Thứ Sáu, 24/01/2014 10:09

Hoãn điện hạt nhân, chưa lo thiếu điện

Từ nay đến năm 2020 lần lượt có thêm trên dưới 10 nhà máy nhiệt điện với công suất xấp xỉ 10.000 MW được đưa vào vận hành và miền Nam sẽ không quá lo chuyện thiếu điện, dù có hoãn khởi công nhà máy điện hạt nhân đến năm 2020.

Kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có thể sẽ bị chậm lại sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tại lễ tổng kết năm của tập đoàn Dầu khí (PVN) ngày 15-1 vừa qua là việc khởi công xây dựng nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận có thể sẽ phải hoãn đến năm 2020 (Tuổi Trẻ, 16-1-2014).

Trước đó, theo Quyết định 906/2010 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030 Việt Nam sẽ xây dựng 13 tổ máy điện hạt nhân. Giai đoạn đầu, đến năm 2015, sẽ hoàn thành việc phê duyệt dự án đầu tư, địa điểm, tổ chức lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị chuyên gia kỹ thuật nòng cốt để khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Dự kiến đến năm 2020, sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành với công suất 1.000 MW.

Đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân là khoảng 8.000 MW và sẽ tăng lên 15.000-16.000 MW vào năm 2030 (chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện).

Lý giải về nguyên nhân có thể hoãn khởi công nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận đến năm 2020 (thay vì năm 2014 theo kế hoạch), ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng hiện dự án này còn một số vấn đề quan trọng chưa gút được.

Cụ thể là phương án tài chính vẫn đang được bàn thảo, chưa ngã ngũ giữa Việt Nam và các nước cho vay. Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vay vốn của Nga và phía Nga đồng ý cho Việt Nam đối ứng 20% vốn của dự án, nghĩa là Việt Nam chỉ bỏ ra 20%, còn lại vay từ Nga.

Trong khi đó, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 vay vốn của Nhật Bản và phía Nhật lại yêu cầu Việt Nam đối ứng 30% vốn.

Từ nay đến năm 2020 miền Nam sẽ được đảm bảo đủ điện, thậm chí còn dư 20% nguồn dự phòng, nên không quá lo ngại về nguồn cung điện và cũng chưa cần đến điện nguyên tử.

Theo ông Ngãi được biết, các hạng mục chính như công nghệ, thiết bị, loại lò phản ứng nào sẽ được lựa chọn để tính giá trị tổng dự toán, làm cơ sở xác định nguồn vốn vay vẫn còn đang được các bên thảo luận. Đối với điện nguyên tử, yếu tố quan trọng hàng đầu chính là lựa chọn công nghệ, do đó việc cần thêm thời gian để Việt Nam có thể lựa chọn công nghệ tối ưu cũng là điều dễ hiểu.

Xét về tính cấp thiết của điện nguyên tử tại Việt Nam, ông Ngãi nhận định thêm từ nay đến năm 2020 sẽ có một số dự án điện quan trọng có thể đủ cấp điện cho miền Nam gồm Nhiệt điện Long Phú 1, Long Phú 2, Sông Hậu, Duyên Hải 1, Duyên Hải 2, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4... với công suất tăng thêm gần 10.000 MW.

Như vậy, từ nay đến năm 2020 miền Nam sẽ được đảm bảo đủ điện, thậm chí còn dư 20% nguồn dự phòng, nên không quá lo ngại về nguồn cung điện và cũng chưa cần đến điện nguyên tử.

Cũng tại buổi tổng kết năm 2013 của PVN, Thủ tướng Chính phủ đã giao PVN đảm bảo khí để làm cụm nhà máy điện 5.000 MW, thay thế cho 4.000 MW điện nguyên tử. Tuy nhiên, theo các chuyên gia năng lượng, thời gian tới nguồn điện có thể bổ sung vào nguồn cung lưới điện quốc gia chủ yếu là nhiệt điện, còn nguồn điện từ khí sẽ khó đảm bảo bởi hiện tại các lô khí đang có ở khu vực phía Nam đã được khai thác tối đa mới có thể đáp ứng khoảng 40% sản lượng điện cả nước.

Hiện khu vực phía Nam đang có các nguồn khí chính từ mỏ PM3 Cà Mau, Nam Côn Sơn, Bạch Hổ khu vực Đông Nam bộ với tổng sản lượng khai thác khoảng 20 triệu mét khối/ngày. Nguồn khí này đang được EVN huy động tối đa để phát điện. Vì vậy, để bổ sung thêm 5.000 MW công suất điện khí để bù 4.000 MW điện hạt nhân hiện chỉ có thể khai thác nguồn khí khu vực miền Trung.

Ông Nguyễn Quốc Thập, Phó tổng giám đốc PVN, cho biết cuối tuần qua là hiện tại PVN đang thăm dò, xác định trữ lượng tại lô 118 - mỏ Cá Voi Xanh khu vực miền Trung để lấy nguồn khí cung cấp cho cụm nhiệt điện khí. Dự kiến cụm khí - điện miền Trung sẽ được xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2020-2022.

Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2009. Theo đó, dự án gồm hai nhà máy với tổng công suất 2.000 MW, vốn đầu tư ước khoảng 200.000 tỉ đồng (khoảng trên 10 tỉ đô la Mỹ) và dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2014 và đưa vào vận hành tổ máy đầu tiên vào năm 2020.

Văn Nam

Thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may không đáng kể (24/01/2014)

>   Doanh nghiệp phải xin phép khi tự in hóa đơn (24/01/2014)

>   Cá tra Việt Nam được xuất khẩu trở lại Ukraina (24/01/2014)

>   Các Bộ đồng ý đề xuất NK đường sản xuất từ Lào của Hoàng Anh Gia Lai (23/01/2014)

>   Xu hướng kinh doanh 2014 (23/01/2014)

>   Minh bạch thông tin ở đâu? (23/01/2014)

>   Bên ngoài hồng, bên trong lại xám (23/01/2014)

>   Khách hàng tố Vietpay lừa đảo (23/01/2014)

>   Ôtô 2014: Cầu tứ bề đừng mơ giảm giá (23/01/2014)

>   DN nên tăng cường xuất khẩu thuốc lá (23/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật