Thị trường tháng 8: Xu hướng tích lũy, điểm nhấn cổ phiếu BĐS và chứng khoán?
Với các yếu tố tác động như dòng tiền từ khối ngoại, tâm linh cùng kết quả kinh doanh... chuyên gia các công ty chứng khoán cho rằng xu hướng chung của tháng 8 sẽ là tích lũy và nhà đầu tư có thể xem xét mua vào một số cổ phiếu thuộc ngành bất động sản hay chứng khoán.
“Thị trường trong tháng 8/2014 nhiều khả năng sẽ điều chỉnh và tạo nền tảng giá mới ở các mốc thấp hơn. Cụ thể, VN-Index sẽ dao động ở ngưỡng 570-580 điểm. Kết thúc tháng 8, VN-Index sẽ đóng cửa trên mốc 580 điểm và HNX-Index là quanh ngưỡng 80 điểm” là ý kiến dự báo của ông Lê Đức Khánh – Giám đốc nghiên cứu CTCK Maritime Bank (MSBS).
Ông Khánh nhìn nhận thị trường (TT) tháng 7 vừa qua có diễn biến trái ngược so với cùng thời điểm năm ngoái khi xu hướng tăng điểm là chủ đạo và dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu cơ bản (blue chips đầu ngành và mid cap cơ bản). Tuy nhiên, trong tuần cuối tháng 7, khi chỉ số VN-Index không thể vượt qua ngưỡng 600-605 điểm kèm theo thanh khoản suy giảm đã cho thấy thị trường cần thêm thời gian để điều chỉnh. Nhiều cổ phiếu blue chips, mid cap với lực cầu giảm đã bắt đầu điều chỉnh giảm giá và khả năng các phiên điều chỉnh sẽ còn tiếp tục.
Nhận định xu hướng thị trường tháng 8, ông nghiêng về khả năng TT sẽ điều chỉnh và tạo nền tảng giá mới ở các mốc thấp hơn. Dưới góc độ PTKT thì VN-Index sẽ dao động ở ngưỡng 570-580 điểm. Cuối tháng 8 cùng với việc điều chỉnh kết thúc thì chỉ số VN-Index và HNX-Index sẽ tạo mẫu hình tăng giá mới trở lại và VN-Index sẽ đóng cửa trên mốc 580 điểm còn HNX-Index là quanh ngưỡng 80 điểm.
Theo ông Khánh, thị trường sẽ khởi sắc trở lại từ cuối tháng 8 nhờ các thông tin tích như chính sách vĩ mô có sự cải thiện; tăng trưởng tín dụng, GDP, lạm phát sẽ tốt hơn; các tin tức về dự báo kết quả kinh doanh quý 3/2014 và điều quan trọng nhất là niềm tin của nhà đầu tư (NĐT) sẽ tăng trở lại.
Còn hiện tại, đối với những NĐT ngắn hạn thì việc giao dịch cổ phiếu thực sự không thuận lợi khi cơ hội trading T+ ít hơn và nhiều rủi ro. Ngược lại với những NĐT thuộc trường phái đầu tư giá trị thì việc TT điều chỉnh giảm trong tháng 8 lại là cơ hội tuyệt vời để họ mua gom cổ phiếu tốt. Nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền vẫn là nhóm dầu khí, xây dựng cơ bản, xây dựng hạ tầng, chứng khoán và bảo hiểm.
Ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn và Đầu tư CTCK Maybank Kimeng (MBKE): “Xu hướng chung của thị trường trong tháng 8 là đi ngang, với tâm lý tích lũy là chính để tạo một sóng tăng mới vào tháng 9. Biên độ dao động của VN-Index tại vùng hỗ trợ 575-580 điểm và kháng cự là 605-610 điểm. Còn HNX-Index vùng hỗ trợ là 76-78 điểm và kháng cự ở mức 82-84 điểm”.
Theo ông, trái ngược với tâm lý lo ngại về “tháng cô hồn” của NĐT nội, khối ngoại vẫn sẽ giải ngân trong tháng 8 và đây cũng là một phần động lực của thị trường.
Quan sát về dòng tiền trong 3 năm gần đây, ông Khánh phân tích, năm 2011 thị trường giảm mạnh, năm 2012 thị trường giảm nhưng không nhiều và năm 2013 thị trường đi ngang. Có thể thấy mức độ suy giảm ngày càng chậm và xu hướng tăng đã lộ diện. Theo như quy luật này năm 2014 thị trường sẽ gia tăng. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng nhận định năm 2014 sẽ là một xu hướng tăng dài hạn, nếu nửa cuối năm không tăng thì xu hướng này coi như bị phá vỡ.
Những năm trước, dòng tiền chưa chảy mạnh vào TTCK do các kênh đầu tư như vàng, ngoại tệ, lãi suất ngân hàng đang đứng ở mức cao. Nhưng từ năm 2013, các kênh này đã suy giảm nên dòng tiền từ 2013 đang có xu hướng chảy vào TTCK.
Ngoài ra, nhiều quỹ đầu tư cũng được thành lập, trong đó có hai quỹ lớn là FTSE và V.N.M. Trong 7 tháng đầu năm, V.N.M đã huy động gần 150 triệu USD, gấp đôi so với cùng kỳ, quỹ ETF nội cũng sẽ được thành lập vào tháng 9. Chính vì vậy dòng tiền từ các quỹ này sẽ ủng hộ cho TTCK. Tuy nhiên, việc mua chỉ đến khi thị trường về vùng giá thấp (phù hợp thời điểm hiện tại).
Bên cạnh các quỹ, thông tin tác động còn đến từ kinh tế vĩ mô tốt (xuất nhập khẩu, thặng dư, CPI tăng nhẹ…), số lượng doanh nghiệp với kết quả kinh doanh tăng so với năm trước và vượt bậc so với năm trước nữa, việc này giúp thị trường tốt hơn và bền vững hơn do doanh nghiệp là nền tảng cho thị trường.
Theo đó, ông khuyến nghị nhà đầu tư nên lưu ý cổ phiếu thuộc những nhóm ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Bên cạnh đó, cũng nên lưu ý những mã có sự giảm giá nhiều trong giai đoạn giảm vì cơ hội bật lại mạnh hơn so với những mã khác. Ngành nguyên vật liệu, năng lượng và vận tải cũng nên lưu ý mua vào.
Trong khi đó, ông Lê Vương Hùng – Giám đốc môi giới CTCK Rồng Việt (VDS) nhận định: “Tháng 8, VN-Index khó có thể đi lên được và mốc tối đa là 610 điểm, mốc thấp nhất với mức an toàn 575 điểm”.
Ông Hùng cho rằng việc VN-Index chỉ chạy đến mốc 605-606 điểm và không thể "test" thành công đỉnh 610 trong tháng 7 đã làm áp lực bán gia tăng, thị trường suy giảm về cuối tháng. Vấn đề này sẽ tác động đến thị trường trong tháng 8. Bên cạnh đó, yếu tố tâm linh (phần lớn thời gian trong tháng 8 dương lịch trùng với tháng 7 âm lịch) cũng tác động mạnh đến tâm lý giao dịch của nhà đầu tư (thời điểm này của các năm về trước TTCK đều suy giảm).
Còn kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng không có nhiều tác động do đã phản ánh vào giá và cũng vì phần lớn các doanh nghiệp có ảnh hưởng đến thị trường đã ra báo cáo tài chính. Ngoài ra, yếu tố thế giới cũng tác động mạnh đến thị trường (tình hình chính trị tại Nga-Ucraina).
Theo ông Hùng những nhân tố tích cực có thể đến từ việc lãi suất cho vay có xu hướng giảm, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục được công bố, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục mua ròng.
Vì thế, ông cho rằng trong tháng 8, VN-Index khó có thể đi lên được và mốc tối đa là 610 điểm, mốc thấp nhất với mức an toàn là 575 điểm.
Ông khuyến nghị thời điểm hiện tại nên hạn chế giải ngân, việc mua vào có thể canh thời điểm thị trường giảm vào vùng 575 điểm. Nhà đầu tư nên theo dõi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp qua 6 tháng, những doanh nghiệp với kết quả tăng trưởng so với cùng kỳ thì có thể mua vào, không phân biệt ngành nghề.
Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc khối phân tích CTCK Bảo Việt (BVS) cho biết: “Tháng 8 sẽ là giai đoạn phân hóa của thị trường với hai kịch bản chính: Dòng tiền chuyển dịch qua nhóm các bluechips hay chuyển sang nhóm mid-cap và penny. Vùng biến động của VN-Index từ 575-605 điểm”.
Ông Bình cho rằng sẽ xảy ra sự phân hóa khi sóng tăng tháng 7 kết thúc và thị trường đi xuống theo hướng phân hóa dòng tiền. Ông đưa ra hai kịch bản nhưng cũng cho biết về mặt kỹ thuật sẽ thiên về xu hướng dòng tiền dịch chuyển sang nhóm mid-cap và penny, về cơ bản thì nhóm cổ phiếu bluechips có lợi thế hơn.
Cụ thể, về mặt kỹ thuật, nhóm mid-cap và penny do ở những nhịp trước chưa tăng nhiều nhưng trong thời gian gần đây nhóm này lại điều chỉnh sâu và sớm hơn thị trường chung, vì vậy đã về vùng hỗ trợ mạnh hơn so với thị trường nên cơ sở hồi phục lại sẽ sớm hơn.
Dòng bluechips chỉ mới điều chỉnh trong 1 đến 2 tuần và ở biên độ vừa phải nên dòng tiền quay lại khó hơn và cũng chỉ mang tính ngắn hạn đi ngang và thường là tích lũy.
Thông tin hỗ trợ trong tháng 8 là việc sắp đưa vào hoạt động quỹ ETF nội, nhưng ông Bình không đánh giá giá cao do quy mô ban đầu ở mức tương đối thấp, dàn trải ra 30 mã nên tác động chung không nhiều. Tuy nhiên nó sẽ tạo ra tâm lý đầu cơ ở nhiều nhà đầu tư cá nhân. Ngay bản thân nhóm cổ phiếu bluechip cũng có sự phân hóa nhất định, có những dòng chưa tăng nhiều nhưng lại có điều chỉnh mạnh, vì vậy có cơ sở hồi phục trở lại cùng với nhóm penny.
Với những nhìn nhận trên, ông khuyến nghị nhà đầu tư trong tháng 8 nên chia danh mục ra làm 2 phần, theo trung hạn thì có thể tích lũy các cổ phiếu bluechip chưa tăng nhiều hay đang nằm ở mức hỗ trợ. Phần còn lại thì quay vòng ngắn hạn ở các cổ phiếu đầu cơ thuộc ngành bất động sản và chứng khoán với tỷ trọng 20-30%.
Duy Hoàng
|