Thứ Hai, 03/02/2014 12:06

Chuyện tam nông và Nghị định 41

Rồi đây, những khúc mắc về địa giới hành chính giáp ranh giữa đô thị và nông thôn, mức vay tín chấp trong điều kiện mới, hay điều kiện vay vốn của kinh tế hợp tác xã sẽ đồng loạt được tháo gỡ. Hy vọng, dòng vốn chảy vào kinh tế nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp nước ta mạnh hơn, xanh hơn.

TS. kinh tế Vũ Đình Ánh có lần đã tâm sự: “Nếu đo lường về tác động của chính sách thì tôi chưa thấy văn bản nào có thể đi nhanh vào cuộc sống như Nghị định 41 (Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, do NHNN Việt Nam tham mưu cho Chính phủ - PV). Chỉ sau có 3 năm đi vào hoạt động, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của ngành Ngân hàng đã tăng gấp 2,5 lần.

Tam nông là bệ đỡ vững chức cho nền kinh tế (Ảnh: Gia Phong)

Nhìn lại một cách toàn diện, từ việc thiết kế Nghị định 41, đến các Thông tư hướng dẫn cụ thể, rồi việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ (CSTT) để hướng dòng vốn về tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), mới thấy cái hay, cái sáng tạo và nghệ thuật trong sử dụng chính sách và công cụ của chính sách khi phân bổ nguồn lực sao cho hiệu quả.

Ở góc độ thiết kế chính sách, chúng ta thấy rất rõ Nghị định 41 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của NHNN đã thể hiện sự gắn kết bước đầu giữa tín dụng thương mại của hệ thống ngân hàng với tín dụng ưu đãi của Chính phủ, tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa. Điều này nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn, có sự lan tỏa và phát triển toàn diện theo hướng bền vững trong nông nghiệp, nông thôn.

Điều trước tiên cần nhắc đến, đó là việc tháo gỡ về điều kiện tiếp cận, vay vốn phát triển của kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại, hợp tác xã, với quy định vay từ 50 đến 500 triệu đồng không phải thế chấp. Điều này cho thấy các chính sách tín dụng của ngân hàng gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa trong việc cho vay và sử dụng công cụ hỗ trợ lãi suất, tạo lập sự ổn định giá lúa gạo nhằm bảo đảm thu nhập hợp lý của người nông dân trồng lúa.

Các NHTM chủ động tham gia chương trình với mức thu mua thóc tạm trữ hàng năm lên tới 2 triệu tấn/năm. Chính sách tín dụng đã có những phản ứng linh hoạt trong tháo gỡ khó khăn như giãn nợ, cho vay mới đối với lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản (tôm, cá tra), chăn nuôi gia súc, gia cầm khá kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nuôi trồng, tạo nguồn cung ổn định cho thị trường, góp phần ổn định giá cả lương thực, thực phẩm - rổ hàng hóa nắm vai trò chi phối chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam.

Song song với đó, việc sử dụng các công cụ của CSTT như lãi suất, dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn… cũng đã toát lên sự linh hoạt, sáng tạo trong khi vẫn tuân thủ theo đúng nguyên tắc thị trường. Một mặt, NHNN cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc một cách phù hợp đối với những ngân hàng có tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp từ 40% trở lên, đã tạo thêm điều kiện để các ngân hàng gia tăng tới 40 ngàn tỷ đồng/năm tiền đầu tư cho lĩnh vực này.

Mặt khác, NHNN cho vay tái cấp vốn hỗ trợ các NHTM đưa dòng vốn vào nông nghiệp, nông thôn. Việc sử dụng các công cụ đồng bộ, linh hoạt trên cũng là cơ sở góp phần giảm lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn về mức trần thấp nhất là 9% như hiện nay. Cũng qua công cụ lãi suất, Chính phủ đã thực hiện hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu và 50% lãi suất trong các năm tiếp theo khi đầu tư mua máy móc thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

CSTT, cơ chế tín dụng cùng các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của các bộ, ngành đã góp phần tạo nên sự đồng bộ và chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp về cơ giới hóa, tạo xu hướng gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ cũng như tạo dựng mô hình sản xuất lớn, nâng tỷ lệ lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp.

Tổng kết việc thực hiện NQ TW7 (khóa X) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: Toàn quốc có 7.000 mô hình sản xuất quy mô lớn, với tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất trồng lúa, thu hoạch lúa, xay xát lúa, lần lượt là 80%, 30% và 95%. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long có 13.000 máy gặt lúa (9.000 máy gặt đập liên hợp), giúp giảm lao động nông nghiệp từ 51,8% (2008) xuống còn 46,3% năm 2013. Vốn tín dụng góp phần đáng kể trong việc tạo ra kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp trong 5 năm (2008-2013) là 113,3 tỷ USD, tăng trưởng bình quân 11,4%/năm. Công nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản, tăng trưởng 8,3%/năm. Đặc biệt, ngành Ngân hàng đã tập trung cho vay hàng chục ngàn tỷ đồng vào nhiều dự án lớn trọng điểm về cầu, cảng hàng không, về khí điện đạm, nhà máy chế biến… tạo dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho sự bứt phá về chất trong phát triển vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh lớn của nông nghiệp.

Những thành quả đạt được, những xu hướng mới trong sản xuất lớn của kinh tế nông nghiệp đã ghi được nhiều dấu ấn đáng trân trọng. Nhưng vẫn còn đó những rủi ro thách thức với kinh tế nông nghiệp nước ta khi mà sản xuất theo phong trào dẫn đến tình trạng “được mùa rớt giá”, hủy hoại môi sinh, thiếu sự gắn kết, tham gia trong chuỗi giá trị của sản phẩm, giá trị gia tăng thấp… vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương. Đây cũng chính là rủi ro cho những đồng vốn tín dụng ngân hàng.

Thiết nghĩ, để phát triển tín dụng xanh, tăng trưởng xanh trong kinh tế nông nghiệp, thì yêu cầu trước nhất phải là đồng bộ, nhất quán và tuân thủ về quy hoạch vùng sản xuất. Kế đến, phải là chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm từ nông nghiệp để xuất khẩu tinh hơn. Và, một điều rất quan trọng, là phải tìm đúng “người nhạc trưởng” trong số “4 nhà”: nhà nông, nhà khoa học, nhà ngân hàng, nhà cung ứng bao tiêu đầu vào - đầu ra. Có như vậy, những đồng vốn mới phát huy tối đa hiệu quả.

Rồi đây, những khúc mắc về địa giới hành chính giáp ranh giữa đô thị và nông thôn, mức vay tín chấp trong điều kiện mới, hay điều kiện vay vốn của kinh tế hợp tác xã sẽ đồng loạt được tháo gỡ. Hy vọng, dòng vốn chảy vào kinh tế nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp nước ta mạnh hơn, xanh hơn.

 Xưa ông cha ta đã đúc rút rằng “phi nông bất ổn”. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta nhìn nhận kinh tế nông nghiệp, nông thôn là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Nghị quyết 07 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X, được cụ thể hóa bằng Nghị định 41/NĐ-CP của Chính phủ chính là những quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước cho “tam nông”, là cơ sở vững chắc cho kinh tế nông nghiệp phát triển lâu dài và bền vững.

Phạm Xuân Hòe

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Kỳ vọng trước vận hội mới (03/02/2014)

>   Sẽ đưa hoạt động bán hàng đa cấp vào nề nếp (03/02/2014)

>   Hành động, thay vì cam kết (03/02/2014)

>   Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói về cước 3G, tái cơ cấu VNPT (02/02/2014)

>   Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp nhỏ trước nguy cơ thôn tính (01/02/2014)

>   "Thị trường viễn thông sẽ đột phá sau tái cơ cấu VNPT" (01/02/2014)

>   Kinh tế khí hậu xa và gần (01/02/2014)

>   Các quốc gia nghèo vì đâu? (01/02/2014)

>   Dệt may đón đầu TPP để tăng kim ngạch xuất khẩu (01/02/2014)

>   Đặc khu kinh tế (31/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật