của Nhà nước, kể từ năm 1945 đến nay, các doanh nghiệp tư nhân trong nước thường là đối tượng không được khuyến khích.

Thậm chí, trong nhiều giai đoạn, nhiều trường hợp, họ còn bị coi là mối đe dọa cần phải kiềm chế, thậm chí là xóa bỏ. Tư tưởng này chưa hoàn toàn biến mất ở thời điểm hiện nay.

Thực tế ở các nước phát triển đã chứng minh, các doanh nghiệp tư nhân là nền tảng của nền kinh tế và sự thịnh vượng của một quốc gia. Tuy nhiên, các chính sách của Việt Nam trong rất nhiều năm qua đang là ưu tiên ngược.

Thứ nhất, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) luôn là đối tượng được ưu tiên nhiều nhất, nhưng đây là đối tượng đang tiêu tốn nguồn lực quốc gia hơn là mang lại lợi ích. Các DNNN là cần thiết trong một số hoạt động kinh tế và thời gian nhất định do tư nhân không có động cơ tham gia. Tuy nhiên, chưa có nước nào trên thế giới mà các DNNN đóng vai trò chủ đạo hay làm nền tảng cho nền kinh tế để giúp nước đó trở nên thịnh vượng.

Thứ hai, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường nhận được những ưu đãi cao hơn rất nhiều các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Dường như Nhà nước không tin vào khả năng của mình?

Việc có những ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp như Intel hay Samsung là cần thiết vì kỳ vọng chúng sẽ mang lại nhiều tác động hay ngoại tác tích cực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đối với những trường hợp thông thường, các doanh nghiệp trong nước nên được ưu tiên hơn.

Chỉ cần nhìn ở khía cạnh thuế, các doanh nghiệp trong nước không thể chuyển giá. Cho dù họ có tìm cách lách thuế thì của cải làm ra đa phần là nằm đâu đó trên lãnh thổ Việt Nam. Ngược lại, việc chuyển giá của các doanh nghiệp FDI làm cho Việt Nam chẳng có lợi gì cả.

Hơn thế, khi gặp điều kiện kinh doanh bất lợi, các doanh nghiệp FDI thường rút đi, trong khi các doanh nghiệp trong nước có khuynh hướng chuyển sang lĩnh vực khác trong nước hơn là chuyển ra nước ngoài. Việc Intel rút khỏi Costa Rica là một điển hình. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra đối với Việt Nam trong tương lai.

Không nên đổ tội cho các doanh nghiệp tư nhân

Tâm lý chung hiện nay thường gán cho các doanh nghiệp tư nhân hay những ông chủ của họ đang điều khiển các nhóm lợi ích khuynh đảo và gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Cách nhìn nhận này là không công bằng ít nhất ở hai vấn đề.

Thứ nhất, thực tế ở tất cả các nước trên thế giới, các doanh nghiệp luôn đóng vai trò rất quan trọng và rất chủ động trong quá trình ra chính sách công. Họ là người tạo ra phần lớn của cải và nắm nguồn lực toàn xã hội, nên ảnh hưởng của họ là tất yếu.

Việc gây ảnh hưởng của các doanh nhân theo hướng có lợi cho các hoạt động kinh doanh của mình là chính đáng. Vấn đề là ở chỗ, các chính sách tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh thực chất làm ra nhiều của cải cho xã hội thì cả xã hội sẽ khấm khá lên.

Ngược lại, nếu các chính sách vô hình trung khuyến khích đầu cơ làm ăn không minh bạch, người này được thì người kia mất sẽ tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh và nền kinh tế sẽ gặp trục trặc. Khi đó, một số ít người sẽ được rất nhiều và thiệt hại thuộc về số đông.

Do các chính sách chưa hợp lý, thiếu các thể chế giám sát nên tạo ra động cơ kinh doanh đánh quả, ngắn hạn hơn là đầu tư và kinh doanh bài bản. Thiết chế tạo ra động cơ nhưng các doanh nghiệp tư nhân lại bị coi là thủ phạm chính trong khi lỗi này thuộc về các cơ quan làm luật và cấu trúc thể chế hiện tại.

Thứ hai, xét về tác động tiêu cực và hậu quả để lại cho nền kinh tế Việt Nam thì các DNNN đang để lại hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều. Chỉ cần điểm những tên như Vinashin, Vinalines và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đã thấy hậu quả khủng khiếp dường nào.

Nhiều DNNN đã có những ảnh hưởng, tác động chính sách theo hướng có lợi cho một số cá nhân muốn có ảnh hưởng hay mục tiêu cho vị trí cao hơn trong bộ máy chính quyền đã tạo ra những hậu quả rất tai hại.

Trả lại vị trí cho doanh nghiệp tư nhân

Đối với Việt Nam, những cải cách trong thời gian tới nên tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh để nuôi dưỡng sự sáng tạo, tạo ra nhiều của cải và ngăn chặn những hành vi hay những hoạt động kinh doanh trục lợi gây tổn thất cho xã hội.

Ở góc độ dư luận, chúng ta nên nhìn sự thành công của các doanh nghiệp Việt Nam và sự lớn mạnh của họ là niềm tự hào chung thay vì tâm lý không vui hay nghi ngờ. Đương nhiên, Việt Nam cũng cần một xã hội dân sự năng động để có thể kiểm soát và ngăn chặn những hoạt động kinh doanh trục lợi không lành mạnh.

Các doanh nghiệp tư nhân trong nước cần được đặt ở vị trí trang trọng như ở Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nơi khác. Họ chính là nền tảng của một xã hội thịnh vượng. Nếu không, ước mơ sánh vai với các cường quốc năm châu của Việt Nam sẽ còn rất xa vời.

Huỳnh Thế Du

tbktsg

Các tin tức khác

>   Cụm công nghiệp 11 năm không có hệ thống xử lý nước thải (13/10/2014)

>   Làm cao tốc lên Đà Lạt cần 32.000 tỷ đồng (13/10/2014)

>   Sau vụ vỡ hồ dự án Bauxite Tân Rai: Cần đảm bảo không có sự cố tương tự (13/10/2014)

>   Lỗi hẹn T.P.P? (13/10/2014)

>   Làm ăn chính đáng là yêu nước (13/10/2014)

>   Khi nhà sản xuất phải “mượn tên” (13/10/2014)

>   Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp nội chật vật chống đỡ (13/10/2014)

>   Làm ra 1,6 tỷ USD/ngày: Nhân viên hải quan không màng? (13/10/2014)

>   GS Nguyễn Mại: Đừng nghĩ FDI chỉ có… trốn thuế, chuyển giá! (12/10/2014)

>   Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN: Sử dụng sai hàng nghìn tỷ đồng (12/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật