Nhiều sai sót trong quản lý Nhà nước về đầu tư
Kết luận về công tác quản lý Nhà nước về đầu tư và phát triển bằng nguồn vốn Nhà nước giai đoạn 2010 - 2012; kiểm tra tình hình phát triển các khu công nghiệp và kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 1792 ngày 15/10/2011 của Thủ tưởng Chính phủ tại Bắc Giang, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra một số sai sót cần rút kinh nghiệm.
Công tác quy hoạch nhiều hạn chế
Đoàn thanh tra chỉ ra, trình độ quản lý của lực lượng cán bộ chuyên môn về đầu tư và xây dựng ở một số đơn vị, đặc biệt là cấp xã còn yếu, thiếu, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu với việc phân cấp mạnh, làm cho công tác chuẩn bị đầu tư còn bất cập, chưa chủ động.
Mặt khác, do năng lực tư vấn, khảo sát thiết kế còn yếu, áp dụng định mức, cấp phối vật liệu, các biện pháp thi công, các tiêu chuẩn, quy chuẩn không đúng, trong khi chủ đầu tư chưa làm tốt công tác kiểm soát hồ sơ dự án trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, dẫn đến nhiều dự án phải lập lại, điều chỉnh nhiều lần, tình trạng tăng quy mô, tăng tổng mức đầu tư, làm ảnh hưởng đến cơ cấu đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án, công trình dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp.
Một số quy hoạch ở các cấp còn hạn chế, công tác dự báo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, có những quy hoạch phê duyệt chậm ảnh hưởng đến công tác quản lý và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư như quy hoạch quản lý vật liệu xây dựng. Đồng thời, có những quy hoạch đã được phê duyệt, nhưng do công tác dự báo chưa sát thực tế, nên chỉ sau thời gian 1 - 2 năm đã phải điều chỉnh, gây lãng phí ngân sách. Nhiều quy hoạch ngành còn mâu thuẫn với nhau, chưa tuân thủ theo quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến nhiều quy hoạch bị phá vỡ, gây thiệt hại cho các địa phương.
Một số công trình dự án thực hiện khi quy hoạch chưa được phê duyệt, hoặc phối hợp thực hiện quy hoạch chưa tốt đã phải dừng không thi công, thi công hoàn thành nhưng chưa đi vào sử dụng gây lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư như dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa 150 giường TP Bắc Giang, dự án xây dựng hạ tầng khu du lịch Tây Yên Tử, dự án đường vào khu công nghiệp Việt - Hàn…
Công tác thông tin và công bố quy hoạch chưa được chú trọng, chưa thực hiện tốt việc kiểm tra thực hiện quy hoạch nhằm đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch; xác định những hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân của việc không thực hiện được hoặc thực hiện không tốt quy hoạch…
Trong giai đoạn 2010 - 2012, tổng nguồn vốn Nhà nước bố trí theo kế hoạch cho đầu tư phát triển của tỉnh là trên 6.919 tỷ. Tuy nhiên, công tác phân bổ vốn đầu tư và phát triển còn một số tồn tại. Trong 3 năm, toàn tỉnh có 385 dự án với tổng mức đầu tư là trên 5.165 tỷ đồng chưa có quyết định đầu tư trước 31/10 năm trước năm kế hoạch theo quy định nhưng vẫn được bố trí với giá trị bố trí là trên 991 tỷ đồng; 14 dự án với tổng mức đầu tư trên 1.802 tỷ được phê duyệt trước ngày 31/10 năm trước, đủ điều kiện để bố trí vốn vào năm sau nhưng không được bố trí vốn để triển khai thực hiện vào năm sau.
Đoàn thanh tra còn chỉ ra, do bố trí vốn còn dàn trải, chưa tập trung nên nợ xây dựng cơ bản vẫn còn lớn, bao gồm nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản dự án hoàn thành và nợ đối với giá trị khối lượng thực hiện của các dự án đang thi công. Cụ thể, năm 2010, trên 986,6 tỷ đồng; năm 2011, trên 1.260,6 tỷ đồng; năm 2012, trên 1.510,6 tỷ đồng. Tình trạng nợ đọng vốn tạm ứng theo hợp đồng nhưng nhà thầu không đủ khối lượng, hồ sơ hoàn ứng. Tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh còn dư tạm ứng chuyển sang năm 2013 là trên 238,5 tỷ đồng.
Trong 3 năm 2010 - 2012, toàn tỉnh thực hiện 3.671 gói thầu thuộc các dự án đầu tư xây dựng và các dự án mua sắm tài sản duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan Nhà nước với trị giá trên 10.909 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác quản lý đấu thầu còn nhiều bất cập, vi phạm quy định, việc chấp hành quy định về chế độ báo cáo và cung cấp thông tin đấu thầu theo Quyết định 43/2010/UBND của chủ đầu tư không nghiêm, dẫn đến số liệu tổng hợp đánh giá kết quả đấu thầu chưa phản ánh đúng thực trạng về đấu thầu trên địa bàn. Tỷ lệ tiết kiệm thông qua các hình thức đấu thầu rất thấp, bình quân trong 3 năm là 1,99%. Tính cạnh tranh trong đấu thầu chưa cao. Hiệu quả kinh tế thông qua đấu thầu thấp, tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước trong đấu thầu có xu thế giảm dần.
Công tác giám sát, đánh giá đầu tư chưa được thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Nghị định 113 của Chính phủ và Thông tư 13 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nhiều dự án lập, thẩm định, phê duyệt sai quy định
Kiểm tra tại 34 dự án, công trình do các sở, UBND huyện, thành phố làm chủ đầu tư cho thấy, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án không đúng trình tự, thủ tục trong việc phê duyệt dự án; không phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật và thực tế; thay đổi, điều chỉnh dự án nhiều lần làm giảm hiệu quả sử dụng dự án, lãng phí vốn đầu tư. Cụ thể: Công trình Đường Cầu Gồ - Đồng Vương - Trại Vanh, Yên Thế, bình đồ tuyến được lập và phê duyệt là 1/1.000 không phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật, gây lãng phí không cần thiết; dự án đường vành đai khu Đông Bắc TP Bắc Giang, thay đổi lớp kết cấu mặt đường đã thi công xong nên phải bổ sung lớp bù vênh mặt đường bằng bê tông nhựa hạt trung dày 3,75cm, việc này đã làm tăng chi phí số tiền trên 1,1 tỷ đồng…
Trình tự thời gian trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu chưa phù hợp với pháp luật. Tại dự án xử lý đột xuất chống sạt lở kè Đại Mão, hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa… hồ sơ mời thầu quy định về điều kiện để chỉ định thầu là nhà thầu phải ứng vốn để thực hiện gói thầu là không phù hợp…
Hầu hết các gói thầu tại các dự án đều không ký xác nhận vào bản gốc hồ sơ dự thầu; hồ sơ dự thầu, đề xuất sơ sài, như: Đường liên xã Nghĩa Trung, Minh Đức, cải tạo nâng cấp khu xử lý rác thải sinh hoạt vệ sinh huyện Việt Yên…; thỏa thuận liên doanh không hợp lệ nhưng vẫn trúng thầu, như đường Canh Mậu, Yên Thế; dự án đường giao thông vào các xã nghèo miền núi Kiên Lao, Kiên Thành, Thanh Hải, Biên Sơn và Đèo Gia, Lục Ngạn; tổ chuyên gia đánh giá chưa thực hiện đúng trách nhiệm như không làm rõ các khối lượng, đơn giá, đơn vị tính trong hồ sơ, không yêu cầu nhà thầu làm rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa không cố định trong hồ sơ dự thầu tại các dự án như: Cải tạo, nâng cấp nhà hát chèo tỉnh, cải tạo và nâng cấp khu xử lý rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh huyện Việt Yên, dự án cải tạo, nâng cấp đường cứu hộ, cứu nạn các xã vùng lũ, lưu vực sông Thương, huyện Tân Yên.
Chỉ định thầu cho các nhà thầu không đủ năng lực. Công tác thương thảo, ký kết và thực hiện hợp đồng còn tồn tại sai sót, chủ đầu tư và nhà thầu không tổ chức thương thảo hoàn thiện hợp đồng ở hầu hết các hợp đồng thuộc các gói thầu; không có bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
Công tác nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư cũng để xảy ra sai sót. Chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ việc giám sát chất lượng thi công công trình theo quy định, không có biên bản kiểm tra về nhân lực, thiết bị thi công của nhà thầu thi công xây dựng công trình đưa vào công trường; nhân sự, máy móc và thiết bị thực tế khi tham gia quá trình thi công của một số gói thầu, dự án không đúng với yêu cầu của hồ sơ mời thầu và kê khai trong hồ sơ dự thầu.
Kiến nghị thu hồi trên 4,8 tỷ đồng
Việc chấp hành Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ chưa nghiêm túc. Chưa bố trí đủ vốn cho những dự án hoàn thành trước 31/12/2012 và những dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2013. Chưa phân bổ đủ hạn mức vốn tối thiểu cho 17 dự án khởi công mới… Khu công nghiệp triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng quá chậm, trong đó một số khu công nghiệp hệ thống xử lý nước thải chưa được xây dựng, tỷ lệ đất đã cho thuê tại các khu công nghiệp quá thấp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND tỉnh chủ trì kiểm điểm, rút kinh nghiệm và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục xử lý đối với những sai sót, sai phạm trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước giai đoạn 2010 - 2012; việc phát triển khu công nghiệp và thực hiện Chỉ thị số 1792; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực của tỉnh đến năm 2020; tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá về năng lực, số lượng các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án để kiện toàn về tổ chức, bộ máy cho phù hợp; các cơ quan, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra thu thập thông tin về tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng vốn đầu tư; xác định rõ từng cấp, từng cơ quan, cá nhân trong việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản do bố trí kế hoạch vốn, ứng vốn theo hợp đồng nhưng nhà thầu không đủ khối lượng hoàn ứng, chiếm dụng vốn Nhà nước. Tiến hành thu hồi các khoản dư ứng với số tiền trên 61 tỷ.
Chỉ đạo các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án thực hiện việc giảm trừ, thu hồi số tiền trên 4,8 tỷ đồng, trong đó, giảm trừ khi thanh tra toán giá trị trên 2 tỷ đồng; xuất toán, thu hồi giá trị gần 2,8 tỷ đồng nộp vào ngân sách Nhà nước.
Thái Hải
thanh tra
|