Hành động, thay vì cam kết
Việc lựa chọn “soi mình” trong những thang chuẩn quốc tế thay vì “độc diễn” cho thấy tín hiệu tích cực trong nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam từ cấp quyết định chính sách.
Việt Nam qua “gương soi” WEF
Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố cách đây mấy tháng, chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam xếp hạng 70 trên 148 nền kinh tế, tăng 5 hạng so với năm ngoái. Việt Nam được đánh giá có cải thiện ở tình hình kinh tế vĩ mô, những nỗ lực quan trọng và đúng hướng của Chính phủ được ghi nhận. Điểm nhấn là yếu tố hạ tầng có sự cải thiện. Hiệu quả thị trường cũng tăng lên vì WEF đánh giá Việt Nam đã thực hiện việc giảm hàng rào thương mại và giảm thuế cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nền kinh tế của Việt Nam vẫn được nhìn nhận còn nhiều trở ngại.
Mặc dù Việt Nam tăng 5 hạng, từ 75 lên 70, nhưng vẫn còn khoảng cách rất xa so với Singapore (2), Malaysia (24) hay Thái Lan (37). Có nghịch lý ở ngay chính việc tăng hạng khi mà Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia đứng trong nhóm giai đoạn thứ nhất, cùng với nhiều nước châu Phi. Điều ấy đồng nghĩa quốc gia mới cạnh tranh nhờ các yếu tố cơ bản, chưa bước vào được giai đoạn 2 – cạnh tranh nhờ hiệu quả hay giai đoạn 3 – cạnh tranh nhờ sáng tạo. Thậm chí, Việt Nam cũng chưa được xếp vào giai đoạn chuẩn bị chuyển từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 như một số nước châu Á như Philippines, Sri Lanka, Brunei… Trong khi đó, như thông điệp của báo cáo năm nay đã chỉ ra: thể chế tốt và sáng tạo là hai yếu tố quan trọng tạo ra năng lực cạnh tranh của quốc gia. Thậm chí, thông cáo báo chí năm nay còn trích dẫn phát biểu của Klaus Schwab, Chủ tịch WEF dự đoán rằng, quan điểm phân biệt giữa quốc gia đã phát triển và kém phát triển sẽ biến mất mà thay vào đó là quốc gia giàu sáng tạo và quốc gia kém sáng tạo.
Đáng lo ngại, nhìn lại ở Việt Nam, hai vấn đề thể chế và sáng tạo vẫn đang yếu. Xét về yếu tố thể chế, Việt Nam được xếp hạng 98 thế giới, đứng thứ 9 trên 10 quốc gia của khu vực ASEAN, chỉ hơn mỗi Myanmar. Nhóm yếu tố về sáng tạo, Việt Nam xếp hạng 85 thế giới. Chất lượng giáo dục rất quan trọng cho hai yếu tố này, nhưng tương tự những năm trước đây, giáo dục và đào tạo bậc cao của Việt Nam lại bị xếp hạng ở tận thứ 95, cho dù nhóm về giáo dục và y tế cơ bản Việt Nam được đánh giá tương đối tốt, xếp hạng 67. Một điểm đáng lưu ý nữa là mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ mới của Việt Nam xếp hạng 102. Điều đó nói lên phần nào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó được cải thiện trong thời gian tới.
Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là gì?
Nếu từ dữ liệu của WEF thì lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với thế giới và các nước trong khu vực rõ nhất là quy mô thị trường (thứ 36) và thị trường lao động (thứ 56). Thời gian qua, Việt Nam đã thu hút được khá nhiều đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều dự án đầu tư quan trọng có lẽ phần nhiều cũng từ những lợi thế này. Việt Nam từng là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ đầu tư của thế giới, nhưng những năm gần đây, các lợi thế đó dường như giảm đi nhiều.
Kết quả điều tra gần 2.000 nhà đầu tư nước ngoài của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong hai năm liền cho thấy, lý do hàng đầu khiến các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là nhằm giảm chi phí bởi giá lao động rẻ, ưu đãi về thuế và đất đai hay các yếu tố như ổn định chính trị… Đáng lo ngại là trong 10 lý do hàng đầu để các nhà đầu tư chọn Việt Nam, không có yếu tố nào thuộc về chất lượng điều hành của chính quyền (như cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát tham nhũng, bảo vệ quyền tài sản, bảo hộ đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ…). Trong khi đó, qua phân tích từ điều tra, chính chất lượng điều hành là nhu cầu hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng cao, công nghệ tốt, mang lại nhiều giá trị gia tăng…
Định hướng và hành động
Tại phiên họp của Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh vào ngày cuối cùng năm 2013 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, những thông điệp và cam kết quan trọng đã được đưa ra. Trước hết, Việt Nam không chỉ và không nên so sánh với chính bản thân mình mà phải so sánh với các quốc gia khác, sử dụng những bộ chỉ số của thế giới đã được thừa nhận rộng rãi. Do vậy, đề án xây dựng chỉ số cạnh tranh cho riêng Việt Nam đang giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đã được gác lại, nhiệm vụ của hội đồng sắp tới là sẽ tập trung đánh giá và tư vấn cách cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam dựa vào những thước đo được thừa nhận rộng rãi của Diễn đàn kinh tế thế giới và Ngân hàng Thế giới. Một câu hỏi được đặt ra: ở hầu hết các thước đo quan trọng của thế giới đã công bố thì Việt Nam đa số đều xếp hạng ở nhóm sau, thậm chí nhóm cuối cùng. Do vậy, cần có cách tiếp cận nghiêm túc và cần tìm ra được các giải pháp cụ thể để khắc phục. Vậy thì, hội đồng quốc gia, với sự tư vấn của các chuyên gia độc lập, sẽ cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các gói giải pháp cụ thể, trước mắt tập trung vào những giải pháp có thể thực hiện ngắn hạn, khả thi, cần ít nguồn lực. Điều đáng nói, cách tiếp cận ở đây không phải là chạy đua thành tích mà đi vào các yếu tố thực chất như: vì nguồn lợi tài chính, vì hình ảnh đối với nhà đầu tư.
Như vậy, rõ ràng Chính phủ đã xác định rất đúng và rất trúng tư duy và cách thức để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong giai đoạn tới. Việt Nam chắc còn cần rất nhiều thời gian và tiền bạc để cải thiện chất lượng hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Nhưng điều Việt Nam có thể làm được để trở nên hấp dẫn và cạnh tranh hơn với cách ít tốn kém từ cả góc độ thời gian và chi phí, chính là nhanh chóng và quyết liệt nâng cao chất lượng điều hành, cải thiện thủ tục hành chính. Nói như nhiều nhà đầu tư tại các diễn đàn doanh nghiệp và đầu tư thời gian qua: họ không cần thêm nữa những cam kết, họ cần hành động, cần thực tế!
Đậu Anh Tuấn - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
diễn đàn doanh nghiệp
|