Góc nhìn 08/08: Rủi ro giảm điểm vẫn hiện hữu
Dấu hiệu đi lên của VN-Index vẫn chưa rõ và cơ hội tăng điểm không lớn. Triển vọng tăng giá sẽ chỉ tập trung một số mã cơ bản, khi đó sự vận động của từng mã riêng lẻ sẽ mang tính quyết định.
Áp lực bán mạnh khu vực 610
CTCK SaiGonBank Berjaya (SBBS): Hiện lượng giao dịch ở các mã lớn vẫn đang chiếm đa số. Nếu VN-Index tiếp tục trụ vững trên mốc 600, niềm tin của NĐT có thể được củng cố hơn, và khi đó lượng giao dịch ở các mã nhỏ có thể sẽ tăng trở lại.
Đường MACD vẫn cho tín hiệu tích cực khi chỉ báo này dịch chuyển lên mức 6.01. Theo các tín hiệu này, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm trong phiên tới. Tuy nhiên, Stochastic Oscillator vẫn nằm trong vùng qua mua; do đó, VN-Index vẫn phải đối mặt với áp lực bán mạnh ở khu vực 610 điểm. Vì vậy, các NĐT không nên mua cổ phiếu ở mức giá cao bằng mọi giá. Nếu VN-Index vượt qua mốc 610 điểm, xu hướng tăng điểm ngắn hạn sẽ được củng cố.
Rủi ro giảm điểm vẫn chưa xóa đi
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): Thị trường có những phiên tạo cho NĐT lo sợ nhưng liền sau đó lại là một trạng thái đầy hưng phấn. Những nhịp liên tục như vậy đang ngày càng giúp cho NĐT an tâm giữ cổ phiếu hơn, nhất là với những cổ phiếu cơ bản, có tình hình kinh doanh tốt.
Tuy nhiên, với góc nhìn của IVS thì sự tăng điểm trở lại vẫn chưa thực sự xóa đi những nghi ngại về rủi ro giảm điểm. Thanh khoản đã tăng nhưng điều đó là chưa đủ bởi nó cần phải tiếp tục giữ vững trong một khoảng thời gian nữa.
Giao dịch của khối ngoại tiếp tục là phiên bán ròng. Khối ngoại vẫn luôn là lực hỗ trợ mạnh cho thị trường nhưng dường như NĐT nội đang cố gắng thay thế điều này.
Trạng thái đi ngang vẫn diễn ra
CTCK FPT (FPTS): Theo FPTS quan sát thì những dấu hiệu tạo break theo chiều đi lên của VN-Index vẫn chưa thực sự rõ rệt khi thiếu đi sự ủng hộ của lực cầu giá cao, cụ thể là trạng thái đi ngang vẫn diễn ra. Chỉ số HNX-Index mặc dù có phiên tăng thứ 4 liên tiếp nhưng vẫn chưa thoát khỏi trạng thái sideway up và vẫn còn cách khu vực đỉnh cũ mốc 93 điểm một khoảng khá xa. Trong ngắn hạn, HNX-Index vẫn đang phản ánh trung thực hơn về tâm lý thị trường chung khi mà chỉ số không bị bóp méo bởi mức tăng giảm của các mã vốn hóa lớn.
Bối cảnh chung, khi mà những kỳ vọng đối với kết quả kinh doanh của nhóm cổ phiếu cơ bản có vốn hóa vừa phải qua đi thì FPTS đánh giá cơ hội đối với thị trường chứng khoán là không lớn. Triển vọng tăng trưởng giá ngắn hạn vẫn sẽ chỉ tập trung ở một số ít mã cơ bản được dòng tiền chú ý như: PVC, SAM, SSI… và lợi nhuận kỳ vọng cũng chỉ ở mức thấp.
Ngoài ra, trạng thái bán ròng của khối ngoại cũng là tín hiệu xấu cần lưu ý. Theo đó, NĐT nên duy trì sự bình tĩnh, tránh tâm lý hưng phấn hoặc bi quan thái quá, các giao dịch ngắn hạn vẫn cần được hạn chế ở thời điểm hiện tại.
Rủi ro đang lớn dẫn lên
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Mặc dù đã chinh phục được mức đỉnh 607.55, điều đó không đảm bảo cho xu hướng tăng tiếp tục được duy trì bền vững. Ngược lại, trong bối cảnh các bluechips có dấu hiệu chững lại, khối ngoại bán ròng mạnh mẽ, đặc biệt trên HSX và các thông tin tích cực xuất hiện ngày càng nhiều, BSI cho rằng rủi ro trên thị trường đang lớn dần lên.
Tuy vậy, chí ít là đến thời điểm này, xu hướng tăng vẫn được duy trì, và hoạt động bán tháo chưa xảy ra. Do đó, BSI khuyến nghị NĐT hạn chế mua mới, đặc biệt là các mã chất lượng thấp và chưa cần bán bằng mọi giá, có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại, chờ diễn biến tiếp theo của thị trường.
Sự vận động từng mã sẽ mang tính quyết định
CTCK Bảo Việt (BVS): Theo BVS sự vận động của từng mã riêng lẻ sẽ mang tính quyết định trong giai đoạn này thay vì diễn biến chung của hai chỉ số. Dòng tiền sẽ có xu hướng tập trung vào dòng Mid Cap hoặc penny thay vì nhóm cổ phiếu bluechip do nhóm này đã tăng nóng trong nhịp vừa qua và đang chịu ảnh hưởng bởi động thái bán ròng của khối ngoại.
Các NĐT có thể tranh thủ các phiên giảm điểm để gia tăng tỷ trọng quay vòng cho danh mục ngắn hạn, tuy nhiên chỉ nên áp dụng với một tỷ trọng nhỏ và tránh mua đuổi ở các mức giá cao.
Trần Hạnh tổng hợp
|