Các quốc gia nghèo vì đâu?
Từ một cá nhân cho tới một tổ chức, một cộng đồng và lớn hơn là một dân tộc đều có mong ước và khát vọng trở nên giàu có.
Nhưng nhìn lên "bản đồ" giàu - nghèo thế giới thì luôn có nhiều quốc gia nghèo đói bên cạnh một số quốc gia giàu có. Chung một khát vọng, mong ước nhưng sự phân hóa luôn tồn tại trên nhiều bình diện như vậy. Chìa khóa để mở cánh cửa bí ẩn này ở đâu?
Phần 1: Việt Nam từng giàu có chưa?
Những điều này sẽ được phân tích trong Phần 2 cuộc trò chuyện với học giả Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy Fulbright, nhà nghiên cứu của Viện Raiawali về Châu Á; chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn; tiến sĩ sử học Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen; tiến sĩ Mộc Quế, chuyên gia tư vấn.
Vì sao họ giàu?
Để phân tích sự giàu - nghèo của một dân tộc, cần bắt đầu từ đâu, thưa ông Nguyễn Xuân Thành?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Có ba quan điểm lý giải về sự giàu nghèo, nói cách khác là nguyên nhân trở nên giàu có của các dân tộc hay quốc gia.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, một dân tộc hay quốc gia giàu có là nhờ thiên nhiên ưu đãi, phú cho nguồn lợi tài nguyên để trở nên giàu. Ví dụ như các nước Trung Đông được sống trên nguồn dầu mỏ dồi dào, người dân được hưởng cuộc sống sung túc đầy đủ bậc nhất thế giới.
Quan điểm thứ hai cho rằng, một dân tộc giàu có là nhờ người dân của dân tộc đó thông minh, chăm chỉ. Ví dụ như người Do Thái rất thông minh, giỏi làm kinh tế, tài chính từ xa xưa. Người Do Thái đi đâu cũng giàu, làm việc gì cũng giỏi.
Quan điểm thứ ba xuất hiện gần đây là do thể chế. Trong quyển sách "Vì sao họ thất bại" của hai tác giả Acemoglu và Robinson cho rằng, thất bại hay thành công của một quốc gia là do thể chế. Quyển sách đã dẫn chứng và chứng minh thể chế vô cùng quan trọng. Có thể con người chưa sáng láng, điều kiện tự nhiên chưa thuận lợi nhưng có thể đúng thì vẫn giải quyết được, thể chế đúng sẽ biến cái không thuận lợi thành có lợi; biến người dân không chăm chỉ, không thích học phải chăm chỉ và phải đi học.
Ông đồng tình với quan điểm nào? Và nó thể hiện ra sao trong các nghiên cứu cũng như khuyến nghị chính sách của nhóm nghiên cứu trong nhiều năm qua?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Không chỉ bản thân tôi mà rất nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia cũng đồng tình quan điểm này. Ta thấy rất rõ trên thế giới rất nhiều quốc gia có điều kiện tự nhiên thuận lợi nhưng không giàu. Ngược lại nhiều nước điều kiện tự nhiên chẳng hề thuận lợi nhưng lại giàu.
Việt Nam ta là một ví dụ sinh động, dễ thấy. Điều kiện tự nhiên của ta được thiên nhiên ưu đãi rất tốt. Con người Việt Nam rất thông minh, cần cù và sáng tạo nhưng dân tộc ta chưa bao giờ giàu có!
Ở đây góc nhìn của tôi không cho rằng do cơ chế quan liêu bao cấp hay cái gì đó ảnh hưởng bởi trước đó chúng ta cũng chưa hề giàu có mà. Và ngay cả miền Nam Việt Nam trước năm 1975 cũng chưa phải là giàu. Đó chỉ là nền kinh tế chiến tranh nhờ viện trợ bên ngoài. Sự phồn thịnh chỉ ở hình thức chứ chưa có nền tảng công nghiệp gì cả.
Vì vậy, nếu nói thể chế quyết định cho thành công hay thất bại của một quốc gia, tức giàu hay nghèo, thì từ xưa đến nay, từ thời phong kiến cho đến giai đoạn cơ chế thị trường mở cửa như hiện nay, chúng ta luôn gặp vấn đề ở thể chế!
Xin hỏi TS Mộc Quế, ông nhìn nhận gì về câu chuyện này?
TS Mộc Quế: Tôi cũng đã đọc và nghiền ngẫm quyển sách "Vì sao họ thất bại" nói về tầm quan trọng mang tính quyết định của thể chế đối với một quốc gia.
Trên thế giới mỗi dân tộc có nền văn hóa riêng mang bản sắc riêng, cho nên xây dựng được thể chế phù hợp cho mỗi quốc gia hay mỗi dân tộc là việc không phải dễ.
Trong nền kinh tế rộng mở, hội nhập hiện nay thì mục tiêu của các quốc gia đang xích lại gần nhau. Sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt hơn, gay gắt hơn. Đây là thách thức rất lớn mang tính toàn cầu.
Ở những quốc gia giàu có, ông nhận thấy họ có những đặc điểm gì nổi trội?
Tất nhiên một đất nước phát triển thì có nhiều thách thức khác với một đất nước nghèo.
Tôi xin lấy trường hợp của nước Đức và nước Nhật trong thế kỷ 20. Cả hai đều bị chiến tranh tàn phá nặng nề, khủng khiếp. Nhưng sau chiến tranh họ đã hồi phục cũng rất thần kỳ nhanh chóng. Nước Nhật trong 20 năm sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 đã đưa GDP tăng gấp 70 lần! Nước Đức cũng chỉ một thời gian ngắn không chỉ hồi phục mà còn nhanh chóng dẫn đầu châu Âu...
Để có những thành công như vậy ở hai quốc gia này đều có nền giáo dục xuất sắc, phát huy được tiềm lực sức mạnh của người dân. Nhà nước tạo môi trường bằng các chính sách cho từng người dân, từng tổ chức, đơn vị phát huy sáng tạo thông qua cạnh tranh, thúc đẩy hợp tác, liên kết. Vai trò của nhà nước là vô cùng quan trọng nếu không nói là quyết định.
(Còn nữa)
Duy Chiến (Thực hiện)
vietnamnet
|