Thứ Tư, 29/01/2014 11:18

Hải Phòng dồn 90.000 tỷ đồng cho đầu tư trọng điểm

Từ nay đến năm 2020, Hải Phòng tận dụng, huy động nguồn lực lên tới gần 90.000 tỷ đồng để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội mang tính vượt trội theo hướng đồng bộ, cân đối, hiện đại, hội nhập.

Thành phố Hải Phòng. Ảnh minh họa từ internet.

Việc tận dụng, huy động vốn đầu tư triển khai các hạng mục nhằm điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo điều kiện thuận lợi và thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới có tiềm lực về vốn, thị trường…

Định hướng điều chỉnh cơ cấu kinh tế

Nhằm định hướng điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP.Hải Phòng khóa 14 đã thông qua Đề án điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Theo Đề án này, đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 cơ cấu kinh tế của Hải Phòng vẫn là dịch vụ - công nghiệp; xây dựng – nông, lâm, thủy sản; tiếp tục đẩy mạnh các ngành dịch vụ hàng hải, hàng không, logistics, du lịch, tài chính ngân hàng…

Tuy nhiên, thành phần kinh tế nhà nước sẽ chỉ duy trì tại các lĩnh vực quan trọng, ở những DN quy mô lớn, có vai trò nòng cốt trong hội nhập kinh tế quốc tế. Cơ cấu đầu tư cũng được đổi mới theo hướng đầu tư công tập trung đầu tư cho hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ.

Mô hình kinh tế của Hải Phòng cũng được cơ cấu theo hướng phát huy tối đa lợi thế vị trí, hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, vượt trội của hệ thống cảng biển, cảng hàng không cửa ngõ quốc tế kết hợp với ưu đãi đầu tư hợp lý tại Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, khu kinh tế Thẩm Quyến.

Những ngành kinh tế tham gia mạng sản xuất toàn cầu, chế biến sâu, giá trị cao, thân thiện môi trường với hàm lượng công nghệ, quản lý, trình độ lao động của người lao động được nâng cao (tức năng suất các nhân tố tổng hợp – TFT) theo hướng đến năm 2020 sẽ chiếm khoảng 40% GDP của Hải Phòng, đến năm 2025, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao sẽ đóng góp khoảng 45% GDP kinh tế Hải Phòng; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, hệ số đầu tư tăng trưởng hay tỷ lệ vốn trên sản lượng tăng thêm đạt từ 4- 4,5 lần so với thời điểm hiện tại.

Các ngành dịch vụ, logistics gắn chặt với thương mại điện tử, cải cách thủ tục hành chính nhằm chủ động tăng cường, nâng cao năng lực hợp tác với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, trong chương trình hợp tác hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc nhằm thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc… được dự báo sẽ được đầu tư mạnh mẽ vào khu vực trong thời gian tới.

Hải Phòng phấn đấu đến năm 2020, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn sẽ đóng góp trên 20% GDP của thành phố. Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nâng lên 25% GDP.

Hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới có tiềm năng về vốn, thị trường, công nghệ; ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có thế mạnh trong cạnh tranh quốc tế và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường không chỉ giúp Hải Phòng tăng trưởng xanh, được Hải Phòng kỳ vọng đưa kim ngạch xuất khẩu lên khoảng 7 tỷ USD vào năm 2020, đạt mức 11 tỷ USD vào năm 2025, đưa tỷ trọng tổng sản phẩm GDP của Hải Phòng trong cả nước từ 7,3% vào năm 2020 lên 9% vào năm 2025. Tăng trưởng kinh tế đi đối với phát triển xã hội, mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn sẽ đạt khoảng 4.900 – 5.000 USD/người vào năm 2020.

Đầu tư hạ tầng mang tính vượt trội

Ông Đan Đức Hiệp – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hải Phòng chia sẻ, Hải Phòng cần phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng hơn lúc nào hết bởi sau hơn 10 năm (giai đoạn 2001 – 2011) nền kinh tế Hải Phòng đã bộc lộ một loạt các nhược điểm như cơ cấu kinh tế được chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm và chất lượng chưa cao, nền kinh tế Hải Phòng mặc dù có mức tăng trưởng bình quân 11,2%/năm nhưng tăng trưởng chủ yếu do yếu tố tăng vốn, các yếu tố chất lượng lao động giảm nhanh trong những năm gần đây.

Tăng trưởng kinh tế dựa vào các ngành gia công với tỷ lệ chi phí trung gian luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng của giá trị sản xuất và giá trị gia tăng. Nguyên nhân do khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mang tính gia công, đa số các DN trên địa bàn Hải Phòng sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu hao nhiên liệu.

Tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng chủ yếu dựa vào xuất khẩu nhưng các thị trường xuất khẩu, cơ cấu xuất khẩu trong hơn 10 năm qua vẫn dựa vào các thị trường Đông Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông với các mặt hàng giày dép, thủy sản, bao bì. Trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chỉ có hai mặt hàng là may mặc và giày dép là chế biến nhưng cũng chỉ dừng lại ở công đoạn gia công, công đoạn tạo ra giá trị tăng cao – đưa sản phẩm đến người tiêu dùng đều ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Thành – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hải Phòng - nhấn mạnh, Hải Phòng có những lợi thế lớn: đường bờ biển dài, là một trọng điểm trong thực hiện Chiến lược biển của cả nước, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, trong vùng đồng bằng sông Hồng và trong hai hành lang, một vành đai hợp tác kinh tế giữa Việt Nam –Trung Quốc, có vị trí giao lưu thuận lợi với tất cả các tỉnh trong nước và quốc tế. Để thu hút đầu tư, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thành công cần dựa trên lợi thế vị trí, cơ sở hạ tầng đồng bộ, vượt trội và những ưu đãi hợp lý.

Để tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, gắn phát triển kinh tế với môi trường, phát triển kinh tế xanh, xây dựng thành công đô thị sinh thái, đô thị kinh tế, trong định hướng phát triển hạ tầng đồng bộ, giai đoạn 2016- 2020, Hải Phòng dự kiến huy động từ 500 – 520 nghìn tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở mang tính vượt trội.

Ông Thành bộc bạch, cơ sở hạ tầng đồng bộ, vượt trội kết hợp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho DN tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, tạo dựng cơ chế thông tin hai chiều. Hải Phòng sẽ tổ chức tham vấn ý kiến của DN, thường xuyên tổ chức đối thoại, lắng nghe phản ánh kiến nghị của người dân, DN nhằm kịp thời nắm bắt, hỗ trợ giải quyết những vướng mắc của DN để thu hút đầu tư, khoa học công nghệ, nhân tài, tạo ra những ngành nghề mới đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo chiều sâu, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh; loại bỏ các thủ tục, văn bản chỉ đạo không phù hợp với cơ chế thị trường.

Tự do hóa thương mại và đầu tư không chỉ giúp các DN mở rộng thị trường xuất khẩu và các luồng vốn đầu tư vào Hải Phòng nói riêng, Việt Nam nói chung ngày càng phong phú, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế cũng đem lại những thách thức không nhỏ. Sau hơn 30 năm đổi mới, cộng đồng DN của Hải Phòng quanh đi, quẩn lại vẫn chưa có tới 10 DN nằm trong Top 200 DN đạt giải Sao vàng đất Việt, DN hàng Việt Nam chất lượng cao. Mới có 10 DN thuộc tốp 500 DN lớn trên thế giới đầu tư tại Hải Phòng.

Ông Thành chia sẻ, để có thể nắm bắt được thời cơ, vận hội mới, trong những năm tới, Hải Phòng cần tiếp tục thực hiện một loạt các giải pháp đồng bộ khác như nâng cao chất lượng quy hoạch, tăng cường sử dụng các hình thức đầu tư BT, BOT, BTO, PPP; tạo chuyển biến cơ bản về đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TEP) vào tăng trưởng kinh tế; khai thác, sử dụng tài nguyên theo mục tiêu bền vững, thân thiện môi trường, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo; tăng cường hợp tác vùng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Trong đó, Hải Phòng phải cải thiện cho được năng lực cạnh tranh, đưa yếu tố năng suất nhân tố tổng hợp chiếm 26,9% trong GDP của Hải Phòng lên mức 31 – 36%, ngang bằng chỉ số tại các nước đang phát triển khu vực châu Á; mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo mối liên kết giữa các DN FDI và DN trên địa bàn để DN của Hải Phòng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đưa Hải Phòng đạt trình độ cao phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, đảm bảo môi trường sống an toàn, thân thiện.

Pháp luật Việt nam

Các tin tức khác

>   Lo chạy đua, doanh nghiệp điện máy rơi vào bế tắc (29/01/2014)

>   Yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp cao su phải đa dạng hóa các hình thức đầu tư (28/01/2014)

>   Xuất khẩu vật liệu xây dựng: Đường lớn khó mở (27/01/2014)

>   Tôm Việt rộng đường vào Nhật (27/01/2014)

>   Mua sắm chính phủ trong TPP: Vẫn chưa ngã ngũ (27/01/2014)

>   Ban hành quy định về tài chính của nhà máy điện hạt nhân (26/01/2014)

>   Tháng 1: Xuất khẩu nông, lâm-thủy sản giảm gần 10% (26/01/2014)

>   Doanh nghiệp "rủi ro cao" sẽ không được tự in hóa đơn (25/01/2014)

>   Việt Nam phối hợp với WEF thực hiện đối tác công-tư nông nghiệp (25/01/2014)

>   Lượng ôtô nhập khẩu bất ngờ sụt giảm (25/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật