Dệt may tăng tốc đầu tư đón đầu cơ hội
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đón đầu Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang tăng tốc các dự án đầu tư đặc biệt là trong lĩnh vực dệt nhuộm. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ phát triển vùng nguyên liệu và các cụm công nghiệp dệt, nhuộm ở các địa phương.
TPP là cơ hội lớn để ngành dệt may đẩy mạnh tăng trưởng XK. Ảnh: NGUYỄN HUẾ
|
Năm 2013, Vinatex đã triển khai được 42 dự án với tổng mức đầu tư 6.360 tỉ đồng, trong đó có 12 dự án sợi, 9 dự án dệt, 17 dự án may và 4 dự án khác. Đặc biệt, trong tháng 8-2013, tập đoàn đã khởi công dự án Nhà máy Sợi Phú Hưng tại Huế với quy mô 210.000 cọc sợi. Đây là dự án trọng điểm nằm trong kế hoạch đầu tư các nhà máy sợi, mục tiêu đến năm 2017 đạt khoảng 250.000 cọc sợi. Trong năm 2014, dự kiến Vinatex sẽ đầu tư thêm khoảng 5.000 tỉ đồng cho các dự án sản xuất nguyên phụ liệu, trong đó tập trung phát triển các dự án sợi, dệt nhằm gia tăng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm, đáp ứng xu thế hội nhập, nhất là khi cơ hội XK mặt hàng may mặc tăng cao khi thỏa thuận về TPP hoàn tất.
Theo nhận định của ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc Vinatex, TPP là điều kiện cần để tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam. Ngành dệt may XK của Việt Nam đi sau khoảng từ 10 đến 15 năm so với các cường quốc dệt may đã có nguyên liệu, thiết bị, thị trường, nhân lực và phần đầu tư đã được khấu hao như Ấn Độ, Trung Quốc…
Tuy nhiên, TPP có thể bù đắp cho phần mất lợi thế của Việt Nam do đi sau nhưng vẫn chưa làm nên sự tăng trưởng bùng nổ XK. Do vậy, nếu có TPP cùng với sự chuẩn bị tốt và sự tăng tốc đầu tư hợp lí sẽ làm nên bùng nổ kim ngạch XK của ngành dệt may. Thậm chí kim ngạch XK dệt may của Việt Nam có thể đạt từ 30-40 tỉ USD vì thị trường XK vẫn còn rất lớn. Hiện ngành dệt may Việt Nam đang đứng thứ 2 về kim ngạch XK vào thị trường Mỹ, tuy nhiên kim ngạch XK dệt may Việt Nam cũng mới chỉ đạt 8 tỉ USD trong khi Trung Quốc chiếm tới 50 tỉ USD. Do vậy, dư địa cho XK dệt may còn rất tốt. Tuy nhiên để gia tăng thị phần XK, ngành dệt may còn phải làm rất nhiều việc đặc biệt là phải đẩy mạnh đầu tư vào phần nguyên phụ liệu.
Trong thời gian qua, Vinatex đã đi trước một bước là đầu tư phần nguyên liệu là khâu sợi và khâu may tại các địa phương, tuy nhiên chưa dám đầu tư nhiều vào khâu dệt nhuộm do chi phí quá cao. Ngoài ra, ngành sợi và may tại Việt Nam đã có thị trường cho dù tỉ suất lợi nhuận không cao nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Theo tính toán của ông Trần Quang Nghị, sau khi có TPP, ngành dệt may sẽ tiếp tục đầu tư nối kết vào khâu dệt nhuộm thì sẽ hạn chế được rủi ro.
Hiện ngành dệt may của Việt Nam phải chịu áp lực rất lớn do tiềm lực của Việt Nam so với các nước còn rất hạn chế, chỉ trong hai năm 2012, 2013 ngành dệt may đã thu hút được 1 tỉ USD, trong khi 10 năm qua chỉ thu hút được 3 tỉ USD. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến Việt Nam và TPP. Trong khi đó, ngành dệt may trong nước tiếp cận vốn rất khó khăn. Nếu DN Việt Nam không có sự chuẩn bị về vốn thì với tiềm lực tài chính công nghệ, thị trường có sẵn cùng với đầu tư tốc độ nhanh làm tới đâu sản xuất tới đó của các DN nước ngoài các DN Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trong điều kiện yếu thế.
Do vậy, để góp phần hỗ trợ cho ngành dệt may, ông Trần Quang Nghị cho rằng, cần có gói tín dụng với lãi suất thấp cho ngành dệt may để đầu tư vào các địa phương đặc biệt vào ĐBSCL. Trong năm 2014 mặc dù rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn nhưng Vinatex vẫn đẩy mạnh đầu tư vào TP.HCM đặc biệt là ĐBSCL. Hiện nay việc chuẩn bị hạ tầng các cụm công nghiệp dệt nhuộm không còn là rào cản vì đã có sự ủng hộ của các địa phương. Tuy nhiên, cũng cần có sự công bằng giữa các DN trong nước và các DN FDI trong việc thực hiện các yêu cầu về xử lí nước thải nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho các DN.
Nguyễn Huế
hải quan
|