Bên ngoài hồng, bên trong lại xám
Nhìn vào những sắc hồng đang được tô lên bởi các hãng tư vấn, các tổ chức tài chính quốc tế, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp trong nước chỉ biết nhìn nhau. Hơn ai hết, chính họ đang nhìn thấy một bức tranh màu xám.
Hãng tư vấn có trụ sở tại Mỹ Boston Consulting Group (BCG) đã mở văn phòng tại Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái bằng một bản nghiên cứu được đánh giá là đầy sắc hồng. Theo đó, thu nhập của tầng lớp người thu nhập khá và cao sẽ tăng nhanh, từ 12 triệu đồng hiện tại lên 33 triệu đồng vào năm 2020, và người Việt Nam vẫn rất lạc quan về tương lai.
Phát hiện của BCG cũng tương đồng với góc nhìn từ bên ngoài, của nhiều tổ chức quốc tế. Chẳng hạn, các báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IFM) trong thời gian qua đều đánh giá Việt Nam đã thoát ra khỏi khủng hoảng, kinh tế đang tốt lên, tăng trưởng vẫn khá. Những gam màu hồng trong bức tranh kinh tế còn được tô đậm thêm bởi những chỉ số mà Chính phủ đưa ra, như GDP bình quân đầu người lên 1.960 đô la Mỹ, GDP tăng trưởng 5,2%, lạm phát được kiềm chế còn 6,4%, 1,5 triệu lao động được tạo việc làm mới. Thu hút FDI đạt 21,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân sách tuy khó khăn nhưng vẫn hoàn thành chỉ tiêu vào phút thứ 89...
Nhìn vào những sắc hồng đang được tô lên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp chỉ biết nhìn nhau. Hơn ai hết, chính họ đang nhìn thấy một bức tranh màu xám. Người thì cho rằng di sản của năm 2013 để lại quá lớn. Người lại ví von cơn bão đã qua, nhưng tàn tích để lại thì vô cùng nặng nề.
Một nhà đầu tư Việt kiều thốt lên: “Doanh nghiệp làm ăn đã khó khăn suốt mấy năm qua, vậy mà bây giờ cuối năm các đoàn thi nhau đi kiểm tra, phạt... Lợi nhuận chả thấy đâu, kiếm tiền trả lương còn chưa xong, giờ phải lo kiếm tiền nộp phạt. Làm tốt kiểu gì cũng phải moi ra vài lỗi cho bằng được để phạt! Những lúc như thế này, sao thấy tinh thần xuống quá, chẳng muốn làm gì nữa, chỉ muốn ra đi thôi!”. |
Chỉ cần nhìn vào con số các doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động trong những năm qua sẽ thấy một sắc màu xám xịt. Năm 2010 có 40.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động, hãy còn ít so với năm 2011 là 53.000 doanh nghiệp. Đến năm 2012 con số này là 54.000. Năm 2013 số doanh nghiệp ngưng hoạt động lên tới hơn 60.737. Sự rơi rụng dần của các doanh nghiệp cho thấy tầng lớp trung lưu đang ngày một yếu ớt. Rất nhiều doanh nghiệp tưởng đã qua cơn bĩ cực khi trụ được trong sóng gió của mấy năm qua, nay đã buông xuôi. Không ít trong số họ vẫn cố níu giữ mình bằng cách vay mượn từ các khoản tiết kiệm từ người thân, gia đình, bạn bè. Nhưng số tiền đó cũng đã không còn nữa, nên họ cũng chẳng biết bấu víu vào đâu. Điều đó, theo các chuyên gia, cũng cho thấy vốn trong dân đã cạn, hoặc niềm tin của người dân đã cạn.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn Cao Tiến Vị cho biết tinh thần doanh nghiệp, nhất là ở khối sản xuất như ông, đã mất nhiều lắm. “Họ không nghĩ đến chuyện đầu tư nữa, không nghĩ đến phát triển, chỉ cầm cự để tồn tại. Một cái sai của ngày hôm nay phải mất một thời gian dài mới khôi phục được. Thị trường, thị phần đã mất đi thì rất khó để lấy lại được”.
Trong khi đang còn chật vật để tồn tại trong nước, thì cánh cửa mậu dịch ngày một mở toang ra cho làn sóng doanh nghiệp nước ngoài tràn đến. Lắm chủ doanh nghiệp khi được hỏi có quan tâm đến các hiệp định như TPP hay không, cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. “Biết thì biết thế, nhưng chẳng thể làm gì. Cái đau là nhằm vào lúc doanh nghiệp Việt Nam đang khó như thế này mà họ đến. Cơ hội thì nhiều mà chẳng nắm bắt được bao nhiêu. Nói như chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, thì “dường như người Việt Nam rất giỏi trong việc biến cơ hội thành nguy cơ!”, điều mà sau gia nhập WTO thấy rất rõ.
Theo nhiều doanh nghiệp, cải cách thể chế là một nội dung lớn. Cái chính là làm sao để tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp. Một trong những “ước mơ” của các doanh nghiệp là “làm sao để cơ quan hải quan và thuế có tinh thần giúp doanh nghiệp, thì mới có thể phát triển được!
Càng đến cuối năm, giới doanh nghiệp càng phản ánh nhiều kiểu làm khó của cơ quan thuế. Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất cho rằng, chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước dành cho họ. Nhưng khi khoản hỗ trợ đó chưa đến tay người nhận thì những biện pháp “tận thu” đã được ráo riết tận dụng, và còn nhiều hơn cả số tiền được giảm. Những cuộc viếng thăm và kiểm tra đột xuất, những khoản phạt bất ngờ... khiến không ít doanh nghiệp phải ngán ngẩm. Một nhà đầu tư Việt kiều thốt lên: “Doanh nghiệp làm ăn đã khó khăn suốt mấy năm qua, vậy mà bây giờ cuối năm các đoàn thi nhau đi kiểm tra, phạt... làm đủ cách để hành hạ nhau. Lợi nhuận chả thấy đâu, kiếm tiền trả lương cuối năm còn chưa xong, giờ phải lo kiếm tiền nộp phạt. Làm tốt kiểu gì cũng phải moi ra vài lỗi cho bằng được để phạt! Những lúc như thế này, sao thấy tinh thần xuống quá, chẳng muốn làm gì nữa. Chỉ muốn ra đi thôi!”.
Theo một chuyên gia, trong năm 2014, giới doanh nghiệp sẽ gặp ba khó khăn lớn gồm thị trường, nguồn tín dụng và giữ được người giỏi. Di sản của những năm khó khăn sẽ tiếp tục âm ỉ trong năm nay. Lãi suất ngân hàng đã giảm, nhưng vẫn khó tiếp cận, và vẫn luôn cao hơn mức lãi suất công bố, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phi Tuấn
tbktsg
|