Góc nhìn tuần 18-22/08: Vẫn trong kịch bản giằng co?
Các chuyên gia nhận định diễn biến trong tuần tới vẫn chưa thoát ra khỏi xu hướng giằng co. Theo đó, có ý kiến lo ngại về khả năng rủi ro giảm mạnh khi thị trường tích lũy quá lâu mà không bứt phá.
Rủi ro giảm điểm trên diện rộng
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Tuần qua thị trường tiếp tục chứng kiến xu hướng phân hóa khá mạnh của dòng tiền trên cả 2 sàn. Một vài cổ phiếu trụ có xu hướng hoạt động thiếu tích cực khiến VN-Index không có động lực bứt phá khỏi ngưỡng cản 607 điểm. Quá trình tích lũy sau thời gian dài tăng điểm là cần thiết cho thị trường, tuy nhiên nếu dao động trong vùng này quá lâu và không có động lực bứt phá, rủi ro giảm điểm trên diện rộng là có khả năng xảy ra.
Nhóm các cổ phiếu được SHS kỳ vọng tiếp tục thu hút dòng tiền trong tuần tới vẫn thuộc về các mã có cơ bản tốt, có sự hỗ trợ mạnh từ các thông tin liên quan đến chia tách cổ phiếu, cổ tức và kỳ vọng về hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục biến chuyển theo chiều hướng tích cực trong các tháng còn lại của năm. SHS đánh giá cao nhóm cổ phiếu dầu khí, chứng khoán và một số cổ phiếu bất động sản có quỹ đất lớn
Cơ hội để thoát khỏi trạng thái giằng co
CTCK FPT (FPTS): Thị trường đang phát đi những tín hiệu cải thiện về xu hướng và cho thấy cơ hội để thoát khỏi trạng thái giằng co, đi ngang hiện tại. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần lưu ý rằng thị trường sẽ vẫn gặp khó khăn do các chỉ số đang bị chi phối bởi áp lực bán ròng của khối ngoại và trạng thái thiếu vắng thông tin hỗ trợ từ vĩ mô.
Bởi vậy, FPTS bảo lưu khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp trong danh mục, tránh tâm lý hưng phấn hoặc bi quan thái quá, việc giải ngân vẫn cần hạn chế và chờ đợi thị trường có thêm tín hiệu xác nhận rõ ràng hơn.
Lạc quan về xu hướng thị trường sắp tới
CTCK Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BSI): Có vẻ như nhà đầu tư đã quen với kịch bản các chỉ số tăng/giảm nhẹ với khối lượng vừa phải và khối ngoại bán ròng, do đó tâm lý nhà đầu tư khá tốt trong thời gian gần đây và đều lạc quan về xu hướng sắp tới của thị trường.
Trong ngắn hạn, nhà đầu tư ưa rủi ro có thể mở vị thế tại những mã đầu cơ chưa tăng giá nhiều trong thời gian qua. Với những nhà đầu tư an toàn, BSI tiếp tục khuyến nghị giữ nguyên danh mục hàng cơ bản, đồng thời có thể sử dụng margin để cơ cấu thêm những mã cơ bản khác nhưng chưa tăng giá mạnh.
Tiếp tục giằng co
CTCK Rồng Việt (VDSC): Nhìn chung, các chỉ số tuần qua không có thay đổi đáng kể về mặt điểm số, dòng tiền “len lỏi sâu” vào nhóm cổ phiếu dầu khí và một vài cổ phiếu nhỏ khác. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài duy trì vị thế bán ròng suốt cả tuần với giá trị bán ròng cả hai sàn là hơn 608 tỷ đồng, trong đó có nhân tố bán ròng đến từ hai quỹ ETF. Theo số liệu mới nhất, lượng chứng chỉ quỹ của VNM ETF giảm 150,000 đơn vị so với đầu tuần, trong khi FTSE ETF giảm 100,000 đơn vị.
VDSC cho rằng thị trường vẫn sẽ tiếp tục giằng co trong vùng điểm hiện tại, xen kẽ vào đó, những cổ phiếu Mid Cap và penny mới tham gia vào đà tăng giá có thể sẽ là cảm hứng cho nhà đầu tư ngắn hạn trong tuần giao dịch kế tiếp.
Khó có biến động mạnh
CTCK Bảo Việt (BVSC): Theo quan điểm của BVSC, tác động từ yếu tố KQKD quý 2 của các công ty niêm yết đã được phản ánh khá nhiều vào diễn biến thị trường. Thị trường trong tuần tới nhiều khả năng sẽ khó có biến động mạnh khi không còn nhiều thông tin mang tính hỗ trợ. Xu hướng giằng co điều chỉnh nhẹ được BVSC đánh giá cao khi tín hiệu phân phối trong phiên cuối tuần qua đã gia tăng đáng kể.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi giá cao và tranh thủ các nhịp phục hồi để thực hiện chốt lời từng phần cho danh mục ngắn hạn.
Dòng tiền vào thị trường dần ổn định
CTCK Đông Á (DAS): Dù VN-Index giằng co mạnh, nhưng gap tạo ra trong phiên 15/08 vẫn cho thấy có sức chống đỡ tốt. Bên cạnh đó, với diễn biến tăng điểm, mẫu hình nến Shooting Star hình thành trên HNX-Index đã không được tiếp diễn. Khối lượng giao dịch tích cực đã giúp HNX-Index tiếp tục tăng trưởng và rời xa hơn khỏi vùng đỉnh cũ.
Khối lượng giao dịch trên hai sàn tiếp tục tăng trong tuần qua, 14% trên HNX và gần 7% trên HOSE, sau mức tăng mạnh khoảng 20% trong tuần trước đó. Khối lượng giao dịch tăng trưởng hai tuần liên tục đã không xảy ra trên HNX kể từ giai đoạn cuối tháng 3/2014. Điều này cho thấy dòng tiền vào thị trường đang có sự ổn định nhất định, là yếu tố quan trọng có thể kỳ vọng giúp thị trường có thể tiếp tục có diễn biến tích cực trong tuần giao dịch sắp tới.
Gia Nguyên tổng hợp
|