Thứ Hai, 13/10/2014 16:49

Nghị định 67: Quyết liệt nhưng không nóng vội

Cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền cho ngư dân, “thấm” việc đồng vốn từ NĐ 67 là nguồn vốn ưu đãi, chứ không phải là khoản tiền “cho không”.

Đầu tư lớn, hiệu quả thấp

Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ 67) của Chính phủ với nhiều chính sách ưu đãi đang được kỳ vọng là “cú hích” để phát triển ngành thuỷ sản nước nhà. Thế nhưng, để chủ trương này phát huy hiệu quả trong thực tế, tránh được những lỗ hổng của chính sách tín dụng ưu đãi phát triển thuỷ sản trước đây là chuyện không thể nóng vội…

Từ nhiều năm nay, TP. Đà Nẵng là một trong những địa phương luôn đi đầu trong lĩnh vực hỗ trợ khai thác thủy sản nói chung, phục vụ đánh bắt xa bờ nói riêng. Không ít mô hình hay, cách làm hiệu quả của thành phố đã được nhân rộng ra cả nước. Nhưng, cũng tại địa phương này, những thất bại khi thực hiện các chính sách tín dụng cho ngành thuỷ sản cũng rất rõ nét, để lại những hậu quả lâu dài...

Năm 1997, cũng để tạo “cú hích” cho ngành thuỷ sản, Chính phủ đã ban hành Quyết định 393/1997/QÐ-TTg (QĐ 393) về cho vay đánh bắt xa bờ. Ngay sau khi ra đời, với nhiều ưu đãi khi cho vay cải hoán, đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ… quyết định này được nhiều bà con ngư dân Đà Nẵng phấn khởi đón nhận. Nhưng, rốt cuộc “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi hàng chục con tàu trị giá tiền tỷ vẫn nằm bờ. Hệ quả: Ngư dân ôm nợ; NH liêu xiêu…

Ông Đồng Tiến, trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà một trong những ngư dân đầu tiên ở TP. Đà Nẵng được vay vốn theo QĐ 393 nhớ lại: Lúc đó, nghe thông tin Nhà nước cho vay với lãi suất ưu đãi để đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ, bà con hăm hở lắm. Thấy mọi người đăng ký, ông Tiến cũng lên phường kê khai thủ tục vay vốn.

Khi làm hồ sơ vay vốn của NH Phát triển Chi nhánh Đà Nẵng ông chỉ biết ký các giấy tờ, không trực tiếp nhận tiền. Lẽ đương nhiên cũng không tự quyết được hình hài, ngang dọc con tàu của mình như thế nào. Tàu mới, hừng hực khí thế ra khơi. Nhưng chỉ được vài chuyến đầu còn các chuyến sau ông Tiến đã cảm thấy nản, vì… lỗ chỏng vó.

Để nuôi hy vọng, ông chuyển từ nghề lưới cản, sang câu mực, nhưng cũng không thay đổi được tình hình, cá mực bắt được không đủ phí tổn. Gắng gượng gần 1 năm, đến đầu năm 2008 Nhà nước thu hồi rồi đấu giá con tàu tiền tỷ của ông chỉ vỏn vẹn được gần 300 triệu đồng. Ông Tiến thở dài, tưởng đổi đời ai ngờ thêm cục nợ…

Tránh vay vốn NĐ 67 theo kiểu phong trào.

Từ năm 1997 đến 1999, tại TP. Đà Nẵng có 35 dự án của ngư dân và các HTX được vay vốn theo QĐ 393 để đóng mới 42 tàu có công suất từ 90 - 165CV với tổng số vốn lên đến 56 tỷ đồng. Giải ngân năm trước, đến năm sau cả NH lẫn ngư dân đã thấy không ổn.

Nguyên nhân chính, mặc dù có tàu lớn nhưng do ngư dân chưa quen với cách đánh bắt xa bờ, mẫu tàu lại thiết kế chưa phù hợp với tập quán đánh bắt… dẫn đến khai thác kém hiệu quả, càng đi biển càng lỗ. Hàng chục con tàu tiền tỷ của ngư dân Sơn Trà, Thanh Khê, Liêu Chiểu… đành chấp nhận cảnh nằm bờ, xuống cấp nhanh chóng. Đến đầu năm 2008, những con tàu cuối cùng vay vốn theo QĐ 393 ở Đà Nẵng được hoá giá ở mức rẻ mạt…

Sau QĐ 393, trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn triển khai một số chính sách tín dụng ưu đãi khác để phát triển thuỷ sản. Nhưng, tất cả các chính sách này đều có chung một mẫu số là kém hiệu quả. Trong đó, phải kể đến Quyết định 289/QÐ-TTg của Chính phủ cho vay đóng mới tàu, nhưng lại không quy định cho vay mua sắm ngư lưới cụ, trang thiết bị đi kèm nên dẫn đến thiếu đồng bộ, ngư dân cũng khai thác kém hiệu quả...

Tránh vết xe đổ

Theo ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá TP. Đà Nẵng, nguyên nhân chính khiến nhiều chính sách tín dụng ưu đãi cho ngành thuỷ sản kém hiệu quả, thậm chí có dự án thất bại là do tiêu chí đối tượng được vay vốn chưa xác định rõ ràng. Từ đó, không xác định được những người có nhu cầu thật sự, năng lực, phương án sản xuất tốt hay không? Cho vay theo kiểu “cào bằng”, đã khiến một số trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi để trục lợi.

Bên cạnh đó, NH mới chỉ cho vay đóng mới tàu thuyền, chưa bố trí nguồn tín dụng cho vốn lưu động để ngư dân hoạt động, cơ sở hậu cần nghề cá không đảm bảo. Đến khi làm ăn không được, ngư dân lại còn có tâm lý “dòm ngó” lẫn nhau khi trả nợ NH…

Nếu so với những chính sách tín dụng cho ngành thuỷ sản trước đây, NĐ 67 hiện nay còn có những cơ chế hết sức ưu đãi về lãi suất, thời gian trả nợ... NH cũng đã có những chủ động hơn, khi tự lựa chọn người vay có kinh nghiệm, năng lực tài chính đặc biệt là khả năng sử dụng vốn, khai thác tài sản có hiệu quả… Tuy nhiên, theo nhiều người không vì thế mà chủ quan, để rồi đi theo vết xe đổ…

Như nhiều địa phương khác trong cả nước, hiện nhu cầu đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu cá theo NĐ 67 của ngư dân Đà Nẵng rất lớn. Đến nay, toàn thành phố có 146 tổ chức, cá nhân (138 ngư dân, 1 cá nhân, 7 DN) đăng ký đóng mới 184 tàu (161 tàu khai thác, 23 tàu hậu cần)…

Tuy nhu cầu thực tế lớn, nhưng TP. Đà Nẵng chỉ được Bộ NN&PTNT phân bổ 47 tàu. Trong đó, có 39 tàu khai thác thủy sản, 8 tàu dịch vụ hậu cần. Do vậy, bài toán đang đặt ra cho chính quyền thành phố, trực tiếp là Sở NN&PTNT cùng các chi nhánh NH trên địa bàn là phải tìm đúng những “hạt giống” tốt, tránh tình trạng vay vốn NĐ 67 theo kiểu phong trào.

Ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định, thành phố sẽ xây dựng bộ tiêu chí riêng, tự kiểm định năng lực tài chính và vốn vay của từng DN, cá nhân có nhu cầu vay vốn. Về phía ngành NH, ông Võ Minh - Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng cho biết, để được vay vốn theo NĐ 67, trước hết ngư dân phải đáp ứng đủ hai điều kiện: phương án được thành phố phê duyệt và NH thẩm định. Trường hợp dù đã được địa phương phê duyệt, nhưng khi NH thấy phương án không khả thi thì cũng sẽ bị loại và chọn trường hợp khác thay thế…

Chính quyền thành phố và ngành NH đã có những quyết tâm khi sàng lọc chặt chẽ đối tượng “đầu ra” được vay vốn theo NĐ 67. Nhưng, để việc thực hiện thực sự có hiệu quả trong thực tế thì vấn đề căn cơ nhất vẫn là ý thức của từng ngư dân. Cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền cho ngư dân, “thấm” việc đồng vốn từ NĐ 67 là nguồn vốn ưu đãi, chứ không phải là khoản tiền “cho không”.

Có như vậy, ngư dân sẽ phải tính toán kỹ phương án trả nợ trước khi đặt bút ký vào từng bản hợp đồng vay vốn đóng tàu, loại bỏ tâm lý “thấy người ăn khoai vác mai đi đào”...

Nghi Lộc

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Trả lại vị trí cho doanh nhân (13/10/2014)

>   Cụm công nghiệp 11 năm không có hệ thống xử lý nước thải (13/10/2014)

>   Làm cao tốc lên Đà Lạt cần 32.000 tỷ đồng (13/10/2014)

>   Sau vụ vỡ hồ dự án Bauxite Tân Rai: Cần đảm bảo không có sự cố tương tự (13/10/2014)

>   Lỗi hẹn T.P.P? (13/10/2014)

>   Làm ăn chính đáng là yêu nước (13/10/2014)

>   Khi nhà sản xuất phải “mượn tên” (13/10/2014)

>   Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp nội chật vật chống đỡ (13/10/2014)

>   Làm ra 1,6 tỷ USD/ngày: Nhân viên hải quan không màng? (13/10/2014)

>   GS Nguyễn Mại: Đừng nghĩ FDI chỉ có… trốn thuế, chuyển giá! (12/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật