Thứ Bảy, 25/01/2014 09:42

Việt Nam phối hợp với WEF thực hiện đối tác công-tư nông nghiệp

Trong năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam sẽ phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) để xây dựng và phát triển kế hoạch hoạt động 2014-2018 của Mô hình đối tác công-tư ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát. (Nguồn: TTXVN)

Đây là vấn đề được phía Việt Nam nêu ra và thu hút được nhiều sự quan tâm tại Hội nghị thường niên WEF lần thứ 44 tại Davos, Thụy Sĩ, diễn ra từ ngày 22/1 đến 25/1.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã có buổi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Davos liên quan tới vấn đề trên:

- Nông nghiệp luôn là một trong những lĩnh vực được đánh giá cao tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Bộ trưởng cho biết một số điểm chính trong báo cáo tham luận tại Hội nghị thường niên Davos 2014?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tại WEF năm nay, nông nghiệp luôn là một lĩnh vực được chú trọng và đánh giá cao đồng thời cũng là một chủ đề được nhiều nước tham dự quan tâm.

Nông nghiệp đóng một vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là bệ đỡ cho toàn bộ nên kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ngành nông nghiệp tại các nước mới nổi đứng trước một cơ hội to lớn để đổi mới nhằm tăng trưởng mạnh hơn.

Tuy nhiên để làm được điều đó, cần phải có các giải pháp tăng cường chuỗi giá trị nông nghiệp, tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ cao để thúc đẩy giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp.

Tại Davos 2014, WEF tổ chức một phiên họp riêng liên quan đến nông nghiệp với chủ đề “Đổi mới để đạt được tầm nhìn mới về nông nghiệp.”

Trong phiên họp này, lãnh đạo các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, các tập đoàn, các học giả sẽ cùng nhau trao đổi các thực tiễn và giải pháp tốt nhất để đạt được tầm nhìn mới về nông nghiệp.

Các đại biểu tham dự cũng thảo luận về các tiến bộ khoa học có thể áp dụng để kinh doanh toàn diện và bền vững, cải thiện cơ sở hạ tầng và kết nối giao thương nhằm tăng giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp, điều chỉnh chính sách để tăng trưởng nông nghiệp theo định hướng thị trường.

Giải pháp đưa ra từ phiên họp này sẽ là đầu vào quan trọng cho WEF xây dựng chương trình nghị sự nông nghiệp toàn cầu, tăng cường cho sáng kiến mới về nông nghiệp và là chất xúc tác cho các cơ hội hợp tác mới.

Các nội dung chính được tập trung vào trao đổi tại phiên họp này là chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của Đối tác công tư ngành nông nghiệp đang hoạt động rất có hiệu quả tại Việt Nam mà được WEF đánh giá cao và xem như là một mô hình điển hình cho các nước khác học hỏi và nhân rộng.

Mục đích chính của Mô hình đối tác công tư ngành nông nghiệp là nhằm nâng cao phát triển sản xuất, tăng cường chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, duy trì ổn định thị trường, tăng giá trị gia tăng của một số mặt hàng chủ lực nông nghiệp Việt Nam.

Để thúc đẩy triển khai sáng kiến “tầm nhìn mới trong nông nghiệp,” Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp với WEF tích cực thúc đẩy thực hiện “liên minh các hành động vì tăng trưởng xanh (Green Growth Action Alliance A2G2),” trong đó huy động các nguồn lực tài chính thông qua mô hình đối tác công tư là một trong những giải pháp cần đẩy mạnh để huy động thêm các nguồn lực tư khối tư nhân để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.

-Năm nay, môi trường lần đầu tiên nằm trong số những chương trình nổi bật tại diễn đàn Davos, Bộ trưởng có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề biến đổi khí hậu và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên trên phạm vi thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tại Diễn đàn kinh tế thế giới lần này, biến đổi khí hậu đặc biệt là an ninh nguồn nước được đưa vào chương trình diễn đàn, cụ thể là WEF tổ chức một phiên họp với chủ đề "An ninh nguồn nước.” Đây là một nét mới của Diễn đàn Davos 2014.

Theo báo cáo đánh giá nguy cơ toàn cầu thì nước là một trong năm nguy cơ hàng đầu trong năm 2013 có ảnh hưởng đế sinh kế của người dân. Một điều có thể nhận thấy là nước tiếp tục sẽ là chủ đề chiến lược được quan tâm trong toàn cầu, khu vực và tại các nước.

Việt Nam là một trong những nước bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu, nhất là đối với ngành nông nghiệp. Thích ứng với biến đổi khí hậu đang được Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm để giảm thiểu các tác động của Biến đổi khí hậu tới nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang thực hiện “Liên minh các hành động vì tăng trưởng xanh (Green Growth Action Alliance A2G2)” theo sáng kiến của WEF đồng thời hướng tới một nền nông nghiệp xanh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt chương trình giảm phát thải khí nhà kính để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, công nghiệp hóa và hiện đại hóa ngành nông nghiệp, phát triển bền vững khu vực nông thôn, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, đẩy nhanh sản xuất an toàn với hy vọng sẽ giảm 20% phát thải khí nhà kính đến năm 2020.

-Trong khuôn khổ WEF nhằm triển khai sáng kiến thúc đẩy “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp,” Bộ trưởng có thể cho biết một số đề xuất và đề án nhằm thực hiện các chương trình liên quan đến tăng trưởng xanh trong nông nghiệp tại Việt Nam?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Trong khuôn khổ WEF, triển khai sáng kiến thúc đẩy “Tầm nhìn mới về nông nghiệp,” Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hiện tại đang phối hợp với 17 Tập đoàn đa quốc gia, công ty quốc tế, các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương và các công ty trong nước, hiệp hội ngành hàng triển khai mô hình “Đối tác công-tư ngành nông nghiệp” với mục đích phát triển ổn định thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững các ngành hàng chủ lực trong nông nghiệp Việt Nam.

Mô hình hiện đang duy trì 5 nhóm hàng hóa và 1 nhóm tài chính vi mô, bao gồm: càphê, chè, rau quả, thuỷ sản, các hàng hoá chung. Mô hình đối tác công-tư của Việt Nam hiện đang hoạt động có hiệu quả và được WEF đánh giá là một mô hình điển hình.

Bên cạnh việc thúc đẩy triển khai sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp”, WEF cũng đang tích cực thúc đẩy nhiều hoạt động sáng kiến để thực hiện “Liên minh các hành động vì tăng trưởng xanh,” trong đó huy động các nguồn lực tài chính thông qua mô hình đối tác công tư là một trong những giải pháp cần đẩy mạnh để huy động thêm các nguồn lực tư khối tư nhân để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.

Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia cam kết mạnh mẽ và lồng ghép nội dung về tăng trưởng xanh trong các chương trình hành động phát triển kinh tế-xã hội và trong các chương trình hành động của các ngành đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn./.

Tố Uyên - Tiến Nhất

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Lượng ôtô nhập khẩu bất ngờ sụt giảm (25/01/2014)

>   TP.HCM và Nemuro tăng hợp tác trong lĩnh vực thủy sản (24/01/2014)

>   Những “món hời” trên thị trường M&A (24/01/2014)

>   Lo ngại áp dụng PPP tùy tiện (24/01/2014)

>   Xuất khẩu thủ công mỹ nghệ: Khó bởi tâm lý ăn xổi (24/01/2014)

>   Hoãn điện hạt nhân, chưa lo thiếu điện (24/01/2014)

>   Xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may không đáng kể (24/01/2014)

>   Doanh nghiệp phải xin phép khi tự in hóa đơn (24/01/2014)

>   Cá tra Việt Nam được xuất khẩu trở lại Ukraina (24/01/2014)

>   Các Bộ đồng ý đề xuất NK đường sản xuất từ Lào của Hoàng Anh Gia Lai (23/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật