Thứ Ba, 04/02/2014 20:00

Cắt giảm thuế theo cam kết tạo sức ép cho DN nội địa

7 năm gia nhập WTO, là thành viên của 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đang đàm phán một số Hiệp định khác trong đó đáng chú ý là Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đã, đang và sẽ tích cực triển khai các lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu cho phù hợp với những cam kết đã ký.

Hoàn thành lộ trình WTO

Vụ Hợp tác quốc tế- Bộ Tài chính cho biết, riêng trong WTO, việc cắt giảm thuế được thực hiện theo lộ trình 12 năm (từ 11-1-2007 đến 11-1-2019), theo đó thuế suất tính theo giá trị trung bình tại thời điểm gia nhập WTO là 17,5% và phải giảm xuống còn 11,4% vào năm 2019.

Tuy nhiên, chỉ đến năm 2011, mức thuế bình quân giản đơn của biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đã xuống còn 10,47%. Tiếp đó, năm 2012 Việt Nam cắt giảm thêm 945 mặt hàng theo lộ trình cam kết WTO. Năm 2013, mức thuế suất bình quân của cả biểu thuế chỉ còn khoảng 10,32%. Như vậy, ngoài một số ít các mặt hàng nhạy cảm như ô tô có lộ trình đến năm 2019, về cơ bản hiện nay Việt Nam đã hoàn thành lộ trình cắt giảm theo WTO.

Việt Nam cũng cắt giảm thuế theo lộ trình đã cam kết trong các FTA. Đến thời điểm 1-1-2014, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ban hành các Biểu thuế ưu đãi thuế nhập khẩu đối với 8 FTA đã ký kết, trong đó thời gian thực hiện ít nhất là Hiệp định ASEAN - Ấn Độ (3 năm) và nhiều nhất là Hiệp định ASEAN (14 năm).

Trong hầu hết các FTA đã ký kết, mức độ tự do hóa hầu hết là trên 85% số dòng thuế. Cho đến thời điểm năm 2014, nhiều FTA đã bước sang giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu, ví dụ như FTA ASEAN, ASEAN- Trung Quốc và ASEAN- Hàn Quốc, ASEAN- Nhật Bản.

Trong đó, mức độ cam kết của Việt Nam trong FTA ASEAN cao nhất với tỷ lệ cam kết đến năm 2015, khoảng 93% số dòng thuế có mức thuế suất 0% và 7% dòng thuế còn lại sẽ có mức thuế suất 0% vào thời điểm 1-1-2018, ngoại trừ một số ít mặt hàng nông sản, một số mặt hàng trong trong nhóm ô tô và xăng dầu.

Các Hiệp định khác như ASEAN-Nhật Bản, Việt Nam-Nhật Bản, ASEAN-Ấn Độ mức thuế suất bình quân năm 2016 giảm đáng kể, chỉ còn ở mức 6%, 7% và 8% so với mức tương ứng năm 2014 là 8% và 9%.

Năm 2018 là thời điểm thách thức với các DN trong nước, khi mà thuế nhập khẩu trong FTA ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc đã cắt giảm phần lớn xuống 0%. Song song với đó, hiện tại Việt Nam vẫn đang đàm phán các FTA mới như TPP, EU và FTA với Liên minh Hải quan. Như vậy, việc kết thúc và đi đến ký kết các FTA mới dự kiến cũng sẽ phát sinh các nghĩa vụ thực hiện các cam kết về cắt giảm và xóa bỏ thuế quan ở giai đoạn sau năm 2015.

Chủ động đón đầu thách thức

Xu hướng cam kết, mở cửa thị trường hàng hóa ngày càng sâu rộng đồng nghĩa với những thách thức đối với các doanh nghiệp ngày càng lớn. Đó là sức ép về cạnh tranh, về khả năng tận dụng lợi ích từ FTA mang lại.

Hiện nay, mức độ hưởng ưu đãi thuế từ các FTA chỉ khoảng 20% tổng hàng hóa nhập khẩu nhưng tỷ lệ này sẽ tăng nhanh trong những năm tới. Trong khi đó, lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam thu được từ việc thực hiện các FTA thời gian qua chưa phản ánh được tiềm năng thương mại trong nước.

Nguyên nhân chính là do khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa còn hạn chế, chưa khai thác cơ hội về đầu tư, tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng và tiếp cận thị trường xuất khẩu. Quy mô doanh nghiệp nhỏ trong hầu hết các ngành, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Để nắm bắt được các cơ hội, bà Nguyễn Thị Bích- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tuân thủ các quy định, chủ động trước thời cơ và thách thức.

Để tồn tại, phát triển, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực để có đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài ở cả thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, thay vì đối đầu trực tiếp trên các thị trường lớn, cần khai phá mảng thị trường nhỏ hẹp nhưng mới và ít đối thủ cạnh tranh.

Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Bích, những quy định về môi trường, lao động hay bảo hộ sở hữu trí tuệ là xu hướng phát triển tất yếu của môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh. Do đó, thay vì trì hoãn và đi theo lối kinh doanh cũ, doanh nghiệp trong nước cần từng bước cải cách hoạt động cho phù hợp với xu thế của thời đại.

Và một điều quan trọng, bà Bích cho rằng, khi thực hiện các cam kết hội nhập sâu rộng sẽ gây ra những tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, nên chính các DN phải lên tiếng, kiến nghị với Chính phủ để đàm phán những điều kiện có lợi cho các doanh nghiệp nội địa.

Hồng Vân

hải quan

Các tin tức khác

>   “Thiếu hụt nguồn cung” trong TPP (04/02/2014)

>   Xuất khẩu thủy sản 2014: Nỗ lực vượt mức 6,7 tỷ USD (04/02/2014)

>   Kinh tế Việt Nam "thoát đáy" khủng hoảng (03/02/2014)

>   Sẽ cho phép VWS nhập nguyên liệu tái chế (03/02/2014)

>   Doanh nghiệp những năm vượt sóng (03/02/2014)

>   Thành công là một hành trình (03/02/2014)

>   Chuyện tam nông và Nghị định 41 (03/02/2014)

>   Kỳ vọng trước vận hội mới (03/02/2014)

>   Sẽ đưa hoạt động bán hàng đa cấp vào nề nếp (03/02/2014)

>   Hành động, thay vì cam kết (03/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật